
Trong quý I-2025, Mỹ là thị trường tiêu thụ lớn nhất mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam (chiếm 53,1% thị phần). Tiếp theo là Nhật Bản (chiếm 13,2% thị phần) và Trung Quốc (chiếm 10,6% thị phần). So với quý I-2024, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Mỹ tăng 9,5%, Nhật Bản tăng 21% và Trung Quốc giảm 15,2%.
Các chuyên gia nhận định, ngành gỗ sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong thời gian tới, khi cạnh tranh thương mại ngày càng phức tạp. Bên cạnh đó, các thị trường xuất khẩu chính đang tăng cường kiểm soát chặt chẽ tính hợp pháp của gỗ (không làm mất rừng, sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính).
Vì vậy, để phát triển bền vững, bên cạnh việc đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn về xuất xứ, môi trường, ngành gỗ Việt Nam phải đặc biệt chú trọng vào đầu tư thiết kế để nâng cao giá trị của sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế.
Ngành Nông nghiệp Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 18 tỷ USD trong năm 2025 và tới năm 2030 sẽ đạt 25 tỷ USD. Đặc biệt, đến năm 2030, 100% diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững và 20% diện tích rừng tự nhiên được nâng cấp chất lượng.