Khơi dậy tình yêu văn hóa dân tộc trong thanh thiếu nhi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Đến hẹn lại lên, các bạn thanh thiếu nhi người dân tộc thiểu số có cơ hội thể hiện tài năng tại Liên hoan cồng chiêng và hát dân ca do Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Thành Đoàn Pleiku tổ chức. Không chỉ tạo sân chơi bổ ích cho thanh thiếu nhi trong dịp hè, liên hoan còn góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.

Cơ hội thể hiện tài năng

Sáng 1-8, dù trời mưa nhưng hơn 200 thanh thiếu nhi người dân tộc thiểu số đến từ 6 xã, phường: Tân Sơn, Chư Á, Yên Đổ, Thắng Lợi, Hoa Lư, Đống Đa đã có mặt từ rất sớm tại Quảng trường Đại Đoàn Kết. Tại kỳ liên hoan này, mỗi đội thi trình diễn 2 bài cồng chiêng (hoặc hòa tấu nhạc cụ dân tộc) và 2 tiết mục hát dân ca có nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ; tình yêu quê hương, đất nước; tình đoàn kết, truyền thống đấu tranh bất khuất; lao động sản xuất của người Tây Nguyên...

Trong thời gian diễn ra liên hoan, không gian tại Quảng trường Đại Đoàn Kết rộn ràng thanh âm các bài chiêng: “Lễ mừng lúa mới”, “Bỏ mả”, “Mừng chiến thắng”, “Lễ đâm trâu”, “Mừng giọt nước”, “Mừng nhà rông”… Những bài dân ca ca ngợi tình yêu lao động, thiên nhiên, lứa đôi như: “Ngày vui hội thi”, “Giao duyên”, “Ru con”, “Gặt lúa Đông Xuân”… mang lại nhiều cung bậc cảm xúc cho người xem.

Phần trình diễn cồng chiêng của đội thi xã Chư Á. Ảnh: M.N

Phần trình diễn cồng chiêng của đội thi xã Chư Á. Ảnh: M.N

Đội thi xã Chư Á khẳng định vị thế dẫn đầu khi giành giải nhất nội dung hát dân ca, giải nhì trình diễn cồng chiêng và giành giải nhất toàn đoàn. Phần trình diễn 2 bài chiêng “Lễ đâm trâu”, “Mừng giọt nước” của đội thi được Ban giám khảo đánh giá rất cao. 38 thành viên của đội đã tái hiện sinh động ngày hội truyền thống của người Jrai. Trong khi các thành viên nam trình diễn thuần thục một số nhạc cụ dân tộc như: cồng chiêng, đàn trưng, lục lạc, đàn goong... thì những thành viên nữ lại nắm tay nối rộng vòng xoang nhịp nhàng theo bài nhạc.

Ở nội dung hát dân ca, em Rơ Châm Hwâng (đội thi xã Chư Á) thể hiện tài năng qua 2 bài: “Giao duyên” và “Ru con” mượt mà, sâu lắng. Hwâng có giọng hát trong trẻo, đầy truyền cảm. Hwâng chia sẻ: “Những bài dân ca này em học từ mẹ. Dù đã thuộc lòng nhưng gần 1 tháng nay, em và các bạn trong đội thi vẫn chăm chỉ luyện tập để đem đến liên hoan phần thi ấn tượng nhất. Em rất vui vì đã đạt được kết quả cao tại liên hoan”.

Góp phần vào thành công của liên hoan, đội thi xã Tân Sơn tạo nên những dấu ấn riêng. Trong bài chiêng “Gặt lúa Đông Xuân”, đội thi tái hiện khung cảnh được mùa của bà con dân làng. 2 bram (người làm trò hề) hóa trang bằng bùn, tóc giả và có những hành động ngộ nghĩnh là điểm nhấn cho phần thi. Đội thi cũng hoàn thành bài chiêng “Đoàn kết” và 2 bài dân ca “Em đi lên nương”, “Lấy giọt nước” trong sự cổ vũ nồng nhiệt của khán giả.

Là thành viên nhỏ tuổi nhất nhưng cậu bé Y Ti (7 tuổi, làng Tiêng 2, xã Tân Sơn) đã tự tin biểu diễn cùng cả đội, đánh chiêng nhịp nhàng. “Em tham gia đội cồng chiêng từ lúc 5 tuổi. Được người lớn hướng dẫn, em đã chơi thuần thục nhiều bài chiêng truyền thống của dân tộc”-em Y Ti bày tỏ.

Là người tâm huyết với việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, anh Hyơm đã hỗ trợ tích cực cho đội thi làng Tiêng 2 trong quá trình tập luyện, chuẩn bị đạo cụ, trang phục, hóa trang để tham gia liên hoan. Anh Hyơm cho hay: “Mình yêu thích cồng chiêng và biết cách đánh từ lúc 10 tuổi. Thấy các bạn trẻ yêu cồng chiêng, mình đã nhiệt tình hướng dẫn các em. Liên hoan là cơ hội để khơi gợi, nhân lên tình yêu văn hóa trong thế hệ trẻ”.

Gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống

Liên hoan cồng chiêng và hát dân ca là hoạt động được Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao TP. Pleiku phối hợp với Thành Đoàn tổ chức thường niên nhằm tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho thanh thiếu nhi người dân tộc thiểu số trong dịp nghỉ hè. Đồng thời, liên hoan cũng là dịp để thanh thiếu nhi giao lưu, học hỏi và nâng cao trách nhiệm giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc.

Em Puih H'Huyền (đội thi phường Yên Đổ) tâm sự: “Đây là năm thứ 4 em cùng đội thi tham gia liên hoan. Chúng em chăm chỉ tập luyện để hoàn thành tốt nhất phần thi của mình. Qua liên hoan, em đã được gặp gỡ, giao lưu và kết nối nhiều bạn có cùng đam mê ở các xã, phường trên địa bàn thành phố”.

Anh Thái Giang Nam-Bí thư Thành Đoàn Pleiku trao giải nội dung hát dân ca cho các đội thi. Ảnh: Minh Nhật

Anh Thái Giang Nam-Bí thư Thành Đoàn Pleiku trao giải nội dung hát dân ca cho các đội thi. Ảnh: Minh Nhật

Kết thúc liên hoan, Ban tổ chức đã trao giải nhất toàn đoàn cho xã Chư Á, phường Thắng Lợi đạt giải nhì, phường Yên Đổ đạt giải ba; các đơn vị: Tân Sơn, Hoa Lư, Đống Đa đạt giải khuyến khích. Ngoài ra, Ban tổ chức đã trao 2 giải nhất, 2 giải nhì, 2 giải ba, 6 giải khuyến khích cho các nội dung: hát dân ca, cồng chiêng (chia đều giải thưởng cho từng nội dung).

Nhờ chủ động kế hoạch tổ chức, các địa phương tích cực tuyển chọn, tập hợp đội hình và tập luyện, đầu tư dàn dựng công phu nên liên hoan đã mang lại kết quả tốt đẹp, tạo nên một bữa tiệc nghệ thuật đặc sắc, mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống dân tộc bản địa trên mảnh đất Gia Lai.

Địa điểm tổ chức tại Quảng trường Đại Đoàn Kết nên liên hoan thu hút sự quan tâm, theo dõi của nhiều khán giả. Kết thúc phần trình diễn, mỗi đội thi đều nhận được những lời động viên và tràng pháo tay cổ vũ nồng nhiệt của người xem.

Cầm điện thoại quay lại phần trình diễn của các đội thi, ông Nguyễn Văn An (quê ở tỉnh Ninh Bình) chia sẻ: “Tôi đi dự đám cưới ở Gia Lai, được người thân dẫn đi tham quan Quảng trường Đại Đoàn Kết và có cơ hội được theo dõi các phần thi tại liên hoan. Mỗi dân tộc có một bản sắc văn hóa truyền thống khác nhau và tôi rất ấn tượng trước hình ảnh các em nhỏ say sưa biểu diễn cồng chiêng. Tôi đã quay lại tất cả 6 phần trình diễn để khi về giới thiệu với người thân cùng xem cho vui”.

Ông Nguyễn Văn Hòa-Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao TP. Pleiku, Trưởng ban tổ chức liên hoan-cho biết: “Liên hoan là hoạt động thường niên được tổ chức vào dịp hè dành riêng cho thanh thiếu nhi dân tộc thiểu số. Các đội thi đã đầu tư khá tốt cho phần trình diễn, từ nội dung chương trình, từng tiết mục, trang phục, đạo cụ. Nhiều em mới chỉ 5-6 tuổi đã biết đánh cồng chiêng, biết chơi các loại nhạc cụ truyền thống, hát dân ca. Điều này cho thấy sự kế thừa và tiếp nối giá trị văn hóa truyền thống của thanh thiếu nhi”.

Có thể bạn quan tâm

Lễ bỏ mả: Cuộc trình diễn nghệ thuật truyền thống đặc sắc của người Jrai

Lễ bỏ mả: Cuộc trình diễn nghệ thuật truyền thống đặc sắc của người Jrai

(GLO)- Trong các nghi lễ truyền thống của người Jrai thì lễ bỏ mả mang đậm nét văn hóa dân gian, là lễ hội nổi trội nhất, hấp dẫn nhất và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Theo quan niệm của người Jrai, lễ bỏ mả là ngày vui cộng cảm, ngày hội của cộng đồng.
Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

(GLO)- 

Tròn 70 năm kể từ khi cố Nghệ sĩ Ưu tú Nay Pharr (làng Ơi H'Briu, xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) mang chiếc đàn t'rưng giới thiệu đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước, loại nhạc cụ độc đáo ấy đã được quảng bá không ngừng.

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.
Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.