Khôi phục làng nghề Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lên Tây Nguyên đã hơn 40 năm, thế nhưng đến nay rất nhiều kỷ niệm từ những ngày đầu tiên vẫn còn đọng lại trong tâm trí tôi.
Đó là mùa mưa kéo dài đến mấy tháng liền, mưa tầm tã, mưa liên miên, đường làng đầy rong rêu trơn trượt. Đó là nhịp chày giã gạo đều đều mỗi sớm mai đẩy màn sương sớm lan ra xa và tiếng ống bễ lò rèn thở phì phò… Ấn tượng nhất vẫn là những nông cụ của các gia đình Jrai nơi đây. Nào cuốc, dao đi rẫy (dao quắm)… cái nào cũng sắc bén. Lưỡi cuốc lớn, bè ra, xanh nước thép, đai rất chắc chắn được tra vào chiếc cán dài chừng hơn thước. Cán ngắn nên người sử dụng phải cúi người hơi thấp chứ không được phép thẳng lưng, mỗi nhát cuốc bập xuống sẽ tạo lực mạnh ăn sâu vào đất. Con dao nào cũng vậy, chỉ cần sờ nhẹ lên lưỡi thép mát lạnh sẽ cảm nhận được độ sắc bén, dùng không cẩn thận đứt tay như chơi. Con dao không chỉ được dùng để phát rẫy, chặt tre, chẻ lạt mà nhiều người đàn ông trong làng khi nghỉ giải lao vẫn dùng nó để… cạo râu. Nói thế để các bạn hình dung được độ sắc bén của nó!
Cơ sở dệt thổ cẩm. Ảnh: Đức Thụy
Nghề thủ công ở Tây Nguyên đang đứng trước thách thức lớn.  Ảnh: Đức Thụy
Chẳng biết nghề rèn ở Tây Nguyên đã có tự bao giờ nhưng thuở ấy tất cả nông cụ đều được làm ra từ chính những người thợ trong làng. Bấy giờ dường như làng nào ở khu vực phía Tây tỉnh cũng đều có ít nhất một lò rèn thủ công chuyên làm dao, rựa, cuốc… cho người dân. Ngay cả những ngôi làng xa tít nằm sát biên giới ở các xã Ia O, Ia Chía (huyện Ia Grai) cũng đỏ lửa lò rèn, nhiều người cho biết trong kháng chiến họ đã từng rèn giáo, mác và cả mũi tên sắt để dùng trong chiến đấu với địch. Bấy giờ, thép tốt còn khá nhiều, phần lớn được làm từ nhíp xe ô tô, riêng rựa hoặc dao quắm thì dùng cây chốt của các tấm ri sắt phế liệu, loại chốt này chất lượng rất tốt, nằm ngoài trời bao nhiêu năm vẫn không rỉ.
Người dưới xuôi ngày ấy thổi lò gồm 2 ống bễ dựng đứng, người thổi phải ngồi trên cao, 2 tay cầm 2 đầu pít tông kéo lên đẩy xuống. Các lò rèn trong làng ở đây chỉ dùng một ống nằm ngang, người thổi lửa ngồi và đẩy ống thụt vào, kéo ra, đều đặn, nhịp nhàng, lửa tuy nhỏ hơn nhưng chụm. Ngoài ống bễ ra thì các dụng cụ khác trong lò như: đe, búa lớn, búa nhỏ… chẳng khác gì nhau. Thử tưởng tượng, mùa mưa Tây Nguyên dầm dề, gió thổi lạnh lẽo, ngồi trong lò rèn hưởng hơi ấm từ bếp lửa tỏa ra, gửi vào đó vài quả bắp vừa hái trên rẫy về, trở đều rồi tách từng hạt thưởng thức thì còn gì hơn?
Bây giờ thì hầu như các làng đều vắng bóng lò rèn, vắng tiếng búa gõ lên đe. Thay vào đó là những chiếc xe máy chở nông cụ tỏa khắp các con đường lớn nhỏ của làng. Họ chở bán đủ cả, từ cuốc đất, cuốc bàn đến dao phát, dao chặt, rựa, dao thái, cào cỏ… thứ gì cũng có. Có khác thì đây đều là hàng do người dưới xuôi làm mang lên bán. Hàng chợ nên chất lượng không bảo đảm, nói theo kiểu nông dân là dùng “ba bảy hai mốt ngày”. Ngày trước, cây rựa sau khi đóng chuôi (lúc thép đang đỏ rực) vào cán tre thì dùng các khâu đồng nong lại, rựa nguội thì cán khít chặt, không bao giờ sút, nhìn cây rựa lại đẹp, khỏe khoắn, dùng càng lâu khâu đồng càng bóng nước. Bây giờ thì người ta dùng một miếng tôn sắt bao quanh cán gỗ, sau thời gian ngắn là bong mất. 
Người viết bài này đã có dịp ra các tỉnh miền núi phía Bắc, chứng kiến các lò rèn của đồng bào Nùng, Dao ở Hà Giang, Cao Bằng vẫn ngày đêm đỏ lửa. Sản phẩm thủ công của thợ vùng này rất đặc biệt, dùng cả thép không rỉ để rèn nông cụ. Ven quốc lộ vẫn xuất hiện các sạp hàng bán sản phẩm của họ, treo la liệt trên vách trông rất bắt mắt. Tôi mua một con dao đi rừng của đồng bào Nùng ở Cao Bằng với giá 250 ngàn đồng. Dao có dáng đẹp và chất liệu hoàn toàn là thép không rỉ, được rèn rất công phu, đựng trong bao gỗ màu vàng sậm.
Nghề thủ công ở Tây Nguyên đang đứng trước thách thức lớn. Bây giờ không chỉ lò rèn lạnh tanh, vắng tiếng búa trên đe mà nhiều khung cửi cũng nằm buồn dưới gầm sàn, rất nhiều thanh niên trong làng không biết đan gùi, dệt thổ cẩm. Để vực dậy nghề truyền thống không chỉ cần sự tích cực tham gia truyền nghề của các nghệ nhân, mà quan trọng hơn hết là ý thức của mỗi người dân Tây Nguyên trước sự mai một của những nghề thủ công đã từng là bản sắc văn hóa của buôn làng. Bên cạnh đó, cần có sự vào cuộc của ngành chức năng để bảo đảm đầu ra sản phẩm, qua đó giúp người sản xuất ổn định cuộc sống và làm giàu từ đôi tay của chính mình!
Thanh Phong

Có thể bạn quan tâm

Già làng “2 giỏi” của xã Ia Phí

Già làng “2 giỏi” của xã Ia Phí

(GLO)- Ông Rơ Châm Khir (SN 1954, làng Kênh, xã Ia Phí, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) không chỉ có đôi tay tài hoa vẽ những bức tranh sơn dầu, tượng gỗ dân gian đặc sắc, mà còn là già làng uy tín được cộng đồng tin tưởng.

Phát huy sức mạnh văn hóa

Phát huy sức mạnh văn hóa

Khi các giá trị văn hóa, di sản và nghệ thuật tạo ra lợi nhuận nó không chỉ tự “nuôi sống” mình mà còn góp phần tạo thêm những nguồn lực mới, tác động tích cực đến các lĩnh vực khác của ngành công nghiệp văn hóa.

Đừng để giấc mơ Tây Nguyên ngủ yên trên đỉnh đồi

(GLO)- Người Tây Nguyên làm du lịch không chỉ bằng khu nghỉ dưỡng, mà còn bằng lòng hiếu khách và nghệ thuật kể chuyện. Vậy nên, đừng để giấc mơ Tây Nguyên ngủ yên trên đỉnh đồi mà hãy đánh thức nó bằng chính giọng nói của rừng, bằng bàn tay của bà con và bằng tình yêu với buôn làng của mình.

Qua xứ trầm hương: Di sản văn hóa từ miền duyên hải Khánh Hòa - Bài 1: Di sản văn hóa từ miền duyên hải

Qua xứ trầm hương: Di sản văn hóa từ miền duyên hải Khánh Hòa - Bài 1: Di sản văn hóa từ miền duyên hải

“Khánh Hòa là xứ trầm hương/Non cao biển rộng người thương đi về” - những câu thơ của nhà nghiên cứu Quách Tấn trong biên khảo Xứ trầm hương vừa là sự khẳng định danh xưng của một miền đất, vừa như lời mời gọi lữ khách bốn phương tìm về với thủ phủ của trầm hương Việt Nam.

Kể chuyện buôn làng bằng thanh âm sáo trúc

Kể chuyện buôn làng bằng thanh âm sáo trúc

(GLO)- Ở buôn E Kia (xã Ia Rsai, huyện Krông Pa), ông Hiao Thuyên được biết đến là một nghệ nhân tài hoa khi giỏi cả sáo trúc, biểu diễn cồng chiêng, hát dân ca... Bằng những việc làm thiết thực, ông đã góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Jrai và xây dựng khối đại đoàn kết ở buôn làng.

Tây Nguyên: Nhịp sống mới dưới những nếp nhà xưa

Tây Nguyên: Nhịp sống mới dưới những nếp nhà xưa

Nhắc đến đại ngàn Tây Nguyên, có lẽ biểu tượng văn hóa “sừng sững” chính là những mái nhà rông, nhà dài truyền thống của đồng bào các dân tộc. Trong những biến chuyển của thời đại, không gian che chở các hộ gia đình và lan tỏa văn hóa cộng đồng ấy khó tránh khỏi những hư hao, nghiêng ngả.

null