(GLO)- Hồi mới chia tách tỉnh Gia Lai và Kon Tum, xã Kon Pne chỉ có 3 làng (Kon Hleng, Kon Ktonh, Kon Kring) với 80 nóc nhà, hoàn toàn rơi vào thế cô lập ba bề núi dựng. Xã Đak Pne thuộc tỉnh Kon Tum, xã Kon Pne thuộc huyện Kbang, tỉnh Gia Lai. Vùng đất một thời là “ốc đảo” biệt lập với bên ngoài này giờ đang chuyển mình như một giấc mơ kỳ diệu.
Ký ức không quên
Từ phía tỉnh Gia Lai vào Kon Pne phải đi qua một con đèo cao dốc ngược, người khỏe phải bươn rừng mất khoảng già buổi. Vào đến cửa rừng, mọi phương tiện giao thông đều phải để lại, người tiếp tục đi bộ luồn lách theo lối mòn vượt dốc. Qua phía bên kia vào xã phải tụt xuống một cái dốc dựng đứng như mái nhà. Đến xã muốn vào làng, phải qua một chiếc cầu treo bằng song mây như một chiếc võng khổng lồ đung đưa trong trời đất, vắt qua con sông Đak Pne thăm thẳm cuồn cuộn.
Năm 2000, tôi đã có lần vượt rừng vào Kon Pne, đó là chặng đường có thể nói là chim kêu vượn hú não nề. Con đường mòn luồn dưới tán rừng, những khối đá trọc đầu rêu phong. Hai bên lối mòn thi thoảng bắt gặp những cánh nấm linh chi rừng to như hai bàn tay xòe. Lên đến đỉnh đèo, rất lạ, ngay bên con đường mòn, bắt gặp một cái két đựng tiền mới toanh màu sơn xanh lá cây bóng nhẫy, vất chỏng chơ giữa rừng. Hóa ra nó là cái két bạc huyện cấp về cho xã nhưng không thể tới được. Ngành Bưu điện tỉnh quyên góp ngày công để mua tặng xã Kon Pne 1 chiếc máy cày mới, giúp dân làm đất trồng lúa cũng không có cách gì đưa vào được tới nơi, phải nằm lại ở xã Krong. Bao nhiêu lòng tốt khó đến được với những làng Kon Pne xa xăm lúc ấy!
Kon Pne trong chiến tranh là làng kháng chiến. Năm 1965, trước nạn thiếu thốn lương thực, bộ đội và cán bộ bày cho dân trồng lúa nước. Trâu bò rất nhiều, đất nà đất trũng không thiếu, nhưng không dễ vận động dân làm được lúa ruộng. Người Bahnar nơi đây bảo: “Con trâu, con bò phải cho đi chơi để lớn mà cúng Yàng. Bắt nó kéo cày khổ sở Yàng biết Yàng phạt”. Thế thì phải nghĩ cách. Cán bộ bảo nhau làm trước, san đất be bờ thành ruộng, dùng trâu quần lội nát đám ruộng thành bùn nhuyễn rồi gieo cấy lúa, gọi là dầm ruộng. Thế mà lúa tốt một cách thần kỳ, lúa nhiều gấp mấy lần làm rẫy. Người Bahnar ở Kon Pne thấy rồi mới tin. Họ biết làm lúa nước ngay từ thời ấy.
Năm 1971, cơ quan tỉnh Gia Lai đã có lúc chuyển về làm việc tại Kon Pne. Dân làng còn nhớ ông Phan Phúc, lúc ấy là Trưởng ban Giao bưu có vợ là người Bahnar ở Kon Pne. Ông Phúc to khỏe, đẹp trai, luôn gần gũi dân làng nên ai cũng yêu mến. Rồi một buổi trưa đi tắm suối, ông bị máy bay địch bắn rốc két tử nạn. Đến con gái của ông là bà Y Méo-vợ Bí thư Đảng ủy xã nhiệm kỳ 2000-2005 cũng không biết đích xác quê quán cha mình ở đâu, chỉ nhớ cha kể nơi ấy rất nhiều dừa.
|
Xã Kon Pne (huyện Kbang) ngày càng khởi sắc. Ảnh: Hà Duy |
Đến năm 1973, vì một trận sạt núi sau đợt mưa kéo dài bất thường, cơ quan tỉnh buộc phải về lại xã Krong tại cơ sở cũ. Ông Nguyễn Văn Bá-nguyên cán bộ phụ trách hậu cần của Văn phòng Tỉnh ủy Gia Lai thời chiến tranh-nhớ lại: Năm ấy, mưa kéo dài bất thường, sông Đak Pne dâng ngập nước, núi rừng đã nhão ra vì mưa. Buổi chiều, ngắm nước sông lên cao, Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Bình lo lắng ngày mai nếu nước cứ dâng lên nữa, không cách gì để toàn đơn vị qua sông được thì nhỡ mất đợt công tác. Đêm ấy, ông lệnh cho toàn thể Văn phòng Tỉnh ủy phải bằng mọi cách vượt sông khẩn cấp. Sáng hôm sau, nhìn lại cơ sở Văn phòng ở bờ bên kia đã bị núi sạt đè lấp san phẳng như sau một trận bom B52 tàn phá. Trước cảnh ấy, ai cũng hú hồn, nhiều người bảo Bí thư Tỉnh ủy được thần linh mách bảo! Toàn bộ cán bộ Văn phòng Tỉnh ủy sống sót một cách thần kỳ và trở về lại căn cứ Krong cho đến ngày hòa bình thống nhất.
Sau giải phóng, các ngôi làng của Kon Pne tọa lạc ngay trên những cánh đồng lúa khá xanh tốt, một chỉ dấu của sự no đủ. Về cái ăn có lẽ là rất ổn. Tuy nhiên, ở vị trí quá khu biệt như “ốc đảo”, người dân Kon Pne rất khó tiếp cận các tiện ích xã hội, khó giao lưu mọi mặt trong đời sống đó đây.
Một thời “ốc đảo”
Trước năm 2000, để xây dựng trụ sở, xã phải huy động thanh niên các làng cõng từng bao xi măng, từng bao đá dăm, từng gùi gạch vượt rừng vượt dốc. Trước cái khó như vậy, tỉnh đã từng có ý tưởng chuyển hết dân Kon Pne ra khỏi vùng đất ấy, tái định cư ở những khu vực thuận tiện cho việc hội nhập xã hội văn minh. Theo đó, 3 phương án được đặt ra là chuyển Kon Pne về xã Đak Pne của tỉnh Kon Tum hoặc chuyển về xã Hà Đông của huyện Mang Yang (Gia Lai), cuối cùng là ý định đưa Kon Pne nhập với xã Krong, huyện Kbang.
Thế nhưng qua nhiều lần vận động, người dân không muốn rời chốn cũ. Họ đã quen cảnh núi rừng, đã từng bám đất giữ làng, từng sống chết với đất ấy. Nay lại giỏi làm ruộng nước, có nhiều lúa gạo là người Kon Pne ưng cái bụng lắm rồi. Trước ý chí của người dân như vậy, tỉnh đành phải chịu dân. Cả xã chỉ có 3 người dân và 3 thầy giáo là người Kinh. Ba người Kinh thì 1 người ở làng, 2 người ở trung tâm xã. Những năm trước đây, mỗi làng vùng sâu vùng xa của Tây Nguyên đều có một vài hộ người Kinh sống cộng sinh ngay trong làng. Nhờ họ mà làng có các mặt hàng thiết yếu như: mì tôm, bột ngọt, nước mắm, cá khô... Việc mua bán bằng tiền mặt hầu như rất ít, chủ yếu là đổi lúa gạo, thổ sản lấy hàng hóa tiêu dùng.
Khu hành chính xã lúc ấy chỉ có 2 dãy nhà của Đảng ủy, UBND, các đoàn thể, mấy dãy trường học, trạm y tế và căn nhà tạm của chị Xuân. Dân 3 làng ở cách xa xã hàng mấy cây số. Trẻ từ lớp 4, lớp 5 đều phải đi bộ băng rừng lội suối về trường ở xã để học chữ. Một dạo vận động quá, cũng có mấy hộ dân các làng về dựng nhà cạnh xã, nhưng sau một số lần hỏa hoạn, họ bảo đất ấy dữ, không thương người, không ở được. Có lẽ xã ở trên đồi cao, trổng gió dễ xảy ra cháy nhà, nước lại khó nên dân không về xã.
Vì ở vào thế cô lập quá nhiều đời, người Kon Pne dù không thiếu cái ăn nhưng cứ mắc một số bệnh về thể chất. Vào các làng thi thoảng vẫn gặp một số người cả nam lẫn nữ phải mang trên vai trên cổ lúc lỉu những cái bướu to roành như cái gông mang nặng suốt cuộc đời. Một điều lạ nữa là hầu hết người dân Kon Pne mắc phải “hội chứng lùn”. Đàn ông con trai chỉ tầm 1 mét rưỡi, đàn bà con gái còn thấp hơn. Có thể đó là hậu quả của sự cận huyết khép kín nhiều đời.
Để thông thương Kon Pne, tỉnh đã quyết định mở con đường từ huyện về xã. Sau năm 2003, một con đường vòng qua núi Kon Hleng được san ủi. Đó là con đường đất luồn dưới rừng già nguyên sinh, vắt vẻo trên các sườn núi, một bên dốc dựng, một bên thung lũng sâu thăm thẳm. Có con đường ấy, cơ sở vật chất của xã được đầu tư thuận tiện hơn đủ đầy hơn. Ô tô đã vào ra được các làng, giúp lưu thông hàng hóa với mọi miền.
Hồi trước, thế hệ Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Khiu (SN 1983), mỗi năm, xã được phân bổ 4 suất học nội trú trường huyện, các em phải lội bộ xuyên rừng gần 90 cây số để đi học. Mỗi năm, học sinh nội trú trường huyện chỉ nghỉ về thăm nhà trong 2 dịp là Tết Nguyên đán và nghỉ hè. Vì đường xa trở ngại, nhớ nhà nhớ làng, không ít em đã bỏ học giữa chừng.
Đến lúc có con đường đất xuyên rừng, các thầy-cô giáo từ ngoài huyện được tăng cường thêm cho Kon Pne. Tuy nhiên, các cô giáo phần lớn đều có gia đình ở thị trấn hoặc các xã gần trung tâm huyện, khi được điều vào Kon Pne, chồng con vẫn ở lại tuyến ngoài. Hàng tuần, vào ngày nghỉ, các cô giáo đều phải trở về huyện với gia đình. Mùa mưa, đường trơn trượt, xe gắn máy phải quấn các sợi xích vào lốp mới qua được các con dốc. Gặp đoạn núi sạt ta luy, cây đổ buộc phải đứng chờ giữa rừng vắng đến khi có xe ô tô với đủ dụng cụ cưa cây, xúc đất mới đi tiếp được. Nhiều cô, con 4 tháng tuổi đã phải cai sữa cho em bé để vào xã dạy học. Có cô giáo con được 8 tháng tuổi đã phải đưa luôn vào trường ở giữa xứ núi rừng với mẹ.
Đất cũ hồi sinh
Ngày nay, đường bê tông xi măng đã đến được tất cả các làng. Kênh mương thủy lợi đã được kiên cố hóa, đưa nước về từng chân ruộng lúa. Các làng đã có điện, nhiều hộ dân đã biết sắm máy phay đất chạy dầu thay cho việc dầm đất bằng trâu thời xa xưa. Nhiều cây trồng mới đã bắt đầu bén rễ trên đất Kon Pne. Có loại cây được nhập nội như mắc ca cũng hứa hẹn những mùa bội thu. Có những cây trước kia chỉ mọc ở rừng như bời lời đỏ, sa nhân tím, cây củ khỏe (sâm đá, sâm Kon Pne) đã được người dân đem về trồng như một thứ nông sản. Đất này mênh mang rừng nguyên sinh, ở đó có nhiều cây thuốc quý nghe như huyền thoại. Có người bảo thời trước, khi thấy heo rừng bị thương nó tự đào một thứ củ rừng gọi là bum xì ke ăn vào thì cầm máu và lành vết thương ngay. Người Kon Pne bắt chước lấy cho đàn bà đẻ uống quả rất hiệu nghiệm. Chị em sau sinh sản uống nước bum xì ke sức khỏe nhanh hồi phục, cơ thể ổn định tức thì, chẳng cần kiêng cữ dài ngày như trước.
Bây giờ, trung tâm xã đã trù phú, đông vui. Toàn xã vẫn giữ nguyên 3 làng như xưa nhưng tổng số hộ dân đã nâng lên 139 với 1.614 khẩu, trong đó có 138 hộ nghèo (chiếm 35,38%), 120 hộ cận nghèo (chiếm 30,77%). Dân làng Kon Ktonh đã kéo nhau về cư trú quây quần xung quanh trụ sở xã. Các giao dịch hành chính, thương mại trở nên nhộn nhịp. Hàng quán đã mọc lên với khá nhiều thứ dịch vụ đầy đủ tiện ích trong cuộc sống. Cán bộ Văn phòng UBND xã cung cấp tin vui: Toàn xã có 106 ha lúa nước, 150 ha mì, 58 ha bắp, 123 ha mắc ca, 57 ha sa nhân tím, 170 ha bời lời đỏ. Ngoài ra, bà con còn chăn nuôi gần 370 con trâu bò, khoảng 360 con heo và nuôi thêm gia cầm… Đời sống người dân dẫu còn nhiều khó khăn nhưng đang trên đà phát triển ổn định.
*
Rời Kon Pne trên con đường lượn quanh rừng cây, thung lũng, giữa đại ngàn cổ thụ nguyên sinh, bao nhiêu cảm xúc xao xuyến cứ trào dâng trong tôi. Gần 20 năm trở lại nơi này, trước mắt tôi, mảnh đất tận cùng của Gia Lai đang chuyển mình như một giấc mơ kỳ diệu!
PHẠM ĐỨC LONG