Ngoại giao tiếp tục đóng vai trò phục vụ tích cực cho phát triển, hỗ trợ đồng hành với doanh nghiệp, tạo thêm nhiều dư địa cho hợp tác trên các lĩnh vực chuyên ngành khác, tìm kiếm thêm nguồn lực đồng thời kiến tạo một chỗ đứng tối ưu về chính trị, an ninh trong bàn cờ chiến lược khu vực và toàn cầu, bảo đảm lợi ích quốc gia dân tộc.
Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 đã chính thức khai mạc sáng 22-8 tại Hà Nội với chủ đề “Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế - Thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII”.
Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Phú Trọng đến dự và chỉ đạo Hội nghị.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu khai mạc Hội nghị. |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 là dịp kiểm điểm triển khai công tác đối ngoại, đánh giá những việc làm được, những việc cần làm tốt hơn trong 5 năm tới, rút ra kinh nghiệm để trên cơ sở đó triển khai thắng lợi đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ
XII.
Theo Phó Thủ tướng, tình hình thế giới 5 năm qua có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều bất trắc khó lường, kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn biến động, tốc độ tăng trưởng toàn cầu giảm.
Tình hình an ninh chính trị diễn biến phức tạp, các yếu tố gây bất ổn có xu hướng gia tăng, các biểu hiện của chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa cường quyền áp đặt, chủ nghĩa dân tộc thực dụng ngày càng nổi lên.
Tình hình Biển Đông căng thẳng, đang thay đổi cơ bản nguyên trạng so với trước, môi trường đối ngoại đang nổi lên nhiều thách thức chưa từng có, tác động trực tiếp đến lợi ích an ninh và phát triển của đất nước ta.
Thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế trên cả ba cấp độ
Công tác đối ngoại thời gian qua luôn kiên trì độc lập, đa dạng hóa, đa phương hóa, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, là bạn, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; chủ động đề xuất các giải pháp tích cực triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao, nhất là 5 nhóm nhiệm vụ đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ đạo tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 28.
Trước hết, mở rộng quan hệ hợp tác, đưa các quan hệ đối tác đi vào chiều sâu. Đến nay, nước ta đã tạo dựng được khuôn khổ hợp tác với hầu hết đối tác quan trọng nhất trên thế giới. Việc đưa các quan hệ đi vào chiều sâu đều được tiến hành có kế hoạch, có lộ trình trước mắt và tầm nhìn lâu dài, trong đó chú trọng tăng cường hợp tác kinh tế, đầu tư, quốc phòng, an ninh và giao lưu nhân dân.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Hội nghị. |
Việt Nam và các đối tác đã phối hợp củng cố, thiết lập mới các cơ chế hợp tác, xây dựng chương trình hành động bao gồm các hoạt động ưu tiên hàng năm để cùng theo dõi đôn đốc, triển khai. Cụ thể, Việt Nam có 52 cơ chế hợp tác với Trung Quốc, 12 cơ chế đối thoại với Hoa Kỳ, thiết lập thêm cơ chế đối thoại chiến lược cấp thứ trưởng ngoại giao và quốc phòng với Nga…
Thứ hai, Bộ Ngoại giao cùng các bộ, ngành địa phương phối hợp chặt chẽ đưa chủ trương hội nhập quốc tế đi vào cuộc sống, triển khai hiệu quả Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ và chiến lược hội nhập quốc tế đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 trên hầu hết các lĩnh vực.
Về kinh tế, đã vận động được 64 nước công nhận quy chế kinh tế thị trường, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trở thành một mắt xích quan trọng trong liên kết kinh tế khu vực và liên khu vực.
Thứ ba, quản lý tốt và xây dựng các đường biên giới hòa bình, hợp tác; giữ vững chủ quyền lãnh thổ, biển đảo; gìn giữ và tạo dựng môi trường hòa bình, tạo thuận lợi cho phát triển đất nước.
Việt Nam và Trung Quốc đã thiết lập cơ chế thực thi nghiêm túc ba văn kiện pháp lý biên giới, thành lập Ủy ban liên hợp biên giới đất liền, ký Hiệp định về hợp tác du lịch thác Bản Giốc và tàu thuyền đi lại khu vực cửa sông Bắc Luân; hoàn thành đúng thời hạn công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc giới và hoàn tất hồ sơ pháp lý biên giới với Lào; hoàn thành hơn 80% khối lượng công việc phân giới cắm mốc với Campuchia.
Trước những diễn biến phức tạp trên Biển Đông, Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan đã theo dõi sát tình hình, phối hợp nhịp nhàng, kịp thời tham mưu với Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương, kiên trì sử dụng các biện pháp chính trị, ngoại giao đấu tranh linh hoạt nhưng kiên quyết, kết hợp song phương và đa phương, thúc đẩy giải quyết hòa bình tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, nhờ đó, chúng ta tranh thủ được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, duy trì môi trường hòa bình, ổn định phục vụ phát triển đất nước.
Thứ tư, đối ngoại đa phương đã có bước phát triển mới, chủ động, tích cực tham gia các công việc chung của quốc tế theo phương châm chuyển từ tham gia tích cực sang tham gia chủ động, đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung, bảo đảm được các lợi ích thiết thân của đất nước tại các diễn đàn quan trọng như ASEAN, Liên Hợp Quốc, APEC, ASEM.
Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam đã thực sự là thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế trên cả ba cấp độ là song phương, khu vực và toàn cầu. Việt Nam đã được bầu với số phiếu rất cao vào Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng Kinh tế xã hội của Liên Hợp Quốc, Ủy ban di sản thế giới của UNESCO, lần thứ 2 đăng cai APEC năm 2017, cho thấy mức độ tin cậy và sự kỳ vọng của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam trong việc gánh vác trách nhiệm chung.
Nước ta đã đề xuất triển khai 44 sáng kiến ở các diễn đàn đa phương, tập trung vào các lĩnh vực hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu…
Thứ năm, cùng với ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa tập trung triển khai Đề án tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài, tổ chức nhiều sự kiện tuần, ngày Việt Nam ở nước ngoài, góp phần tăng cường quảng bá hình ảnh đất nước.
Công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục được chú trọng, triển khai tích cực theo tinh thần Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị; tham mưu xây dựng chủ trương chính sách, hỗ trợ kiều bào ổn định địa vị pháp lý, góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, khơi thêm nguồn lực cho đất nước.
Trong bối cảnh môi trường pháp lý phức tạp, đã kịp thời bảo hộ công dân ở các khu vực có thảm họa thiên tai, chiến sự; sơ tán hàng chục nghìn lao động ra khỏi khu vực chiến sự ở Libya, hàng trăm gia đình ở Ukraine, bảo vệ hàng nghìn ngư dân và tàu cá.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng công tác đối ngoại có mặt cần chủ động hơn. Công tác nghiên cứu có lúc chưa bắt kịp những thay đổi nhanh của tình hình, việc phối hợp giữa các ngành, địa phương trong một số sự việc còn thiếu nhịp nhàng và chặt chẽ trong khi phát triển và hội nhập đang tạo nhiều sức ép lên các vấn đề văn hóa, xã hội và môi trường.
Theo Phó Thủ tướng, những kết quả đạt được trong những năm qua, trước hết thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, Ban Bí Thư, là điều kiện hết sức thuận lợi để Bộ Ngoại giao cùng các bộ, ban, ngành, địa phương vững vàng triển khai thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đối ngoại.
Sự đồng tình, ủng hộ của dư luận trong nước và quốc tế, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ban, ngành, địa phương cùng với sự quan tâm đồng hành của nhân dân và doanh nghiệp là những nhân tố quan trọng phát huy sức mạnh tổng hợp trên mặt trận đối ngoại.
Đó cũng là kết quả của trí tuệ tập thể và tinh thần vượt khó của cán bộ làm công tác đối ngoại, luôn sẵn sàng đảm nhiệm mọi nhiệm vụ khó khăn, từ biên giới hải đảo, những nơi chiến sự bất ổn đến bàn đàm phán song phương và đa phương.
Đất nước đã bước vào giai đoạn phát triển mới, nhiệm vụ của công tác đối ngoại cũng nặng nề hơn với yêu cầu cao hơn nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Đại hội Đảng XII đã đề ra là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, nâng cao vị thế uy tín của đất nước, góp phần vào sự nghiệp hòa bình độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trong khu vực và trên thế giới.
Tình hình quốc tế thời gian tới tiếp tục vận động phức tạp và đa chiều hơn với đặc trưng cơ bản là tốc độ, đổi mới, kết nối, hội nhập và phát triển bền vững. Việt Nam cần nắm bắt kịp xu hướng đó, tận dụng cơ hội to lớn để Việt Nam tranh thủ hợp tác, liên kết, tạo ra những động lực mới cho tăng trưởng và vươn lên mạnh mẽ hơn.
Định vị Việt Nam trong bàn cờ chiến lược khu vực và thế giới
Do đó, Hội nghị Ngoại giao 29 cần nghiên cứu trả lời câu hỏi thế giới trong 5-10 năm tới sẽ ra sao, nhận định những điểm mấu chốt của tình hình quốc tế tác động đến môi trường an ninh và phát triển của Việt Nam.
Hội nghị sẽ tập trung thảo luận cách thức triển khai nhiệm vụ đối ngoại trong thời gian tới nhằm nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, kiến nghị những biện pháp hữu hiệu, cần đổi mới sáng tạo hơn trong việc sử dụng các công cụ đối ngoại hướng tới kết quả cụ thể trong bối canh tiếp tục hội nhập sâu rộng, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững, củng cố vị trí của Việt Nam trong chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.
Ngoại giao tiếp tục đóng vai trò phục vụ tích cực cho phát triển, hỗ trợ đồng hành với doanh nghiệp, tạo thêm nhiều dư địa cho hợp tác trên các lĩnh vực chuyên ngành khác, tìm kiếm thêm nguồn lực đồng thời kiến tạo một chỗ đứng tối ưu về chính trị, an ninh trong bàn cờ chiến lược khu vực và toàn cầu, bảo đảm lợi ích quốc gia dân tộc.
Hội nghị cũng sẽ dành thời gian cho công tác xây dựng ngành. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao, Bộ Ngoại giao cần có đồng thời ba yếu tố là biện pháp đúng đắn, bộ máy hiệu quả và người cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ.
Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu bám sát Nghị quyết của Đại hội XII, ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, làm việc hết sức tập trung huy động cao độ sức mạnh trí tuệ tập thể, coi trọng tính tương tác và tư duy phản biện trong thảo luận.
Theo Chinhphu.vn