Khơi dậy tinh thần sáng tạo của học sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh khối THCS huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) đã tạo sân chơi bổ ích, thu hút đông đảo học sinh các trường trên địa bàn tham gia.
Tính ứng dụng cao
Cuộc thi thu hút 7 đề tài tham gia, trong đó, đề tài “Thiết bị báo khói và rò rỉ khí gas” của Trường THCS Kpă Klơng đạt giải nhì và cũng là giải cao nhất tại cuộc thi. Hai sản phẩm “Máy quạt nóng lạnh mi ni” của Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm và “Máy rửa tay không tiếp xúc” của Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện đồng giải ba.
Nói về ý tưởng thực hiện đề tài “Thiết bị báo khói và rò rỉ khí gas”, em Trần Minh Huy (lớp 9A1, Trường THCS Kpă Klơng) cho biết: Các sự cố về điện cũng như rò rỉ khí gas là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ cháy nổ, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Từ thực tế đó, chúng em đã mạnh dạn đưa ra ý tưởng và thực hiện đề tài này nhằm phòng-chống cháy nổ, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
“Sản phẩm có tính năng phát hiện khói hoặc có khí gas sẽ lập tức phát ra âm thanh cảnh báo để mọi người biết kiểm tra và khắc phục ngay lập tức. Nếu không được xử lý, nó sẽ tự động ngắt toàn bộ nguồn điện, hạn chế nguy cơ cháy nổ”-Huy chia sẻ.
Em Ksor Phương (bìa trái) và Ksor Mai thuyết trình về nguyên lý hoạt động của máy rửa tay không tiếp xúc. Ảnh: Vũ Chi
Em Ksor Phương (bìa trái) và Ksor Mai thuyết trình về nguyên lý hoạt động của máy rửa tay không tiếp xúc. Ảnh: Vũ Chi
Trong khi đó, đề tài “Máy rửa tay không tiếp xúc” của 2 em Ksor Mai và Ksor Phương (lớp 9, Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện) hình thành từ nhu cầu sinh hoạt nội trú của các bạn học sinh trong trường, đặc biệt là trước nguy cơ lây lan dịch Covid-19.
Ksor Mai chia sẻ: “Rửa tay là hoạt động thường xuyên trong sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, khi rửa tay, một số bạn thường lãng phí xà phòng và nước sát khuẩn. Chính vì vậy, chúng em tạo ra sản phẩm này nhằm tiết kiệm xà phòng, nước sát khuẩn khi rửa tay nhưng vẫn đảm bảo vệ sinh. Nhất là việc rửa tay đúng quy định cũng góp phần quan trọng vào công tác phòng dịch Covid-19”.
Thầy Nguyễn Văn Năm-giáo viên Toán-Tin (Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện) cho hay: Sau khi tham dự cuộc thi, sản phẩm “Máy rửa tay không tiếp xúc” đã được Ban Giám hiệu nhà trường bố trí đặt ngay cầu thang dãy phòng học nhằm giúp các em rửa tay đúng quy định. Sản phẩm cũng được thiết kế hoàn thiện hơn khi lắp đặt bổ sung bồn rửa và hệ thống dẫn nước thải.
Sân chơi bổ ích
Thầy Nguyễn Trọng Tự-Hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện-cho biết: Ban Giám hiệu nhà trường luôn động viên, tạo điều kiện cho học sinh tham gia cuộc thi nhằm khơi dậy đam mê nghiên cứu khoa học của các em. Dưới sự hướng dẫn nhiệt tình của thầy cô, sản phẩm của các em tham gia cuộc thi cấp huyện trong những năm gần đây luôn đạt thứ hạng cao và được ứng dụng ngay tại trường học như: “Chuông báo động”, “Thiết bị cảnh báo ngồi sai tư thế”…
Máy quạt nóng lạnh mini của các em học sinh Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm-sản phẩm đạt giải Ba cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp huyện. Ảnh.Vũ Chi
Sản phẩm máy quạt nóng lạnh mi ni của các em học sinh Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm đạt giải ba cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp huyện. Ảnh: Vũ Chi
Một trong những ưu điểm quan trọng của các đề tài tham gia cuộc thi năm nay là giá thành các sản phẩm thấp hơn nhiều so với các thiết bị bán ngoài thị trường. Em Nguyễn Hoàng Khả Văn-Trưởng nhóm đề tài “Máy quạt nóng lạnh mi ni” của Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm bộc bạch: “Để được tham dự cuộc thi, chúng em phải vượt qua nhiều đề tài từ cuộc thi cấp trường. Nhờ tận dụng những nguyên liệu sẵn có, sản phẩm của chúng em chỉ có giá khoảng 800.000 đồng, trong khi đó, một thiết bị nóng lạnh ngoài thị trường ít nhất 4-5 triệu đồng. Chiếc quạt có thể sưởi ấm và làm lạnh so với nhiệt độ thông thường 5-7 độ, vừa thân thiện với môi trường, vừa nhỏ gọn, phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân ở đây”.
Trao đổi với P.V, ông Chu Sỹ Lin-Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Krông Pa đánh giá cao ý tưởng, tính ứng dụng của các đề tài. “Cuộc thi tạo cho các em học sinh kỹ năng làm việc nhóm, phát huy tính sáng tạo để tạo ra những sản phẩm, mô hình có tính ứng dụng cao trong thực tiễn. Trong những cuộc thi tiếp theo, Ban tổ chức khuyến khích các trường mở rộng đề tài thuộc các lĩnh vực xã hội để phát huy nhiều hơn nữa khả năng nhìn nhận, đánh giá, nghiên cứu của học sinh”-Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện thông tin.
VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm

Gắn kết sinh viên Việt-Lào

Gắn kết sinh viên Việt-Lào

(GLO)- Nhờ sự quan tâm, đồng hành của các thầy-cô giáo cùng sinh viên Phân hiệu Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai, các lưu học sinh Lào đã hòa nhập với môi trường mới, tự tin giao tiếp và học tập tốt.

Khánh thành Nhà bia di tích Công an Gia Lai tại Tây Ninh

Khánh thành Nhà bia di tích Công an Gia Lai tại Tây Ninh

(GLO)- Chiều 17-4, tại Khu di tích Trung ương Cục miền Nam (ấp Tân Tiến, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh), Công an tỉnh Gia Lai tổ chức lễ khánh thành Nhà bia di tích Công an Gia Lai. Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh chủ trì buổi lễ.

Cán bộ, đảng viên lan tỏa thông tin tích cực trên các trang mạng xã hội

Cán bộ, đảng viên lan tỏa thông tin tích cực trên các trang mạng xã hội

(GLO)- Với phương châm "lấy cái đẹp dẹp cái xấu", thời gian qua, đội ngũ cán bộ, đảng viên và người dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã thường xuyên chia sẻ, lan tỏa thông tin tích cực khi sử dụng mạng xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả chế độ chính sách, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Ông Đỗ Xuân Lâm luôn đặt sự an toàn lên hàng đầu trong mỗi chuyến đi. Ảnh: L.V.N

U70 đạt giải “Vô lăng vàng”

(GLO)- Hơn 30 năm gắn bó với nghề lái xe, ông Đỗ Xuân Lâm (SN 1960, trú tại tổ 4, phường Trà Bá, TP. Pleiku) luôn tâm niệm phía sau tay lái là hạnh phúc của rất nhiều gia đình.

Phụ nữ làng Groi phát huy nghề dệt thổ cẩm

Phụ nữ làng Groi phát huy nghề dệt thổ cẩm

(GLO)- Gần 2 năm đi vào hoạt động, Câu lạc bộ (CLB) Dệt thổ cẩm làng Groi (xã Ya Hội, huyện Đak Pơ) đã trở thành mái nhà chung cho những phụ nữ yêu thích nghề dệt. Thông qua các buổi sinh hoạt, chị em có cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và chung tay gìn giữ, phát huy nghề dệt truyền thống.

Cán bộ, hội viên phụ nữ huyện Đức Cơ phối hợp tuần tra, bảo vệ đường biên (ảnh đơn vị cung cấp).

Phụ nữ Đức Cơ góp sức bảo vệ bình yên biên giới

(GLO)- Huyện Đức Cơ có 3 xã biên giới tiếp giáp với Vương quốc Campuchia. Chính sự phối hợp hoạt động chặt chẽ giữa Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) các xã biên giới và đồn Biên phòng đứng chân trên địa bàn đã góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của mỗi đơn vị và bảo vệ bình yên biên giới.

Ông Nay Chin (ở giữa) tuyên truyền cho người dân về tinh thần đoàn kết, yêu thương nhau, sống “tốt đời, đẹp đạo”. Ảnh: M.P

Ông Nay Chin vì bình yên thôn, làng

(GLO)- Với uy tín của mình, ông Nay Chin (thôn Điểm 9, xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện thường xuyên phối hợp với chính quyền, lực lượng an ninh cơ sở tích cực tuyên truyền, vận động những người từng lầm lỡ theo “Tin lành Đê ga” quay trở lại sinh hoạt tôn giáo thuần túy được Nhà nước công nhận.