Nuôi cấy tảo xoắn Spirulina: Giải pháp tạo nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với mục tiêu cung cấp nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng đến mọi gia đình, góp phần chung tay bảo vệ môi trường, 2 anh em Nguyễn Hữu Tiến (lớp 10A4, Trường THPT Pleiku) và Nguyễn Ngọc Hương Giang (lớp 8/8, Trường THCS Phạm Hồng Thái, TP. Pleiku) đã tận dụng các vật liệu phế thải làm bể chứa để nuôi cấy tảo xoắn Spirulina tại nhà. Mô hình này vừa đạt giải ba tại Cuộc thi sáng tạo thanh-thiếu niên, nhi đồng tỉnh Gia Lai lần thứ 8-2020.
Trở về từ cuộc thi, mô hình này vẫn tiếp tục được 2 em duy trì trong ngôi nhà nhỏ tại hẻm Phù Đổng (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) nhằm cung cấp nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng cho gia đình, người thân và bạn bè.
Nói về ý tưởng của mình, Giang chia sẻ: “Qua tìm hiểu, chúng em được biết, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng ở thể nhẹ cân và thể thấp còi của tỉnh ta cao hơn nhiều so với tỷ lệ chung cả nước. Suy dinh dưỡng không chỉ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe mà còn có thể khiến trẻ chậm phát triển cả về hành vi lẫn trí tuệ. Trong khi đó, tảo xoắn Spirulina đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận là “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe tốt nhất của loài người trong thế kỷ XXI” với hàm lượng dinh dưỡng dồi dào. Hiện nay, việc nuôi cấy tảo xoắn mới chỉ được thực hiện chủ yếu ở các viện khoa học hoặc trung tâm nghiên cứu, chi phí đầu tư rất cao nên hầu như vẫn còn xa lạ với nhiều người dân. Tại Gia Lai cũng chưa có cơ sở nuôi cấy tảo xoắn Spirulina. Vì thế, chúng em muốn thực hiện mô hình để có thể đưa quy trình nuôi cấy đến gần hơn với mọi gia đình, giúp họ chủ động tạo ra nguồn thực phẩm dinh dưỡng cho mình, góp phần giảm thiểu tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em trên địa bàn tỉnh, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.
Em Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Ngọc Hương Giang nhận giải ba tại Cuộc thi sáng tạo thanh-thiếu niên, nhi đồng toàn tỉnh lần thứ 8-2020. Ảnh: Mộc Trà
Em Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Ngọc Hương Giang nhận giải ba tại Cuộc thi sáng tạo thanh-thiếu niên, nhi đồng tỉnh Gia Lai lần thứ 8-2020. Ảnh: Mộc Trà
Tiếp lời em gái, Tiến cho hay: “Thuận lợi của chúng em là đã từng chứng kiến mẹ mình nuôi cấy thử nghiệm tảo xoắn Spirulina tại nhà. Dưới sự hướng dẫn của mẹ, chúng em đã tự tin phát triển số lượng và quy mô nuôi cấy. Đồng thời, tận dụng vật liệu phế thải để làm bể nuôi, vừa tiết kiệm chi phí đầu tư, vừa góp phần bảo vệ môi trường. Hơn nữa, việc sử dụng bể nhỏ cũng giúp mọi người có thể tận dụng được diện tích hẹp nơi góc vườn, hành lang, sân thượng… để nuôi cấy, miễn sao có ánh sáng chiếu vào”.
Tảo giống Spirulina mua về từ trung tâm nghiên cứu nuôi cấy tảo được 2 anh em cho máy sục khí liên tục và chiếu sáng bằng ánh sáng khuếch tán tự nhiên, tránh ánh nắng trực tiếp. Chai, bình nhựa dùng làm bể nuôi cấy tảo cũng được vệ sinh sạch sẽ để tránh nhiễm khuẩn. Quá trình nhân giống được tiến hành trong thời gian 7-10 ngày trước khi cho vào bể đã hòa tan dinh dưỡng để nuôi cấy và chăm sóc.
“Tảo xoắn Spirulina sống trong môi trường có độ kiềm cao. Vì vậy, hàng ngày, chúng em đều phải kiểm tra độ pH của môi trường nuôi cấy. Tuy nhiên, vì chưa có kinh nghiệm, thời gian đầu có lúc chúng em để độ pH bị giảm khiến tảo chết nhiều, phải thực hiện lại. Việc bổ sung chất dinh dưỡng, nước cũng phải theo đúng liều lượng và định kỳ để đảm bảo tảo sinh trưởng, phát triển tốt. Sau khi thả giống vào bể khoảng 10-14 ngày thì có thể thu hoạch bởi lúc này tảo đạt sinh khối cao nhất. Cứ 100 lít dung dịch giống nuôi cấy sẽ cho 600-700 gram tảo tươi thành phẩm”-Giang hồ hởi thông tin.
Hai anh em Tiến và Giang thu hoạch tảo xoắn Spirulina sau gần nửa tháng nuôi cấy. Ảnh: Mộc Trà.
Hai anh em Tiến và Giang thu hoạch tảo xoắn Spirulina sau gần nửa tháng nuôi cấy. Ảnh: Mộc Trà
Cũng theo Tiến và Giang, tảo thu hoạch xong để ráo nước khoảng 1 tiếng đồng hồ thì bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh. Tảo tươi sử dụng trực tiếp không cần qua chế biến và có thể hòa với nước lọc, sữa tươi hoặc làm sinh tố hoa quả. Hàm lượng khuyến cáo là người lớn 10 gram/ngày, trẻ em 5 gram/ngày.
Sau một thời gian nuôi thì tảo tiết ra các chất thải cùng với một số kết tủa trong môi trường nuôi sẽ bám vào thành bể và lắng xuống đáy bể làm ngăn cản ánh sáng giúp tảo quang hợp. Do vậy, mỗi tháng cần vệ sinh bể nuôi một lần để đảm bảo việc nuôi cấy đạt hiệu quả.
Bà Đỗ Thị Phượng (mẹ của Tiến và Giang) cho biết: “Nhận thấy giá trị dinh dưỡng của tảo xoắn Spirulina, năm 2018, tôi đã tự nghiên cứu kỹ thuật và mua ít giống về nuôi cấy để phục vụ trong gia đình. Lúc đó, các con cũng tỏ ra khá hào hứng và sẵn sàng giúp mẹ chăm sóc tảo. Đến khi Cuộc thi sáng tạo thanh-thiếu niên, nhi đồng toàn tỉnh lần thứ 8-2020 được phát động, 2 anh em đã bàn bạc rồi đề xuất với tôi về ý tưởng dự thi. Với lợi thế là giáo viên dạy môn Sinh học, tôi hướng dẫn và hỗ trợ về mặt kỹ thuật, còn lại đều do các con tự thực hiện bằng niềm đam mê của mình. Khi biết mô hình đạt giải ba, cả nhà khá bất ngờ và vỡ òa vui mừng”.
Tảo xoắn Spirulina dễ nuôi nên có thể đưa vào sản xuất đại trà để cung cấp thực phẩm dinh dưỡng cho mọi gia đình. Vì thế, Tiến và Giang vẫn đang kêu gọi, tìm kiếm sự hợp tác đầu tư từ phía các nhà tài trợ để nhân rộng và phát triển mô hình.
“Ý tưởng của chúng em cũng thu hút sự quan tâm của nhiều người, song đến nay vẫn chưa có ai đề cập đến việc hợp tác hay chuyển giao công nghệ để triển khai rộng rãi đến người dân. Mong rằng trong tương lai không xa, ước mong của chúng em có thể thành hiện thực”-Tiến kỳ vọng.

Theo các nhà khoa học, tảo Spirulina là một loài vi khuẩn lam dạng sợi xoắn màu xanh lục với kích thước khoảng 0,25 mm, được phát hiện đầu tiên ở châu Phi. Tảo xoắn Spirulina có giá trị dinh dưỡng cao với hàm lượng protein cao hơn 3 lần thịt bò và 2 lần đậu tương; giàu vitamin, axit béo không no và các khoáng chất có lợi cho sức khỏe. Vì vậy, nó có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa hiệu quả; điều hòa huyết áp, an thần; giảm tê bì chân tay, đau nhức xương khớp; hỗ trợ trong điều trị các bệnh về gan, mắt, tiểu đường; thanh lọc cơ thể, ngăn ngừa ung thư, chống suy dinh dưỡng ở trẻ em, người già và làm đẹp…

MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm