Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Nhật Hào |
Theo báo cáo của UBND huyện Kông Chro, hiện nay, trên địa bàn huyện có 8 doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản với 11 điểm mỏ. Hàng năm, huyện Kông Chro đều ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các quy định về quản lý, bảo vệ khoáng sản; xây dựng các kế hoạch kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn. Kết quả, giai đoạn 2017-2022, huyện phát hiện, xử lý 39 trường hợp khai thác trái phép với tổng số tiền xử phạt trên 963 triệu đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, huyện Kông Chro cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn. Theo đó, huyện kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng của tỉnh tăng cường kiểm tra, kê khai khối lượng tài nguyên khoáng sản; truy thu các loại thuế, phí đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản; kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về vận chuyển khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp; rà soát các doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản, cấp giấy phép bổ sung đối với diện tích đất hoạt động khoáng sản cho doanh nghiệp để tạo thuận lợi cho địa phương trong công tác quản lý và trên cơ sở đó Nhà nước thu được các khoản thuế, phí theo quy định, tránh tình trạng khai thác khoáng sản trái phép gây thất thu nguồn ngân sách.
Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên phối hợp, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động khoáng sản, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm; rà soát trữ lượng còn lại của các mỏ khoáng sản hết thời gian khai thác (đóng cửa mỏ) để tham mưu cấp có thẩm quyền cấp phép khai thác tận thu khoáng sản tránh tình trạng lãng phí nguồn tài nguyên…
Đoàn kiểm tra việc hoàn thổ, cải tạo phục hồi môi trường tại điểm mỏ đá bazan tại thị trấn Kông Chro của Công ty TNHH một thành viên Đào Kỳ (đã đóng cửa mỏ). Ảnh: Nhật Hào |
Tại buổi làm việc, Đoàn đã khảo sát thực tế 4 điểm mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Kông Chro gồm: điểm mỏ khai thác đá xây dựng tại xã Yang Trung của Công ty TNHH Trung Kiên; điểm mỏ khai thác cát xây dựng tại thị trấn Kông Chro của Công ty cổ phần hợp lực Trung Nguyên và mỏ đá bazan trụ, bazan khối tại thị trấn Kông Chro của Công ty cổ phần liên doanh Hải Lai và điểm mỏ đá bazan tại thị trấn Kông Chro của Công ty TNHH một thành viên Đào Kỳ (đã đóng cửa mỏ).
Trong đó, Đoàn tập trung kiểm tra diện tích, vị trí được cấp phép; việc cắm mốc thực địa; lắp đặt trạm cân và camera giám sát, việc thực hiện cam kết của doanh nghiệp trong hỗ trợ địa phương về an sinh xã hội, cải tạo cơ sở hạ tầng. Đồng thời, hướng dẫn địa phương một số giải pháp trong công tác quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn cùng một số nội dung liên quan.
Đoàn kiểm tra diện tích, vị trí khai thác khoáng sản điểm mỏ khai thác đá xây dựng tại xã Yang Trung của Công ty TNHH Trung Kiên. Ảnh: Nhật Hào |
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trương Văn Đạt ghi nhận sự nỗ lực, trách nhiệm của huyện Kông Chro trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn. Cụ thể là đã chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản; chủ động xây dựng kế hoạch thanh-kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản; có sự ký kết phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản với các địa phương giáp ranh.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cho rằng công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản trên địa bàn huyện Kông Chro vẫn còn một số tồn tại như: tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn xảy ra; các điểm mỏ khoáng sản được cấp phép còn một số bất cập nhất định, nhất là trong quản lý sản lượng khoáng sản khai thác, trong công tác thu thuế; một số mỏ chưa thực hiện nghiêm công tác hoàn thổ sau khai thác; chưa thực hiện nghiêm quy định về lắp đặt trạm cân…
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đề nghị huyện Kông Chro tiếp tục chủ động các phương án quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, trong đó phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các chủ mỏ lắp đặt camera, trạm cân đúng vị trí; rà soát các điểm tập kết vật liệu khai thác của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản, kiểm tra chặt chẽ phương án bảo vệ môi trường và tăng cường kiểm tra tải trọng đối với các phương tiện chở khoáng sản lưu thông trên địa bàn. Ngoài ra, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên ngành, các địa phương giáp ranh để quản lý, bảo vệ tốt hơn khoáng sản tại các điểm mỏ khai thác và chưa khai thác trên địa bàn.