Qua kiểm tra, rà soát hồ sơ kê khai thuế tại Cơ quan Thuế, Đoàn kiểm toán nhận thấy Công ty Thành Phước có dấu hiệu sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.
Ảnh minh hoạ: VOH |
Công ty Thành Phước, MST: 3800727826; đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 21.12.2010, thay đổi lần thứ 3 ngày 18.6.2020 với vốn điều lệ 10 tỉ đồng, ngành nghề kinh doanh là mua bán hàng nông sản, địa chỉ đăng ký kinh doanh tại: Tổ 5, Ấp 3B, xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.
Qua kiểm tra, rà soát hồ sơ kê khai thuế tại Cơ quan Thuế, Đoàn kiểm toán nhận thấy Công ty Thành Phước có dấu hiệu sử dụng hóa đơn bất hợp pháp theo quy định tại Điều 23 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31.3.2014 của Bộ Tài chính; có dấu hiệu vi phạm quy định tại điểm d khoản 1 Điều 200 Bộ Luật hình sự: "Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn" và dấu hiệu vi phạm quy định tại Điều 203 Bộ Luật hình sự năm 2015 về tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước. Cụ thể:
Công ty có vốn điều lệ nhỏ nhưng doanh thu lớn và tăng mạnh trong 02 năm 2018, 2019; mặc dù doanh thu lớn nhưng lợi nhuận rất thấp hoặc lỗ, khi mua bán mủ cao su, Công ty Thành Phước thanh toán chuyển khoản qua ngân hàng nhưng đa số được rút ngay bằng tiền mặt trong ngày;
Doanh thu lớn nhưng Công ty không sở hữu phương tiện vận chuyển; chỉ có kho hàng khoảng 1.000m2, nhưng chủ yếu để chứa hàng xuất bán bị trả lại do không đạt chất lượng.
Tra cứu hệ thống quản lý thuế của ngành thuế cho thấy năm 2019 Công ty Thành Phước đã mua hàng của 02 công ty đã tạm dừng kinh doanh là Công ty TNHH MTV Bù Hưng (MST: 3801206431) số tiền 35.013 triệu đồng; Công ty TNHH MTV XNK Phước Thành (MST: 3801118947) số tiền 772 triệu đồng; 01 công ty đã ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế và 01 công ty không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký thuế. Đây là dấu hiệu cho thấy: Có khả năng Công ty Thành Phước đã sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để kê khai, khấu trừ thuế GTGT và hợp thức hóa chi phí đầu vào, làm giảm thu nhập chịu thuế và thuế TNDN phải nộp NSNN, là dấu hiệu vi phạm quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 200 Bộ Luật hình sự năm 2015.
Công ty Thành Phước khi xuất bán mủ cao su không xuất hóa đơn cho từng chuyến xe mà xuất hóa đơn chung theo giá trị của từng Hợp đồng mua bán; các xe khi xuất hàng cũng không có Phiếu cân hoặc Phiếu xuất kho để xác định trọng lượng hàng hóa của từng chuyến xe và trách nhiệm của lái xe về khối lượng hàng hóa vận chuyển, không có Biên bản nghiệm thu, thanh lý hợp đồng; trọng lượng hàng hóa trên các hóa đơn luôn là số chẵn theo đơn vị chục, trăm tấn là không phù hợp với thông lệ vận chuyển, kinh doanh mặt hàng mủ cao su (không có Phiếu cân hàng, biên bản nghiệm thu, thanh lý, trọng lượng hàng hóa mua bán lẻ đến kg). Ngoài ra Công ty ký hợp đồng với 02 đơn vị vận chuyển nhưng đơn giá vận chuyển cố định 300.000 đồng/tấn không gắn với cự ly vận chuyển là không phù hợp với hoạt động vận chuyển hàng hóa. Do đó đây là bằng chứng cho thấy việc mua bán cao su có nhiều khả năng là không có thật, là dấu hiệu vi phạm quy định tại Điều 203 Bộ Luật hình sự năm 2015 về tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước.
Từ các dấu hiệu vi phạm nêu trên, Kiểm toán nhà nước đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Bình Phước điều tra làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật đối với hành vi có dấu hiệu mua bán hóa đơn GTGT của doanh nghiệp và thông báo kết quả giải quyết cho Kiểm toán nhà nước.
Theo Thanh Uyên - Thuỳ Dung (LĐO)