Kông Chro: Hỗ trợ thanh niên nghèo phát triển kinh tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)-

Huyện Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đã phối hợp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, hỗ trợ cây con giống, vay vốn đầu tư sản xuất giúp nhiều thanh niên nghèo phát triển kinh tế.

Huyện Kông Chro hiện có 10.645 thanh niên, trong đó có khoảng 2.800 đoàn viên thanh niên là chủ hộ. Để giúp đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế và tìm kiếm việc làm, Huyện Đoàn, Hội LHTN Việt Nam huyện phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện tổ chức 9 đợt tư vấn, giới thiệu việc làm cho 4.017 lượt đoàn viên, thanh niên; phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện tổ chức 6 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp (cây trồng, vật nuôi) cho 308 hội viên, thanh niên; đào tạo nghề cho 203 hội viên, thanh niên; triển khai app i-HR giới thiệu việc làm cho 4.792 lượt học sinh, hội viên, thanh niên.

Huyện Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Kông Chro phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện tư vấn, giới thiệu việc làm cho đoàn viên, thanh niên trên địa bàn. Ảnh: Ngọc Minh

Huyện Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Kông Chro phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện tư vấn, giới thiệu việc làm cho đoàn viên, thanh niên trên địa bàn. Ảnh: Ngọc Minh

Cùng với đó, Huyện Đoàn, Hội LHTN Việt Nam huyện đã triển khai và hướng dẫn đoàn viên, thanh niên tiếp cận nguồn vốn vay của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Đến nay, Đoàn xã An Trung, Chơ Glong, Đăk Kơ Ning, Đăk Pling, Yang Nam, Đăk Pơ Pho, Đăk Sông, Sró và thị trấn Kông Chro quản lý 32 tổ tiết kiệm vay vốn, tạo điều kiện cho 1.336 lượt hộ đoàn viên, thanh niên vay với tổng dư nợ hơn 46,65 tỷ đồng; tăng hơn 21,08 tỷ đồng, tăng 8 tổ vay vốn và tăng 446 hộ đoàn viên, thanh niên so với năm 2020.

Ngoài ra, trong 2 năm (2022 và 2023), từ nguồn lực của Trung tâm Hỗ trợ thanh thiếu nhi Việt Nam, Huyện Đoàn, Hội LHTN Việt Nam huyện hỗ trợ 91 con bò sinh sản và 9.000 con gà giống cho 151 hộ thanh niên khó khăn tại các xã: Ya Ma, Sró và Đăk Song. Từ các hoạt động hỗ trợ kịp thời đã tạo động lực giúp 21 hộ đoàn viên, thanh niên thoát nghèo, từng bước ổn định cuộc sống.

Anh Đinh Oi (bìa trái ở làng Kươk, xã Sró, huyện Kông Chro) chăm sóc con bò được hỗ trợ. Ảnh: Ngọc Minh

Anh Đinh Oi (bìa trái ở làng Kươk, xã Sró, huyện Kông Chro) chăm sóc con bò được hỗ trợ. Ảnh: Ngọc Minh

Năm 2021, vợ chồng anh Đinh Oi (làng Kươk, xã Sró) ra ở riêng với 1,8 ha đất sản xuất cùng căn nhà nhỏ bố mẹ cho. Vợ chồng anh được đoàn viên, thanh niên trong làng chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, chăm sóc cây trồng, vật nuôi, giúp đổi công mỗi khi thu hoạch hoa màu, được 1 hộ thanh niên cho nuôi rẽ 1 con bò. Hàng năm, tích cóp tiền từ việc đi làm thuê, bán nông sản, anh Oi tái đầu tư sản xuất, mua thêm bò phát triển chăn nuôi.

“Năm 2021, tôi chuyển 8 sào đất đồi chuyên trồng lúa rẫy sang trồng keo; 1 ha đất còn lại, tôi trồng giống đậu, bắp, mì mới có năng suất cao. Cuối năm 2023, Huyện Đoàn, Hội LHTN Việt Nam huyện hỗ trợ gia đình 1 con bò, nâng tổng số đàn bò lên 8 con. Thêm vật nuôi, thêm nguồn sinh tế đã giúp gia đình vươn lên thoát nghèo”-anh Oi phấn khởi nói.

Nhờ các cấp Hội, Đoàn trợ giúp, gia đình anh Đinh Vec (làng Tờ Nùng-Măng, xã Ya Ma, huyện Kông Chro) phát triển sản xuất, chăn nuôi đời sống ngày càng ổn định. Ảnh: Ngọc Minh

Nhờ các cấp Hội, Đoàn trợ giúp, gia đình anh Đinh Vec (làng Tờ Nùng-Măng, xã Ya Ma, huyện Kông Chro) phát triển sản xuất, chăn nuôi đời sống ngày càng ổn định. Ảnh: Ngọc Minh

Tương tự, năm 2016, vợ chồng anh Đinh Văn Vec (làng Tờ Nùng-Măng, xã Ya Ma) ra ở riêng, được bố mẹ 2 bên cho 1 ha đất. Chịu khó tăng gia sản xuất, làm thuê, mỗi năm tích cóp ít vốn và được Đoàn xã hỗ trợ, anh Vec đã vay vốn của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đầu tư mua đất sản xuất, mua bò phát triển chăn nuôi. Cuối năm 2022, Huyện Đoàn, Hội LHTN Việt Nam huyện hỗ trợ anh Vec 1 con bò. Nhờ chăm sóc cẩn thận, nay bò mẹ đã mang thai. Đến nay, vợ chồng anh Vec có 3 ha đất trồng mì, bắp, đậu và 6 con bò. “Hàng năm, vợ chồng tôi thu nhập từ bán nông sản, bán bò được hơn 100 triệu đồng. Được như vậy là nhờ các cấp Hội, Đoàn trợ giúp, gia đình có động lực vươn lên thoát nghèo, đời sống ngày càng ổn định”-anh Vec bày tỏ.

Đoàn viên, thanh niên xã Ya Ma, huyện Kông Chro chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, canh tác cây đậu. Ảnh: Ngọc Minh

Đoàn viên, thanh niên xã Ya Ma, huyện Kông Chro chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, canh tác cây đậu. Ảnh: Ngọc Minh

Theo Bí thư Đoàn xã Ya Ma Đinh Thị Nguyên, trên địa bàn xã hiện có 385 đoàn viên, thanh niên; còn 37 hộ thanh niên nghèo và 13 hộ thanh niên cận nghèo chủ yếu là hộ thanh niên người dân tộc thiểu số. “Dựa trên điều kiện thực tế địa phương, từng hoàn cảnh của gia đình đoàn viên, thanh niên mà khuyến khích, vận động thanh niên chủ động tự tạo việc làm, giúp nhau lập nghiệp; hướng dẫn hội viên, thanh niên tiếp cận nguồn vốn để đầu tư chăn nuôi, trồng trọt; tham mưu cấp ủy, chính quyền hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho hội viên, thanh niên có hoàn cảnh khó khăn; tuyên truyền vận động đoàn viên, thanh niên hỗ trợ, chia sẻ, liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tạo nên khí thế thi đua sôi nổi trong các phong trào phát triển kinh tế-xã hội, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh”-chị Nguyên cho hay.

Huyện Đoàn, Hội LHTN Việt Nam huyện Kông Chro chủ động nắm bắt nguyện vọng của thanh niên về nghề nghiệp, việc làm để vận động thanh niên tham gia các ngày hội tư vấn việc làm, hướng nghiệp, góp phần phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Ảnh: Phương Liên

Huyện Đoàn, Hội LHTN Việt Nam huyện Kông Chro chủ động nắm bắt nguyện vọng của thanh niên về nghề nghiệp, việc làm để vận động thanh niên tham gia các ngày hội tư vấn việc làm, hướng nghiệp, góp phần phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Ảnh: Phương Liên

Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam huyện Kông Chro Đinh Thế Song cho biết: Thời gian tới, Huyện Đoàn, Hội LHTN Việt Nam huyện tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên tích cực sản xuất, chăn nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật và chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong sản xuất, phát triển kinh tế gia đình để góp phần giảm nghèo. Nâng cao nhận thức về ý chí phấn đấu trong phát triển kinh tế trên mảnh đất quê hương. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật đối với thanh niên, đặc biệt là trong thanh niên dân tộc thiểu số.

“Cùng với đó, Huyện Đoàn, Hội LHTN Việt Nam huyện chủ động nắm bắt nguyện vọng của thanh niên về nghề nghiệp, việc làm để vận động thanh niên tham gia các ngày hội tư vấn việc làm, hướng nghiệp, tư vấn xuất khẩu lao động. Tiếp tục đề xuất các cấp, ban, ngành vận động các nguồn lực để hỗ trợ các mô hình sinh kế cho hanh niên yếu thế trên địa bàn; tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả mô hình mỗi tổ chức cơ sở đoàn hỗ trợ thanh niên thoát nghèo. Hướng dẫn, hỗ trợ các thủ tục để đoàn viên, thanh niên tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội trong phát triển kinh tế”-anh Song nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Thông qua 40 nghị quyết quan trọng

Thông qua 40 nghị quyết quan trọng

(GLO)- Sáng 11-12, kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026) bước vào ngày làm việc cuối cùng với phần chất vấn và trả lời chất vấn; đồng thời, các đại biểu đã biểu quyết thông qua 40 nghị quyết quan trọng.