Chuyện tình cổ tích của cặp đôi khuyết tật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Vượt qua những khiếm khuyết về cơ thể, anh Lê Văn Khỏe (SN 1995) và chị Phạm Thị Hà (SN 1993, trú tại làng Ia Tang, xã Ia Kla, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) đã cùng nhau xây đắp tổ ấm hạnh phúc.

Nghịch cảnh cuộc đời

Bà Nguyễn Thị Viễn kể: Chị Phạm Thị Hà là con đầu của vợ chồng bà. Ngay từ nhỏ, Hà đã chậm chạp hơn những đứa trẻ khác. Khi bắt đầu tập đi, vợ chồng bà đau xót khi nhận ra con mình… không bình thường, không thể đứng thẳng và đi bằng lòng bàn chân mà chỉ bước xiêu vẹo được một đoạn ngắn rồi ngã. Hà cũng không thể phát âm tròn trịa, nói tiếng được tiếng mất.

“Ban đầu, vợ chồng tôi nghĩ cháu chỉ bị ngọng lúc còn nhỏ, nhưng lớn lên, cháu vẫn như thế. Chúng tôi đưa con đi khám thì bác sĩ chẩn đoán bị bại não. Vợ chồng tôi chạy vạy khắp nơi từ Bắc chí Nam để chữa trị cho con. Cứ nghe ai mách ở đâu có thể chữa được là tôi lại bỏ công, bỏ việc, vay mượn tiền bạc đưa con đi nhưng đều bất lực”-bà Viễn bùi ngùi.

Chị Hà đã giành được nhiều huy chương các loại tại Giải Thể thao Người khuyết tật toàn quốc. Ảnh: Văn Ngọc

Chị Hà đã giành được nhiều huy chương các loại tại Giải Thể thao Người khuyết tật toàn quốc. Ảnh: Văn Ngọc

Năm lên 10 tuổi, cơ duyên đến với Hà khi có đoàn bác sĩ về làng khám bệnh. Hà được chuyển đến Bệnh viện Quân y 211 và thực hiện ca phẫu thuật một phần gân bàn chân. Từ đó, Hà đã có thể tự đi lại. Tuy khiếm khuyết nhưng Hà rất ham học. Học hết chương trình phổ thông, Hà thi đậu vào Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin Đà Nẵng. Tuy nhiên, vì không thể đưa đón, bà Viễn đã đưa con về học ngành Kế toán hệ Trung cấp tại Gia Lai.

Bà bộc bạch: “Vợ chồng tôi ráng tạo điều kiện cho con. Hà học không chỉ để tìm một cái nghề có thể nuôi thân mà còn tự tin hơn trong cuộc sống”.

Trong khi đó, anh Khỏe vốn là thanh niên cao lớn vạm vỡ ở huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. Nhà nghèo, năm 15 tuổi, anh đã phải nghỉ học để đi vác lúa thuê phụ giúp gia đình. Năm 18 tuổi, anh bị tai biến liệt nửa người, méo miệng.

“Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình bị liệt hẳn một bên không cử động được, cũng không nói được mà chỉ ú ớ. Mấy tháng trời, tôi nằm liệt trong bệnh viện. Bệnh nặng khiến tôi suy sụp rất nhanh”-anh Khỏe chia sẻ.

Nhờ tích cực tập vật lý trị liệu, anh Khỏe dần nói chuyện bình thường rồi đứng dậy đi lại được dù không thể đi thẳng, đứng thẳng. Không thể làm nghề bốc vác, anh đi học nghề điện cơ, song cũng không bám trụ được. Sau đó, anh chuyển sang bán vé số tại Kiên Giang và TP. Hồ Chí Minh để có thể nuôi sống bản thân.

Anh tâm sự: “Có người tốt bụng họ cũng ủng hộ cho vài tờ vé số, nhưng cũng có người châm chọc khiến tôi thêm buồn tủi. Có lần mời vé số mà bị hắt hủi, tôi cảm thấy hụt hẫng, trống vắng vô cùng”.

Tình yêu kết trái

Năm 2014, qua lời giới thiệu của một người quen, bà Viễn đã đưa chị Hà đến với cơ sở dành cho người khuyết tật có tên “Gia đình mùa xuân”. Đây là cơ sở do ông Trần Hoàng Minh (SN 1942, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) thành lập.

Tại đây, ông Minh giới thiệu chị Hà vào đội tuyển thể thao khuyết tật TP. Hồ Chí Minh. Sau vài tháng tập luyện miệt mài môn điền kinh với các nội dung ném đĩa, ném lao, đẩy tạ… chị Hà đã nhanh chóng bộc lộ tài năng.

Gia đình anh Lê Văn Khỏe. Ảnh: L.V.N

Gia đình anh Lê Văn Khỏe. Ảnh: L.V.N

Ngay tại lần đầu tiên tham gia Giải Thể thao người khuyết tật toàn quốc năm 2015 diễn ra tại tỉnh Đồng Nai, chị Hà đã giành 3 huy chương vàng ở nội dung ném lao, ném đĩa và ném tạ hệ F34 (hệ thi đấu dành cho người bại não). Từ năm 2015 đến năm 2019, chị Hà cũng giành nhiều huy chương vàng, bạc tại các giải đấu thể thao người khuyết tật toàn quốc.

Chị Hà bày tỏ: “Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ chơi được thể thao mà lại còn đạt huy chương ở các giải đấu toàn quốc như vậy. Được gia nhập “Gia đình mùa xuân” và tham gia thi đấu, tôi thêm tự tin, hòa đồng hơn với mọi người. Nhờ chính sách tập trung vận động viên, tôi cũng có thêm một khoản thu nhập”.

Ông Trần Hoàng Minh-người thành lập cơ sở cho người khuyết tật “Gia đình mùa xuân”: “Khỏe và Hà là một trong hàng trăm thành viên của “Gia đình mùa xuân”. Với nghị lực của mình, Khỏe và Hà đã tự tin làm chủ cuộc sống và giành được nhiều thành tích trong thể thao. Tôi rất vui vì 2 cháu đến với nhau và sinh được bé gái xinh xắn, đáng yêu”.

Với anh Khỏe, năm 2018, khi xin vào làm việc tại một xưởng gỗ ở TP. Hồ Chí Minh, anh cũng được giới thiệu vào đội tuyển điền kinh khuyết tật nơi chị Hà đang là vận động viên. Năm 2019, anh giành huy chương đồng tại Giải Thể thao người khuyết tật toàn quốc ở nội dung ném đĩa.

Tại đây, anh đã gặp được chị Hà và đem lòng yêu mến. Tình yêu chân thành của chàng trai miền sông nước Kiên Giang đã khiến cô gái Gia Lai xiêu lòng.

Cuối năm 2018, anh chị tổ chức đám cưới. “Tôi biết mình chẳng được như người ta nên khi anh Khỏe ngỏ lời yêu, tôi cũng e ngại vì không biết anh ấy có thật lòng với mình không, mình có trở thành gánh nặng không, rồi có thể sinh con đẻ cái bình thường không.

Cha mẹ muốn tôi ở Gia Lai để tiện bề chăm sóc, còn anh ấy lại ở tận Kiên Giang, khác biệt nhiều thứ. Nhưng dần dà, tôi cảm nhận được tình yêu chân thật của anh nên đã quyết định đi đến hôn nhân”-chị Hà chia sẻ.

Tình yêu ấy đã kết trái ngọt khi năm 2021, chị Hà hạ sinh bé Lê Khánh Vy. Thấy Vy mạnh khỏe, bà Viễn không ít lần bế cháu mà rơi nước mắt hạnh phúc. Bà càng vui hơn khi từ năm 2020, vợ chồng chị Hà dọn hẳn về Gia Lai sống với ông bà.

Anh Khỏe giãi bày: “Ở Gia Lai, mọi thứ dễ chịu, thuận lợi hơn Kiên Giang. Tôi phụ giúp cha mẹ trông coi việc đồng áng, còn vợ trông chiếc lán nhỏ bán tạp hóa. Cuộc sống còn khó khăn nhưng vui, nhất là con gái khỏe mạnh, khôn lớn từng ngày”.

Có thể bạn quan tâm

Thư viện từ những bông hoa

Thư viện từ những bông hoa

Hoa là tượng trưng cho vẻ đẹp, sách là sản phẩm tri thức. Các bạn trẻ trong nhóm “Thư viện từ những bông hoa” đã tích hợp hai yếu tố đó làm một để chở theo những giấc mơ, mở ra chân trời mới cho trẻ em nghèo vùng cao.

Trao yêu thương đầu năm mới

Trao yêu thương đầu năm mới

(GLO)- Ngay khi năm mới 2025 vừa sang, nhiều hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng đã diễn ra trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Tinh thần trao yêu thương đầu năm mới chính là lời cam kết đầy tình người, rằng không ai bị bỏ lại phía sau.

Lan tỏa tình yêu đất nước cho thế hệ trẻ từ công trình “Đường cờ Tổ quốc”

Lan tỏa tình yêu đất nước cho thế hệ trẻ từ công trình “Đường cờ Tổ quốc”

(GLO)- Nhằm khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước trong mỗi người dân, đặc biệt là các bạn trẻ, một số tổ chức Đoàn-Hội trên địa bàn TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã thực hiện công trình “Đường cờ Tổ quốc”, “Đường cờ Đảng” tại các thôn, làng. 

Cô giáo Gen Z truyền cảm hứng học tiếng Anh cho học sinh Pleiku

Cô giáo Gen Z truyền cảm hứng học tiếng Anh cho học sinh Pleiku

(GLO)- Với tấm bằng IELTS 8.0, Mai Ngọc Anh (SN 2000)-Chủ nhiệm Câu lạc bộ tiếng Anh TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã truyền cảm hứng học tập cho nhiều học sinh ở TP. Pleiku. Nhiều hoạt động hướng về cộng đồng được cô giáo Gen Z triển khai giúp thanh thiếu nhi có thêm những kỹ năng giao tiếp bổ ích.

Nữ bác sĩ quân y tận tụy với công việc

Nữ bác sĩ quân y tận tụy với công việc

(GLO)- Đại úy Trần Thị Thu Hà-Trợ lý Quân y (Ban Hậu cần-Kỹ thuật, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai) là điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua quyết thắng của lực lượng vũ trang tỉnh. Đặc biệt, chị còn hoàn thành tốt nhiệm vụ tại Hội thao Quân sự quốc tế 2022 (Army Games) tại Liên bang Nga.

Những bước chân không mỏi trao yêu thương

Những bước chân không mỏi trao yêu thương

Gắn với nghiệp “gieo chữ”, những giáo viên vùng cao, giảng viên trẻ chung bầu nhiệt huyết, họ luôn giữ và thắp lên ngọn lửa tri thức, mang ánh sáng, trao những yêu thương, truyền cảm hứng gieo hy vọng cho bao thế hệ học trò vững vàng tiến bước.