Kiện nhà thầu Trung Quốc vi phạm: tốn nhiều tiền mà lại khó thắng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Việc khởi kiện nhà thầu Trung Quốc vi phạm cam kết hợp đồng EPC các dự án thua lỗ ngàn tỉ ngành công thương sẽ không thuận lợi, khả năng thắng kiện thấp, tiền theo đuổi vụ kiện lớn.
 
Nhà máy gang thép Thái Nguyên - Ảnh: NAM TRẦN
Tiền theo kiện lớn hơn số tiền tranh chấp
Nhận định được Chính phủ đưa ra trong báo cáo tình hình và kết quả xử lý tồn tại, yếu kém của 12 đại dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương vừa gửi tới Quốc hội.
Điều đáng chú ý là số tiền phải trả cho các nhà thầu Trung Quốc khi thua kiện cộng với tiền theo đuổi vụ kiện sẽ cao hơn tổng số tiền đang còn tranh chấp trong hợp đồng EPC (hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị, công nghệ và thi công xây dựng) của 5/12 dự án thua lỗ ngàn tỉ.
Báo cáo của Chính phủ đưa ra 2 giải pháp xử lý đối với tranh chấp hợp đồng EPC của 12 dự án này trong thời gian tới là đưa ra trọng tài, tòa án để phân xử; hoặc các tập đoàn, tổng công ty chủ đầu tư dự án thua lỗ tự quyết toán theo quy định của Thông tư 64 năm 2018 do Bộ Tài chính ban hành.
Đối với giải pháp phân xử thông qua trọng tài hoặc tòa án, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã thuê tư vấn pháp lý, sau khi nghiên cứu hồ sơ, tư vấn đã khuyến cáo không nên khởi kiện để xử lý tranh chấp hợp đồng EPC vì nguy cơ thua kiện nhà thầu Trung Quốc lớn, chi phí theo kiện cao.
Có thể kể đến 3 dự án do Tập đoàn Công nghiệp hóa chất Việt Nam đầu tư là xây dựng nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai, dự án cải tạo, mở rộng nhà máy Phân đạm Hà Bắc và dự án nhà máy đạm Ninh Bình, nếu khởi kiện nguy cơ thua rất lớn.
Với phương án còn lại thì chủ đầu tư sau 3 lần gửi văn bản yêu cầu nhà thầu Trung Quốc không trả lời thì sẽ căn cứ hồ sơ thực tế đã thực hiện để lập hồ sơ quyết toán, thuê kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán, thực hiện quyết toán hợp đồng EPC.
Nhưng phương án này cũng vướng tranh chấp với nhà thầu Trung Quốc và chưa có đầy đủ để lập hồ sơ tự quyết toán.
Để xử lý tồn tại này, Bộ Công thương đề nghị Bộ Tài chính cần chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn việc chủ đầu tư tự quyết toán dự án phù hợp hơn với tình hình thực tế.
 
Nhà máy Đạm Ninh Bình một trong những nhà máy đang mắc kẹt với nhà thầu Trung Quốc - Ảnh: L.B.
5 dự án tranh chấp hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc
Trong số 12 dự án, doanh nghiệp thua lỗ ngàn tỉ, có 5 dự án có tranh chấp hợp đồng EPC, gồm  DAP số 2 - Lào Cai; cải tạo, mở rộng nhà máy Phân đạm Hà Bắc; đạm Ninh Bình; nhà máy công nghiệp tàu thủy Dung Quất; và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của công ty CP Gang thép Thái Nguyên.
Nhiều nội dung trong hợp đồng EPC đã đàm phán nhiều lần với nhà thầu Trung Quốc nhưng vẫn chưa thống nhất việc xác định giá trị quyết toán do thay đổi về thông số kỹ thuật, xuất xứ, số lượng thiết bị và khối lượng phát sinh ngoài nội dung hợp đồng đã ký.
Chủ đầu tư và nhà thầu Trung Quốc chưa thống nhất trong việc xác định thuế phải nộp và tiền phạt chậm nộp thuế. Các tranh chấp quyết toán chi phí chạy thử, giá trị quyết toán thực tế không phù hợp với hợp đồng đã ký.
Nhà thầu Trung Quốc chây ì không thực hiện các yêu cầu bồi thường chi phí dịch vụ kỹ thuật kéo dài, chi phí bảo dưỡng khắc phục hư hỏng thiết bị, thay đổi thiết kế, sửa chữa công trình đã thi công.
 
Nhà máy xơ sợi Đình Vũ đã hoạt động trở lại - Ảnh: L.B.
Chỉ 2 dự án có lãi
Báo cáo của Chính phủ nêu trong số 12 dự án, doanh nghiệp thua lỗ ngàn tỉ của ngành công thương, đến nay chỉ có 2 dự án, doanh nghiệp có lãi.
Cụ thể là dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng lợi nhuận sau thuế năm 2019 đạt khoảng 6,2 tỉ đồng và Nhà máy thép Việt - Trung lợi nhuận sau thuế năm 2019 khoảng 177 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, có hai dự án, doanh nghiệp năm 2019 giảm lỗ nhưng chưa bền vững là Đạm Ninh Bình giảm lỗ 134 tỉ đồng, Công ty DQS giảm lỗ 64 tỉ đồng, so với năm 2018. 
Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ đã quay trở lại hoạt động sau thời gian dừng hoạt động.
Bảy dự án, doanh nghiệp còn lại tiếp tục thua lỗ hoặc dở dang, dừng hoạt động, trong đó đạm Hà Bắc lỗ thêm 239 tỉ đồng, nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai lỗ thêm 178 tỉ đồng.
Dư nợ của 12 dự án, doanh nghiệp thua lỗ ngàn tỉ tại các ngân hàng hiện nay rất lớn. Có 17 ngân hàng thương mại và 1 công ty tài chính cấp tín dụng cho 12 dự án với tổng số dư nợ đến thời điểm 31-12-2019 khoảng 20.900 tỉ đồng.
Các ngân hàng còn cấp tín dụng đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước liên quan tới 12 dự án thua lỗ ngàn tỉ khoảng 22.900 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Phát triển Việt Nam còn cấp tín dụng cho 6 dự án thua lỗ ngàn tỉ khoảng 9.796 tỉ đồng.
Với các khoản nợ tại dự án thua lỗ ngàn tỉ, nguy cơ mất trắng vốn thời gian tới rất cao khi nhiều dự án không thể vận hành hiệu quả, càng vận hành càng lỗ nặng hơn và có nguy cơ phải phá sản.
Để xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm liên quan tới 12 dự án ngàn tỉ thua lỗ, Thanh tra Chính phủ, thanh tra chuyên ngành và thanh tra địa phương đã thực hiện 24 cuộc thanh tra, Kiểm toán Nhà nước thực hiện 7 cuộc kiểm toán.

Đến nay đã có 4 dự án, doanh nghiệp có sai phạm phải chuyển hồ sơ sang Bộ Công an điều tra, đó là dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi, nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ, mở rộng giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên và nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ.

BẢO NGỌC (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Xe máy điện VinFast Motio gây sốt giới trẻ, giá chỉ 17,9 triệu đồng

Xe máy điện VinFast Motio gây sốt giới trẻ, giá chỉ 17,9 triệu đồng

(GLO)- Trung tuần tháng 1-2025, VinFast đã bổ sung một mẫu xe điện hai bánh mới là Motio. Sự xuất hiện của Motio đã khuấy động phân khúc xe máy điện cho học sinh, sinh viên. Với thiết kế nổi bật, nhiều trang bị hữu ích, mức giá tốt, mẫu xe này hứa hẹn dễ dàng chinh phục nhóm khách hàng trẻ tuổi.