Khúc tráng ca trên đất Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tây Nguyên, chỉ riêng cái tên ấy thôi đã gợi biết bao suy tưởng về một miền không gian đầy huyền thoại. Đời sống tinh thần phong phú của người dân vùng đất bazan tràn ngập nắng gió này luôn khơi tạo cảm hứng cũng như thúc giục lòng người tìm đến.
Và tâm hồn, cuộc sống của người dân Tây Nguyên xa xưa được biểu thị xuyên suốt qua những pho sử thi sống động và đồ sộ.
Vùng đất có nhiều sử thi nhất Việt Nam
Từ cuối thế kỷ XIX, một số nhà nghiên cứu người Pháp đã bắt đầu nghiên cứu sử thi Tây Nguyên và họ cho rằng, chỉ có các dân tộc Tây Nguyên là có sử thi. Tiếp sau đó, trong quá trình lịch sử của dân tộc, nhiều pho sử thi mới đã xuất hiện trên vùng đất này. Ước tính đã có đến 700 - 800 sử thi dược phát hiện và sưu tầm. Đây có thể coi là vùng đất có mật độ sử thi lớn nhất Việt Nam bởi một số địa bàn khác chỉ có khoảng từ 3 đến 5 sử thi. Thậm chí, có một số quốc gia trên thế giới chỉ có vỏn vẹn một sử thi.
Đầu thế kỷ XXI, nhận thấy dấu hiệu mai một của di sản phi vật thể này qua việc các nghệ nhân hát sử thi dần khuất bóng, các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của các dân tộc Tây Nguyên thiếu vắng sự hiện diện của sử thi nên Nhà nước đã có đề án sưu tầm, dịch thuật và phân loại ở tầm quốc gia. Sau 10 năm miệt mài làm việc, hàng nghìn trang in song ngữ tiếng Việt và tiếng dân tộc do Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam và các tỉnh Tây Nguyên được xuất bản, phát hành.
Tiếp đó, các nhà nghiên cứu cũng đã tiến hành lập hồ sơ để đệ trình UNESCO đưa sử thi Tây Nguyên vào danh mục văn hóa phi vật thể truyền khẩu của nhân loại với đại diện là một số sử thi tiêu biểu, mang giá trị nghệ thuật cao của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên. Người Ê Đê có sử thi Khan "Đăm San", "Đăm Di", "Khinh Dú", "Đăm Đơ roăn", "Y Pơrao", "Mơ Hiêng"... Người Ba Na có sử thi Hơ-mon "Đăm Noi", "Giông nghèo tám vợ", "Tre vắt ghen gét Giông", "Dyông Wiwin", "Xing Chi Ôn"... Sử thi Hơ-ri của người Jarai là "Chilơkôk", sử thi Akha juka của người Raglai là "Uđai Ujà", sử thi Dăm Diông của người Xê Đăng và sử thi Ôtnrong của đồng bào Mơ Nông là "Cây nêu thần", "Mùa rẫy bon Tiăng" hay "Đi cướp lại bộ cồng từ Sơm, Sơ"...
Hàng trăm tác phẩm trên làm nên một bộ sử thi kể về cuộc đời nhiều thế hệ anh hùng của các dân tộc Tây Nguyên đã có công lập buôn làng, chiến đấu bảo vệ quê hương và xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
 
Nghệ nhân Đinh Blơnh (Kông Chro, Gia Lai) hát kể Dăm Noi (Chàng Noi)
Nhà nghiên cứu - nghệ nhân A Jar, người được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam “chọn mặt gửi vàng” để dịch một số bộ sử thi của các dân tộc Tây Nguyên, cho rằng sử thi là linh hồn của văn hóa Tây Nguyên, có ảnh hưởng đến lời ăn tiếng nói, luật tục, nghệ thuật, tín ngưỡng, nếp sống của con người và cộng đồng. Nó là tủ sách “bách khoa toàn thư” chứa đựng những tri thức và kinh nghiệm sống cũng những vốn liếng văn hóa được sáng tạo và tích lũy lâu đời. Sử thi, trường ca chính là cuộc sống, phản ánh mọi khía cạnh của xã hội cổ truyền, từ việc tạo lập buôn làng đến việc sản xuất nương rẫy, từ những cuộc chiến tranh bộ tộc giành đất đai, tài sản, người đẹp đến việc thực hành các nghi lễ, lễ hội truyền thống, phong tục, luật tục…
Khát vọng hòa bình, thịnh vượng
Vẻ đẹp của ngôn ngữ sử thi - một thứ ngôn ngữ kết tinh được những đặc điểm thẩm mỹ truyền thống trong ngôn ngữ của một dân tộc. Những lời thơ hồn nhiên, trong sáng của sử thi là tiếng nói của cha ông để lại, góp phần giáo dục nhân cách, lối sống, bồi dưỡng tri thức cho con cháu đời sau. Người Tây Nguyên, ai cũng thuộc một số câu thơ hay tên các nhân vật “chính diện” nào đó trong tác phẩm sử thi. Họ luôn luôn mơ ước và được như mẫu người của các nhân vật lý tưởng được miêu tả trong câu chuyện, đó là chàng Đam San, Xinh Nhã, Lêng, Mbông luôn khỏe mạnh, dũng cảm; là nàng Hbia, Bing, Jông nết na, xinh đẹp. Mọi người càng được nghe kể khan càng thích thú, say mê bởi nội dung bổ ích, giúp cho họ hiểu được cuộc sống của chính mình, khát vọng vươn tới cuộc sống tốt đẹp, hoàn thiện hơn.
Với một người lâu nay vốn âm thầm tâm huyết với mạch nguồn văn hóa dân tộc nhưng chưa có dịp chung tay làm được điều gì, với vốn kiến thức tiếng Việt qua các nhà trường, với bề dày vốn sống lăn lộn cùng bà con bản làng mấy mươi năm… A Jar như cá gặp nước. Ông hồ hởi bắt tay ngay vào việc gỡ băng (băng cassette ghi âm lời Nghệ nhân dân gian kể hơ’mon), phiên âm ra tiếng bản địa và dịch thành tiếng Việt phổ thông.
 
Tây Nguyên là vùng đất có mật độ sử thi lớn nhất Việt Nam
Có lẽ, thật hiếm công việc nào đòi hỏi con người ta phải cẩn thận, tỉ mẩn như việc chép sử thi. Vừa lắng nghe để gỡ băng, vừa phiên âm ra chữ viết của dân tộc ấy, vừa huy động vốn liếng tiếng phổ thông để phiên dịch. Mỗi bộ Sử thi có độ dài bình quân trên dưới 10 băng cassette loại 90 phút, nếu in cũng tầm trên dưới 500 trang khổ lớn. Mọi công đoạn A Jar đều làm (viết) bằng tay (vì chưa thạo, và cũng chưa có máy vi tính). Không những thế, do lời hát của các nghệ nhân sử dụng khi diễn xuất thường là những từ cổ, ngoài đời hiện nay rất ít sử dụng, nên để hiểu được đúng nghĩa, đôi khi A Jar lại phải cất công tìm gặp nghệ nhân đã hát bài đó để hỏi lại. Tính đến giờ, ông đã hoàn thành việc biên soạn và dịch trên 30 bộ sử thi của dân tộc Ba Na và Xơ Đăng ra tiếng phổ thông.
Biểu đạt sức sống mãnh liệt
Sử thi Tây Nguyên, qua lời hát kể của các nghệ nhân A Lưu, A Bek, Điểu Klung, A Jar, Y Blu, Y Guang Hwing... thì dù không hiểu nghĩa, bởi các tác phẩm đều được trình bày bằng tiếng bản địa, song những âm giai đặc trưng của cách kể, cách ngân rung cuối mỗi câu hát, chất giọng của người kể cùng với không gian dưới mái sàn đơn sơ tràn ngập ánh nắng và gió lành đã đem lại những dư cảm khó quên. Người nghe thấy như mình đang được sống trong một không gian đắm say và linh thiêng, hư hư thực thực.
Trong hàng trăm bộ sử thi ở Tây Nguyên thì hầu hết chỉ lưu truyền miệng, nên có nhiều tình tiết, nhiều lời thoại khác nhau. Người hát kể sử thi phải bám chắc theo "văn bản" gốc đã từng nghe và thuộc, đảm bảo ngôn ngữ và không khí cổ xưa, chứ không tùy tiện ngẫu hứng sáng tác thêm vào những lời mới, ý mới, hình ảnh mới không hợp lý. Nếu không cảm được hồn của sử thi thì khó nhớ liền mạch được. Nghệ nhân A Bak bảo, mỗi lần ông hát kể đều cảm thấy như có thần linh truyền thêm nội lực cho mình nên mới có được hứng khởi và có đủ sức khỏe để thể hiện xuyên ngày sang đêm!
Qua một số tác phẩm đã được dịch, có thể nhận thấy sử thi Tây Nguyên biểu đạt đời sống tinh thần của đồng bào với nghệ thuật kỳ vĩ hào hùng bắt nguồn từ niềm tin về Giàng - Trời, còn được các nhà nghiên cứu gọi là "niềm tin về sự huyền ảo có thực". Cùng với đó, cao nguyên hùng vĩ, khoáng đạt còn tiềm ẩn biết bao điều huyền diệu mà chúng ta chưa khám phá hết. Giản đơn là một tiếng gió về qua nóc nhà rông, tiếng thác Đăm Ri ồn ào đưa nước bạc hay một tiếng tơ rưng, một nhịp đàn đá, một bước voi đi uy lẫm giữa đại ngàn, một điệu chiêng xoang thì đó chính là những thanh âm riêng có của đất trời Tây Nguyên hội tụ... Tất cả những điều đó đã tạo nên các đặc trưng văn hóa - văn hóa sinh thái và văn hóa nhân văn - một trong những yếu tố góp phần làm nên nội dung thống nhất mà đặc thù của sử thi Tây Nguyên.
Cũng cần phải kể đến yếu tố nhân vật anh hùng trong đại đa số sử thi Tây Nguyên. Sử thi "Đam San" cho thấy một Đam San anh hùng chiến thắng kẻ thù xâm hại lợi ích cộng đồng dân tộc mình và trở thành "tù trưởng của mọi tù trưởng". Sử thi "Anh em Giông, Giở..." của người Ba Na nói về chiến thắng của anh hùng Giông trước tên Xtret nham hiểm... Bối cảnh lịch sử trong các sử thi đều biểu đạt một thời kỳ đồng bào sống biệt lập, nhỏ bé giữa núi rừng và thiên nhiên khắc nghiệt. Việc đấu tranh với thiên nhiên, với các cộng đồng khác rắp tâm tranh đoạt đất đai, của cải, phụ nữ… là thường xảy ra. Chính vì vậy, mỗi cộng đồng đều cần phải đoàn kết thành một khối thống nhất dưới sự dẫn dắt của một vị thủ lĩnh.
Các nhà nghiên cứu đều khẳng định chiến tranh trong sử thi Tây Nguyên là cuộc chiến đem lại hạnh phúc, ấm no cho cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên. Người anh hùng cộng đồng vào sử thi Tây Nguyên với biết bao sự kỳ vĩ hóa, biết bao niềm tự hào, biết bao ước mơ mà nhân dân gửi gắm. Hầu hết sử thi đều phản ánh sự vươn lên mạnh mẽ của con người trong mọi hoàn cảnh khắc nghiệt của cuộc sống. Cuối cùng, cái thiện sẽ thắng cái ác để trường tồn. Nó như gián tiếp nói lên sức sống của người Tây Nguyên giữa bao khó nghèo lạc hậu để tồn tại đến ngày nay.
Vẻ đẹp hình thể của các nhân vật trong sử thi Tây Nguyên cũng được khắc họa rõ nét. Giống như Thánh Gióng, Thạch Sanh, các chàng trai Tây Nguyên luôn có cơ thể cường tráng với bắp chân, bắp tay rắn chắc, tấm lưng rộng, bộ ngực nở và gương mặt sáng đẹp, cương nghị, là hiện thân của lý tưởng, ước mơ của cả cộng đồng. Nhà nghiên cứu Phan Thị Hồng từng nhận xét: "Người anh hùng sử thi Tây Nguyên, những pho tượng sừng sững, sống động, hiên ngang, con người hiển hách luôn sát cánh với cộng đồng". Có lẽ cũng chính vì mang đậm những yếu tố ấy nên theo thời gian, sử thi Tây Nguyên không chỉ là niềm kiêu hãnh của riêng người Tây Nguyên, mà còn là niềm kiêu hãnh của nền văn học đa dân tộc Việt Nam.
Nguyễn Trung Thành (Công Lý)

Có thể bạn quan tâm

Chuyện học trong một gia đình trí thức Jrai

Chuyện học trong một gia đình trí thức Jrai

(GLO)- Sinh ra trong một gia đình trí thức người Jrai ở thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai), cô Kpă H’Nina-Giáo viên môn Tiếng Anh ở Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (huyện Ia Grai) không chỉ được rèn giũa tinh thần ham học, mở mang kiến thức mà còn được thừa hưởng vẻ đẹp của cả bố và mẹ.

“Tổ quốc bên bờ sóng”

“Tổ quốc bên bờ sóng”

(GLO)- Đó là chủ đề cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật cấp quốc gia do Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức nhằm thực hiện kế hoạch tuyên truyền về biển, đảo năm 2025.

Báo Gia Lai: Phụng sự và kiến tạo

Báo Gia Lai phụng sự và kiến tạo

(GLO)- Qua 78 năm xây dựng và trưởng thành (16/3/1947-16/3/2025), Báo Gia Lai xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Trong xu thế hiện nay, Báo Gia Lai chú trọng phát huy vai trò kiến tạo nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền.

Nhạc sĩ Thụy Kha qua đời

Nhạc sĩ Thụy Kha qua đời

Nhạc sĩ Thụy Kha qua đời lúc 10h45 sáng 13/3 tại Hà Nội. Năm cuối đời, ông chống chọi với bệnh ung thư. Vài tháng gần đây, nhiều đồng nghiệp chia sẻ hình ảnh thăm nhạc sĩ Thụy Kha trong bệnh viện. 

Tiết mục múa của đơn vị Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng trình diễn tại Liên hoan nghệ thuật quần chúng huyện Ia Grai năm 2025.

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang huyện Ia Grai: Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng giành giải nhất toàn đoàn

(GLO)- Trong 2 đêm (11 và 12-3), huyện Ia Grai tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang năm 2025. Liên hoan quy tụ 13 đơn vị tham gia. Mỗi đơn vị đăng ký trình diễn từ 3 đến 5 tiết mục ca, múa và diễn tấu các loại nhạc cụ.

Thơ Bút Biển: Nắng chưa qua

Thơ Bút Biển: Nắng chưa qua

(GLO)- "Nắng chưa qua" của Bút Biển là một bài thơ đầy hoài niệm. Bằng những câu thơ nhẹ nhàng mà day dứt, tác giả khắc họa nỗi buồn của sự xa cách, khi ký ức vẫn còn đó nhưng hiện tại chỉ còn lại gió lùa, hoa rụng và căn phòng trống,... dường như có ai đang ngóng về một vệt nắng chưa qua.

Bản hòa ca cùng triền ký ức

Bản hòa ca cùng triền ký ức

(GLO)- Dù đã có hơn 30 năm sống ở Pleiku nhưng khi đọc tập “Vân môi say phố” của Ngô Thanh Vân (NXB Hội Nhà văn, 2024), tôi lại có cảm tưởng được khám phá một miền đất tưởng chừng quá đỗi quen thuộc.

Giao lưu văn hóa, văn nghệ kỷ niệm 50 năm Giải phóng tỉnh tại xã Gào

Giao lưu văn hóa, văn nghệ kỷ niệm 50 năm Giải phóng tỉnh tại xã Gào

(GLO)- Tối 10-3, tại làng C (xã Gào), Đội Thông tin lưu động-Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao TP. Pleiku tổ chức chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng tỉnh (17/3/1975-17/3/2025), chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.

Hội viên Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh tại chương trình chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam năm 2024. Ảnh: H.N

Nhạc sĩ Gia Lai kiếm tìm tác phẩm có sức ảnh hưởng lớn

(GLO)- Bám sát hơi thở cuộc sống và đưa bản sắc dân tộc vào tác phẩm, các nhạc sĩ Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Gia Lai đã thực sự cố gắng trong hoạt động sáng tác nhằm ghi dấu ấn. Song, làm gì để tác phẩm lan tỏa rộng rãi, ghi đậm trong tâm trí người nghe đang là trăn trở của những người tâm huyết.

Thi vẽ tranh chào mừng Đại hội Đảng và Đại hội cháu ngoan Bác Hồ các cấp: Sáng tạo, ý nghĩa

Thi vẽ tranh chào mừng Đại hội Đảng và Đại hội cháu ngoan Bác Hồ các cấp: Sáng tạo, ý nghĩa

(GLO)- Độc đáo, sáng tạo, ý nghĩa là những đánh giá chung về hơn 300 bức tranh của các tác giả “nhí” gửi về tham gia cuộc thi vẽ tranh chào mừng Đại hội Đảng, Đại hội cháu ngoan Bác Hồ các cấp do Hội đồng Đội thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) phát động gần 1 tháng qua.

Thơ Sơn Trần: Nhớ Pleiku

Thơ Sơn Trần: Nhớ Pleiku

(GLO)- "Nhớ Pleiku" là một tác phẩm đầy cảm xúc của tác giả Sơn Trần. Từng câu thơ vẽ nên bức tranh phố núi đẹp mơ mộng với cảnh sắc yên bình, quyện hòa cùng ký ức, tình yêu và nỗi nhớ...