Hội viên phụ nữ Bahnar huyện Kông Chro luôn tâm huyết với nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Ảnh: N.U |
Huyện Kông Chro có 14 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong đó, dân tộc Bahnar chiếm trên 67% và đây cũng là chủ thể chính của DSVH phi vật thể tại địa phương. Theo Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin Nguyễn Văn Đát: Những năm qua, các loại hình DSVH phi vật thể như: tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội; lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống; tri thức dân gian... được quan tâm bảo tồn và phát huy.
Riêng năm 2023, huyện đã tiến hành kiểm kê đối với nghề thủ công truyền thống, ngữ văn dân gian, tiếng nói và chữ viết. Trên cơ sở hướng dẫn của Ban Kiểm kê DSVH huyện, 62/74 thôn, làng, tổ dân phố thuộc 14 xã, thị trấn đều hoàn thành nhiệm vụ với kết quả khả quan.
Qua kiểm kê, trên địa bàn huyện có 762 người thành thạo các nghề thủ công truyền thống như: dệt thổ cẩm, đan lát, tạc tượng, làm rượu ghè; 67 người biết hát kể sử thi, hát dân ca, hát ru… có khả năng trình diễn trước tập thể và truyền đạt lại cho thế hệ sau.
Tiếng nói của người Bahnar và các dân tộc thiểu số khác vẫn được sử dụng thường xuyên trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Một số người vẫn viết được tiếng Bahnar theo cách phát âm tiếng nói sử dụng chữ Latinh, song không còn hồ sơ, tài liệu để kiểm kê.
Ngoài ra, UBND huyện còn chỉ đạo các ban, ngành liên quan và các xã, thị trấn tổ chức kiểm kê di tích. Qua đó, đề xuất đưa di tích “Địa điểm đồng chí Phạm Hồng chỉ huy đội tự vệ mật phục kích diệt địch tại thôn 2, xã Kông Yang” vào danh mục kiểm kê và lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng giai đoạn 2024-2029.
“Tuy vậy, công tác kiểm kê DSVH cũng gặp một số khó khăn. Chẳng hạn, một số nghệ nhân còn e ngại trong thực hành di sản như hát dân ca nên có một số bài dân ca chỉ hát rất ngắn; một số người lại già yếu, số người trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm. Đa phần nghệ nhân là người lớn tuổi, làm nông nghiệp nên việc thực hành các loại hình DSVH này chủ yếu là vào lúc rảnh rỗi dẫn đến việc kiểm kê không thể ghi lại toàn bộ quy trình thực hành của nghệ nhân”-ông Đát nhìn nhận.
Di tích Địa điểm đồng chí Phạm Hồng đã chỉ huy Đội du kích mật tiêu diệt kẻ địch tại thôn 2, xã Kông Yang, huyện Kông Chro. Ảnh: Mộc Trà |
Cũng theo Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện, để nâng cao hiệu quả công tác kiểm kê DSVH, huyện sẽ chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ cơ sở trong việc kiểm kê, lập hồ sơ các DSVH; đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong bảo tồn, phát huy giá trị DSVH phi vật thể ở địa phương.
Ngoài ra, căn cứ kết quả kiểm kê huyện sẽ tập trung triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo vệ và phát huy giá trị DSVH phi vật thể, tạo nguồn lực “nội sinh” góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Theo đó, các xã, thị trấn tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về giá trị văn hóa đặc sắc của nghề thủ công truyền thống thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, hoạt động do các cấp tổ chức; duy trì hoạt động các tổ, đội dệt thổ cẩm, đan lát; sáng tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo, hấp dẫn phù hợp với thị hiếu từ chất liệu thổ cẩm, mây tre đan… và nghiên cứu đưa sản phẩm này bán trên các sàn thương mại điện tử.
Đồng thời, thường xuyên sử dụng sản phẩm từ nghề thủ công truyền thống của các dân tộc trong sinh hoạt đời thường, hoạt động của cộng đồng, lễ hội, trình diễn văn hóa-văn nghệ.
Đối với loại hình ngữ văn dân gian, huyện sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về giá trị văn hóa đặc sắc của dân ca; vận động nghệ nhân thường xuyên tham gia các hoạt động văn hóa-văn nghệ để truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ học hỏi; tổ chức các cuộc thi, hội thi, liên hoan trong đó có hát dân ca và có chính sách để khuyến khích, động viên lực lượng nghệ nhân còn giữ gìn loại hình này.
Bên cạnh khuyến khích người Bahnar sử dụng cả ngôn ngữ Kinh và tiếng mẹ đẻ trong sinh hoạt hàng ngày, huyện cũng sẽ chú trọng đưa việc giảng dạy tiếng Bahnar vào các trường học. Công tác biểu dương, khen thưởng nghệ nhân có nhiều thành tích trong giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, nghề thủ công truyền thống… cũng sẽ được huyện quan tâm kịp thời.
“Huyện cũng đề nghị và rất mong các cấp có thẩm quyền tiếp tục đưa ra những chính sách và chương trình đầu tư, thể hiện sự quan tâm nhiều hơn nữa đến các nghệ nhân để khuyến khích, động viên họ tiếp tục giữ gìn và phát huy giá trị các loại hình DSVH phi vật thể của cộng đồng”-ông Đát cho biết.