Xuân ở làng nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Làng Sơn (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ, Gia Lai) là làng nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên trên tuyến biên giới của tỉnh. Những ngày cuối năm về thăm làng, chúng tôi cảm nhận rõ nguồn sinh khí mới đang tiếp động lực cho người dân nơi đây chung sức xây dựng quê hương.

 

Sức dân vùng biên

Vượt qua con suối Ia Nan, làng Sơn dần hiện ra trước mắt chúng tôi với những ngôi nhà khang trang cùng con đường bê tông thẳng tắp. Những ngày này, bà con dân làng đang tất bật, người lên rừng hái lá dong, tìm cành mai, người dọn dẹp nhà cửa... báo hiệu xuân ấm no, bình yên và hạnh phúc đã về.

Một góc làng Sơn (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) hôm nay. Ảnh: T.T
Một góc làng Sơn (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) hôm nay. Ảnh: T.T



Làng Sơn có 320 hộ với hơn 1.000 khẩu, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm gần 80%. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, dân làng đã đùm bọc, bảo vệ tuyến đường Hồ Chí Minh qua khu vực này để những chuyến hàng vận chuyển vào chiến trường thông suốt. Năm nay đã bước qua 70 mùa rẫy, hơn ai hết, già làng Siu Bình cảm nhận rõ sự thay da đổi thịt trên quê hương mình. 8 năm được bà con tín nhiệm bầu làm già làng, ông đã đến từng gia đình vận động người dân tham gia tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc, chung tay xây dựng nông thôn mới (NTM). “Khi làng Sơn được huyện chọn xây dựng làng NTM kiểu mẫu, mình và Ban Công tác Mặt trận lo lắng lắm. Làng còn nhiều hộ nghèo, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ. Nhưng Đảng đã chọn, dù khó khăn cũng phải làm, với lại ai cũng xác định mục tiêu có xây dựng được làng NTM thì quê hương mình mới đổi thay”-ông Bình chia sẻ.

Trò chuyện với cán bộ xã Ia Nan và người dân làng Sơn, chúng tôi càng hiểu về sự nỗ lực của bà con trong việc xây dựng làng NTM. Đầu năm 2018, làng chỉ đạt 12/19 tiêu chí. Thế nhưng đến tháng 3-2019, làng Sơn đã đạt 19/19 tiêu chí và trở thành làng biên giới đầu tiên trên địa bàn tỉnh hoàn thành việc xây dựng NTM kiểu mẫu. Điều đó cho thấy những nỗ lực vượt bậc của chính quyền và người dân nơi đây. Ông Rơ Châm Tưng-Bí thư Đảng ủy xã Ia Nan-cho biết: Để xây dựng thành công làng nông NTM kiểu mẫu, bên cạnh sự chung tay góp sức của các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn như Công ty TNHH một thành viên 72 (Binh đoàn 15), Đồn Biên phòng Ia Nan... sự nỗ lực của nhân dân các dân tộc là hết sức quan trọng. Ông Tưng thống kê: Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng người dân đã đóng góp hơn 1.000 m2 đất, phá bỏ hàng trăm cây xanh, cây ăn quả các loại để mở rộng những con đường. Đặc biệt, dân làng còn đóng góp gần 800 triệu đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình công cộng của làng.

Xây dựng làng NTM ở khu vực nội địa đã lắm gian nan, nhiệm vụ này trên địa bàn biên giới càng khó trăm bề. Nhưng nếu biết huy động sức dân thì mọi chuyện dù khó đến đâu cũng sẽ hoàn thành. Nói như bà Ksor Hlem, người hiến hơn 200 m2 đất để mở đường trong làng: “Vì cái chung, mình chịu thiệt một ít đất để có con đường rộng rãi cho bà con đi lại dễ dàng, vận chuyển nông sản cũng thuận lợi. Xây dựng được làng khang trang cũng là góp phần để con cháu có cuộc sống ấm no hơn”.

Xuân ấm tình người

 Già làng Siu Bình chăm sóc hoa chuẩn bị đón Tết. Ảnh: T.T
Già làng Siu Bình chăm sóc hoa chuẩn bị đón Tết. Ảnh: T.T



Già Siu Bình mời tôi ở lại với làng một đêm để trò chuyện nhiều hơn, hiểu rõ hơn sự đổi thay nơi đây. Tôi ngủ lại biên giới cũng nhiều nhưng đây là lần đầu tiên ở lại với làng, với bà con chân chất nghĩa tình. Bếp than hồng thơm lừng mùi cá nướng, lá mì xào bông đu đủ. Bữa cơm nơi miền biên viễn là thế. Phó Chủ tịch UBND xã Rơ Lan Đức tham gia câu chuyện với những con số đáng mừng: “Làng Sơn còn 15 hộ nghèo, giảm 20 hộ so với đầu năm 2018. Trong làng hiện có trên 40 hộ gia đình thu nhập mỗi năm trên 200 triệu đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 30 triệu đồng/năm. Đây là con số rất ấn tượng mà nhiều làng trên vùng biên giới này khó đạt được”. Câu chuyện về xây dựng NTM cứ thế kéo dài nếu như không có lời nhắc của già Siu Bình: “Làng mình năm nào cũng có các đơn vị quân đội về cùng đón Tết, năm thì Đồn Biên phòng Ia Nan, năm thì Công ty 72, rồi Tiểu đoàn 50 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh). Có bộ đội về làng vui lắm, cùng làm bánh chưng, bánh tét, tổ chức đón Tết, biểu diễn văn nghệ...”.

Nhắc đến chuyện đón Tết nơi miền biên viễn, ông Rơ Lan Đức nhắc nhớ: Từ năm 2015, làng Sơn và làng Lâm (xã Bó Nhầy, huyện Oyadav, tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia) đã tổ chức kết nghĩa với nhau. Năm nào cũng vậy, khi làng Sơn đón Tết thì người dân làng Lâm lại sang chúc mừng, qua đó thắt chặt tình cảm keo sơn, gắn bó. Già làng Siu Bình cho biết thêm: “Năm nay là năm đầu tiên bà con làng mình đón Tết ở làng NTM kiểu mẫu. Bà con đã bàn bạc với nhau phải làm nhiều bánh chưng để vừa vui Tết vừa tiếp khách. Năm trước khi khách đến thì đường sá, nhà cửa chưa khang trang nhưng giờ thì đẹp lắm rồi, tất cả đều nhờ chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước”.

Thu hoạch cà phê. Ảnh internet
Thu hoạch cà phê. Ảnh internet



Đêm mỗi lúc một khuya, tôi ngủ lại nhà của già làng. Đêm biên giới yên tĩnh đến lạ kỳ, thi thoảng những cơn gió lùa qua liếp cửa làm cho không gian trở nên lạnh hơn. Chập chờn trong giấc ngủ, lòng tôi vẫn ấm khi nghĩ về những câu chuyện xây dựng NTM, rồi chuẩn bị đón Tết của những người dân nơi đây. Chợt nhớ câu nói đầy trách nhiệm của người đảng viên cao tuổi Rơ Châm Thứ: “Làng mình xây dựng thành công làng NTM là nhờ Đảng. 90 mùa xuân từ khi có Đảng, cuộc sống của quê hương đã đổi thay, Vì vậy, mỗi người phải đoàn kết để nghe theo Đảng chăm lo lao động sản xuất, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.
 

THIÊN THANH