Giới trẻ và du lịch xanh: Khi xê dịch là những hành trình không ngừng 'cho đi'

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Một bộ phận không nhỏ giới trẻ Việt chọn những chuyến du lịch có thể mang đến giá trị tốt đẹp hơn cho môi trường, cộng đồng. Các em trồng cây xanh, không xả thải nhựa dọc hành trình xê dịch...
Giới trẻ trồng cây xanh trên hành trình xê dịch của mình. (Ảnh: NVCC)

Giới trẻ trồng cây xanh trên hành trình xê dịch của mình. (Ảnh: NVCC)

Trên khắp các diễn đàn, hội nhóm du lịch, một trong những xu hướng xê dịch được giới trẻ Việt quan tâm hiện nay là du lịch trải nghiệm kết hợp bảo vệ môi trường.

Với mong muốn lan tỏa nhận thức tích cực và sự tôn trọng tự nhiên tại các điểm đến nhằm thúc đẩy du lịch xanh và phát triển bền vững, các bạn trẻ hành động và kêu gọi cộng đồng hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần, trồng thêm cây xanh cho điểm đến…

Hiểu thêm về mình từ những chuyến đi

Thế hệ Gen Z ngày nay đang dần chứng minh bản thân là những “du khách xanh” khi thường thể hiện hành vi bảo vệ môi trường trong hành trình du lịch của mình, bắt đầu từ việc mang theo các vật dụng như bình nước cá nhân, thìa, ống hút bằng inox... đến lựa chọn những điểm du lịch “nói không với nhựa.”

Có thể thấy du lịch xanh đang là lựa chọn của nhiều tín đồ xê dịch trẻ, với mục tiêu hạn chế tối đa rác thải nhựa và có trách nhiệm hơn trong chuyến đi. Thậm chí, nhiều bạn trẻ còn lựa chọn thể hiện tình yêu với thiên nhiên bằng cách du lịch kết hợp trồng cây xanh, như Võ Minh Tân (Hý Du Ký) và Đặng Đức Tuấn (Han Vietnam) đã có chuyến phượt xuyên Việt kéo dài 100 ngày, 10.000 km, qua 63 tỉnh thành để thực hiện Dự án A little Vietnam.

Thành quả của chuyến rong ruổi khắp Việt Nam đó là hơn 500 cây xanh đã được trồng dọc đường hai bạn đi. Với mong muốn lan tỏa “du lịch tử tế” trong giới trẻ nên Tân và Tuấn đã kêu gọi thêm các tình nguyện viên cùng thực hiện hành trình này. Sau đó, nhóm bạn trẻ đã trồng thêm được hơn 1.000 cây thông dọc quốc lộ 24 hướng từ Kon Tum đi Quảng Ngãi và tiếp tục dự án vào cuối năm 2023 với chuyến đi tới Măng Đen (tỉnh Kon Tum).

Tân và Tuấn trong chuyến hành trình du lịch kết hợp trồng cây xuyên Việt. (Ảnh: NVCC)

Tân và Tuấn trong chuyến hành trình du lịch kết hợp trồng cây xuyên Việt. (Ảnh: NVCC)

Xuất phát từ niềm đam mê du lịch cùng tinh thần có trách nhiệm với môi trường, Tân và Tuấn từ lâu đã ấp ủ một dự án góp phần lan tỏa thông điệp sống xanh đến cộng đồng. Sau nhiều đắn đo, 2 anh chàng quyết định thực hiện mô hình kép - du lịch kết hợp trồng cây xanh. Bởi Tân và Tuấn quan niệm việc làm tuy đơn giản nhưng lại có ý nghĩa lớn, tượng trưng cho hành trình ươm mầm tương lai.

Trồng cây mang tính bền vững, chỉ khởi đầu bằng một vài cây nhỏ, rồi theo thời gian có thể phủ xanh nhiều khoảng đất rộng lớn. Điều quan trọng là, từ hành động nhỏ rồi sẽ “góp gió” thành rừng và góp phần thay đổi nhận thức tích cực của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường.

Thế nhưng chẳng có gì là dễ dàng. Trên hành trình của mình, có những lúc Tân và Tuấn không tìm được cây giống, địa điểm trồng và thời tiết không thuận lợi, đường trơn trượt khó đi, thậm chí có những lần ngã trầy xước. Dẫu vậy, 2 thành viên của A little Vietnam bảo vẫn tự hào và cảm thấy bản thân trưởng thành hơn qua mỗi cuộc hành trình.

“Trong suốt chuyến đi, Tân luôn tâm niệm rằng mình đang làm công cho trái đất, cho chính bản thân và cho cả những người xung quanh. Đó là lý do chúng tôi luôn đặt việc trồng cây là mục tiêu rất nghiêm túc để cân bằng mọi việc và bằng mọi cách phải hoàn thành mục tiêu của mình,” Tân chia sẻ.

GenZ lan tỏa du lịch xanh

Điều đáng mừng là trên hành trình của mình Tân và Tuấn luôn nhận được nhiều sự ủng hộ từ người dân địa phương cũng như các bạn trẻ theo dõi Dự án A little Vietnam. Bằng chứng là sau chuyến đi khắp 63 tỉnh, thành phố để trồng cây, A little Vietnam đã thực hiện được thêm 2 dự án trồng cây tại Măng Đen và được đông đảo tình nguyện viên đăng ký tham gia.

“Nếu yêu Việt Nam, hãy yêu môi trường” là thông điệp mà A little Vietnam muốn gửi gắm. (Ảnh: NVCC)

“Nếu yêu Việt Nam, hãy yêu môi trường” là thông điệp mà A little Vietnam muốn gửi gắm. (Ảnh: NVCC)

“Tôi mong muốn các bạn tình nguyện viên khi tham gia dự án sẽ nhận được đầy đủ thông điệp và cả tình yêu với thiên nhiên mà chúng tôi muốn truyền tải, đó mới là điều A little Vietnam hướng đến”, Tuấn chia sẻ.

Khi quay lại các địa điểm cũ, tận mắt thấy những “đứa con” đang ngày một cao lớn, xanh tươi, với Tân và Tuấn đó là “cảm xúc rất khó tả”, đó cũng là nguồn cảm hứng để các bạn trẻ tiếp tục ươm những mầm cây mới và chờ đợi ngày thành quả tốt đẹp hơn.

Tuấn bảo, “lãi” nhất từ hành trình đã qua là những nụ cười và ánh mắt sáng lấp lánh của các bạn tình nguyện viên mỗi khi ươm mầm thành công một cây giống xuống đất, cùng tình cảm của người dân ở những nơi A little Vietnam đặt chân tới.

Hai chàng trai bật mí, năm 2024 sẽ tiếp tục thực hiện những chuyến đi mới, nhưng lần này tập trung vào phủ xanh ở từng địa phương cụ thể cũng như thực hiện những hoạt động mang tính dài hơi hơn, không chỉ là trồng cây mà còn thăm và bảo trì cây đã trồng trước đó.

Không chỉ A little Vietnam, những năm gần đây, khi thông điệp về biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng được lan tỏa rộng khắp, giới trẻ ngày càng thấm về những tác động và ảnh hưởng tiêu cực mà con người gây ra cho tự nhiên. Gen Z đã bắt đầu hướng tới những chuyến du lịch có thể mang đến những giá trị tốt đẹp hơn cho môi trường, cộng đồng.

Nhóm sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân đạt giải trong chiến dịch “Cùng gen G sống xanh đi”. (Ảnh: NVCC)

Nhóm sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân đạt giải trong chiến dịch “Cùng gen G sống xanh đi”. (Ảnh: NVCC)

Như các sinh viên chuyên ngành Môi trường và Phát triển bền vững Đại học Kinh tế Quốc dân không chỉ là những tín đồ xê dịch mà các em cũng rất quan tâm đến vấn đề làm sao vừa phát triển kinh tế Việt Nam vừa bảo vệ được môi trường. Đó là lý do các em chọn tham gia chiến dịch “Cùng gen G sống xanh đi” do tập đoàn Panasonic tổ chức.

“Dự định khi tham gia cuộc thi của nhóm đó là chúng em mong có thể đóng góp chút công sức thực hiện dự án, góp phần bảo vệ môi trường và du lịch Việt Nam phát triển bền vững, lan tỏa mạnh mẽ tinh thần này đến cộng đồng”, Vân Anh, thí sinh tham gia chiến dịch bày tỏ.

Rõ ràng, du lịch xanh hay xu hướng bảo vệ môi trường khi xê dịch đã và đang trở thành ý thức của giới trẻ Việt. Đặc biệt, chính các em đã rất tích cực truyền thông và lan tỏa xu hướng này. Không chỉ năng nổ tham gia những hành trình vừa trải nghiệm vừa làm xanh điểm đến, mà còn kêu gọi cộng đồng du lịch có ý thức và trách nhiệm hơn, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của hoạt động du lịch lên môi trường tự nhiên. Và chúng ta có quyền hy vọng "thế giới sẽ thay đổi" từ một thế hệ trẻ có nhận thức, tư duy và hành động tích cực như vậy./.

Có thể bạn quan tâm

Cô gái gen Z khởi nghiệp với tinh dầu bơ địa phương

Cô gái gen Z khởi nghiệp với tinh dầu bơ địa phương

(GLO)- Cô gái Lê Ánh Thùy Trang (20 tuổi, thôn Blo, xã A Dơk, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã từ bỏ giảng đường cao đẳng để về quê khởi nghiệp với sản phẩm tinh dầu bơ thuần thiên nhiên. Sản phẩm không chỉ bảo vệ sức khỏe mà còn giúp phát triển kinh tế và tạo việc làm cho người dân địa phương.

Tặng 500 chiếc áo ấm cho học sinh huyện Chư Pưh

Tặng 500 chiếc áo ấm cho học sinh huyện Chư Pưh

(GLO)- Chiều 12-11, Công ty TNHH Doanh nghiệp xã hội từ thiện và hỗ trợ phát triển cộng đồng Fly To Sky phối hợp cùng Huyện Đoàn-Hội LHTN Việt Nam-Hội đồng Đội huyện Chư Pưh tổ chức chương trình “Áo ấm chuyền tay” cho học sinh huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai).

Nữ 9X khởi nghiệp từ trái cây sấy khô

Nữ 9X khởi nghiệp từ trái cây sấy khô

Từng theo học Trường đại học Tây Nguyên, ngành kế toán, công tác tại nhiều công ty, chị Phạm Thị Nga (32 tuổi, trú tại Ea M'Nang, H.Cư Mgar, Đắk Lắk) quyết tâm về quê khởi nghiệp mô hình trái cây sấy khô.

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Tại 'TikTok Awards Việt Nam 2024', kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên có tên trong danh sách đề cử hạng mục Nhà sáng tạo nội dung thể thao của năm. Cựu vận động viên có những chia sẻ thú vị về hành trình trở thành TikToker để lan tỏa niềm đam mê bơi lội đến mọi người.

Người đưa hương rượu cần truyền thống bay xa

Người đưa hương rượu cần truyền thống bay xa

(GLO)- Sau 3 năm gắn bó với nghề, chị Nay Ly Cơ (tổ 4, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã thành công với việc làm rượu cần truyền thống của người Jrai. Không những vậy, chị còn tích cực quảng bá để hương rượu cần có cơ hội được bay xa.