Từ ngày 1.7, cả nước chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Để phục vụ công tác quản lý nhà nước và tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, thông tin về cư trú của công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú cũng được Bộ CA điều chỉnh, cập nhật từ địa giới hành chính cũ sang địa giới hành chính mới. Người dân có thể xem thông tin cư trú của mình sau điều chỉnh qua ứng dụng VNeID.
Ngay sau đó, trên mạng xã hội xuất hiện trào lưu khoe ảnh chụp căn cước điện tử. Sau khi hoàn tất hợp nhất 2 tỉnh Bình Định và Gia Lai thành tỉnh Gia Lai mới, nhiều người đăng tải ảnh chụp căn cước điện tử lên mạng xã hội.
Sáng 1-7, ngay sau khi kiểm tra và biết được thông tin về cư trú của bản thân đã được điều chỉnh từ thôn Hải Nam, xã Nhơn Hải, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định (cũ) sang thôn Hải Nam, phường Quy Nhơn Đông, tỉnh Gia Lai, anh Đ.V.H. đã đăng hình chụp căn cước điện tử với dòng trạng thái “chào ngày mới của quê hương mới”.
Tương tự, bằng cách này, nhiều người bày tỏ hứng khởi khi thông tin nhân thân trên VNeID đã được điều chỉnh, cập nhật và bản thân không cần phải thực hiện cấp đổi căn cước khi chưa hết hạn sử dụng.
Hầu hết mọi người nghĩ đơn giản đây là cách bày tỏ niềm vui. Tuy nhiên theo các chuyên gia, hành động tưởng chừng vô hại này lại tiềm ẩn nguy cơ rò rỉ dữ liệu cá nhân, trở thành “miếng mồi” cho kẻ gian. Cụ thể, hình ảnh căn cước có thể bị kẻ xấu khai thác bằng công nghệ nhận diện hình ảnh, AI để trích xuất địa chỉ, số định danh, từ đó xây dựng hồ sơ giả, phục vụ hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Nhiều vụ việc giả mạo danh tính có nguyên nhân do thông tin bị rò rỉ, mua bán trên thị trường chợ đen, tuy nhiên đã có không ít trường hợp bắt nguồn từ việc người dân tự công khai thông tin cá nhân như giấy tờ tùy thân trên mạng xã hội. Vì vậy người dân tuyệt đối không đăng tải hình ảnh CCCD/căn cước, giấy phép lái xe, thẻ ngân hàng… lên mạng xã hội, môi trường internet.
Trao đổi về vấn đề này, luật gia Huỳnh Văn Chưa (Hội Luật gia tỉnh) chia sẻ: “Pháp luật hiện nay đề cao việc bảo mật danh tính, dữ liệu cá nhân, thể hiện rõ nhất qua việc lần đầu tiên Việt Nam có Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2026. Trong đó có một số quy định đáng chú ý là nghiêm cấm, xử phạt nặng đối với hành vi mua bán trái phép dữ liệu cá nhân. Tuy nhiên, với việc nhiều người tự đăng thông tin lên mạng xã hội, đồng nghĩa “cho không, biếu không” dữ liệu, thông tin của mình cho kẻ gian. Dữ liệu này có thể bị các đối tượng lừa đảo tận dụng để mạo danh, làm giả hồ sơ, giấy tờ, sử dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Việc để lộ thông tin thậm chí có thể gây ảnh hưởng, phiền toái suốt đời. Vì vậy mọi người hết sức thận trọng, không vì một phút phấn khích mà khổ sở về sau”.
Liên quan đến việc cập nhật thông tin địa giới hành chính mới trên VNeID, CA tỉnh đã cảnh báo người dân cảnh giác trước thủ đoạn lợi dụng hoạt động này để lừa đảo qua không gian mạng. Theo đó, CA tỉnh đề nghị người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP, số CCCD/căn cước… khi nhận được các cuộc gọi lạ, đường link không rõ nguồn gốc để phòng tránh trường hợp các đối tượng lừa đảo dụ dỗ, chiếm đoạt tài sản bằng các thủ đoạn tinh vi. Mọi thắc mắc liên quan đến việc điều chỉnh, cập nhật thông tin về cư trú, người dân liên hệ trực tiếp cơ quan CA gần nhất để được giải đáp, hướng dẫn.