Kì bí "bản thiết kế" ruộng bậc thang trên đá cổ ở Mù Cang Chải

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bãi đá cổ tại xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải với rất nhiều hình khắc về ruộng bậc thang đang được các nhà khoa học nghiên cứu, giải mã.

Những hình khắc trên các phiến đá cổ.
Những hình khắc trên các phiến đá cổ.


Năm 2015, người dân tại xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải đã thông tin đến cơ quan chức năng về một bãi đá khắc cổ gồm các khối phiến đá sa thạch nằm rải rác cách nhau từ 20m đến 5km trên sườn núi tại các bản Xéo Dì Hồ A, Xéo Dì Hồ B và Hú Trù Lình… ở xã Lao Chải.

Trong đó, bãi đá khắc cổ trên núi Dở Trú Chế Nhù, thôn Hú Trù Nhì là nơi tập trung nhiều nhất.

Theo lời những người dân cư trú lâu năm ở đây, không biết bãi đá có từ bao giờ, nhưng từ khi sinh ra và lớn lên đã thấy, trên các triền núi cao trong rừng vẫn còn những khối đá lớn có vết khắc tương tự.


 

Rất nhiều phiến đá tại xã Lao Chải được chạm khắc công phu, tỉ mỉ với chủ đề chính về ruộng bậc thang.
Rất nhiều phiến đá tại xã Lao Chải được chạm khắc công phu, tỉ mỉ với chủ đề chính về ruộng bậc thang.


Tại đây, rất nhiều các khối đá có hình khắc lạ được bà con người Mông phát hiện từ khi khai hoang làm ruộng bậc thang, làm nương rẫy. Những khối đá được chọn khắc lên bề mặt thường là những khối đá có mặt phẳng nghiêng, khối có mặt phẳng ngang, khối như mu rùa..., nhưng đều nằm ở vị trí thoáng, có tầm nhìn bao quát.

Những hình khắc này được thể hiện khá kỳ công, uốn lượn mềm mại ngang theo mặt đá. Hình ruộng bậc thang là thể loại đề tài chính, còn lại là hình phác họa lưỡi rìu, lưỡi thanh đao, lưỡi gươm, dao nhọn, mỏ chim...

Trao đổi với PV, ông Lý Kim Khoa - Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Yên Bái cho biết: "Từ khi phát hiện năm 2015, bảo tàng tỉnh phối hợp cùng các cơ quan chức năng đã 2 lần lập đoàn khảo sát để nghiên cứu, giải mã những hình ảnh trên đá tại đây".


 

 Ruộng bậc thang được khắc trên đá cổ.
Ruộng bậc thang được khắc trên đá cổ.


Qua khảo sát, thám sát, các hình chạm khắc ở đây nổi bật duy nhất là đề tài "hình ruộng bậc thang", các hình khắc khác là thứ yếu, nhưng rất rõ ràng về thời nguyên sơ khi con người còn phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên.

Theo ông Khoa, các bãi đá khắc cổ này nằm rải rác xung quanh ngọn núi Dở Trú Chế Nhù có khoảng 13 khối đá granite khổ lớn, lộ thiên, trong đó có 2 khối đá có vết khắc cơ bản phủ kín bề mặt với chủ đề chủ yếu miêu tả địa hình cảnh quan thiên nhiên như: đồi núi, suối, ruộng bậc thang.

Theo vị Phó Giám đốc Bảo tàng này, đây không phải là ký hiệu cột mốc và càng không phải là họa địa đồ cổ mà nhiều người từng phán đoán. Chỉ có thể phán đoán là "Bản thông điệp thiết kế ruộng bậc thang của người xưa hoặc họa lại ruộng bậc thang trên đá" của người bản địa, khi người bản địa ở đây cảm nhận được vẻ đẹp của ruộng bậc thang chính mình tạo nên mà họa lại.


 

Hiện các thông điệp trên bãi đá cổ xuất hiện vẫn chưa được giải mã.
Hiện các thông điệp trên bãi đá cổ xuất hiện vẫn chưa được giải mã.



Cho đến nay, vẫn chưa đủ tài liệu để nói rằng, trước đó đã có cư dân dân tộc Mông sinh sống ở trên vùng núi cao này hay chưa. Nhưng có thể tạm khẳng định, những hình vẽ ruộng bậc thang các khối đá khắc cổ này chỉ có tuổi đời cách đây chỉ khoảng 300 đến 450 năm có lẻ, tuy vậy điều này vẫn rất cần tiếp tục làm rõ thêm trong thời gian tới.

https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/ki-bi-ban-thiet-ke-ruong-bac-thang-tren-da-co-o-mu-cang-chai-1002116.ldo
 

Theo VĂN ĐỨC (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.