Tiến sĩ 9X về quê sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ bỏ cơ hội làm việc tại Nhật Bản, tiến sĩ trẻ Lê Trọng Lư (34 tuổi, ở xã Ea Bar, H.Sông Hinh, Phú Yên) trở về quê hương thực hiện ước mơ sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã ấp ủ từ nhỏ.

Chia sẻ lý do từ bỏ cơ hội phát triển ở nước ngoài, anh Lê Trọng Lư cho biết: "Từ nhỏ tôi đã rất thích trồng rau, hoa. Cứ tan học, có thời tôi lại chạy về nhà ông bà cuốc đất để trồng rau. Lớn lên tôi xác định mình sẽ đi học nông nghiệp để về làm nông".

Mùa thu hoạch sầu riêng đầu tiên của anh Lư

Mùa thu hoạch sầu riêng đầu tiên của anh Lư

Anh Lư kể: "Biết đến sản xuất nông nghiệp hữu cơ là lúc tôi còn nhỏ, có một chương trình về nông nghiệp khoa học trên

ti vi, các nhà khoa học Nhật Bản trồng lúa trong nhà theo mô hình plant factory (nhà máy trồng trọt thực vật khép kín). Lúc đó, tôi thấy nó rất hay và ước gì mình có cơ hội được đặt chân đến Nhật Bản để học tập cái hay đó của họ, vì thế tôi đã không ngừng cố gắng học tập".

Như mong đợi, năm 2017, anh Lư nhận được học bổng tiến sĩ ngành nông nghiệp của chính phủ Nhật Bản và theo học tại Trường ĐH Ryukyu. Cuối năm 2021, sau khi kết thúc chương trình đào tạo tiến sĩ, anh từ bỏ cơ hội làm việc ở Nhật để trở về quê hương.

Hơn 3 năm sinh sống, học tập tại Nhật, lĩnh hội những kiến thức khoa học chuyên sâu về sinh học cây trồng, anh Lư tự tin với quyết định của mình. Về quê nhà, anh bắt tay vào chuyển đổi sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho 3 ha vườn sầu riêng nhà mình. Hằng ngày, anh quan sát, ghi chép nhật ký cây trồng một cách cẩn thận, áp dụng các kiến thức về vi sinh vật vào chăm sóc sầu riêng mà không sử dụng bất kỳ phân hóa học hay các loại hóa chất phòng trừ sâu bệnh.

"Năm đầu tiên về đây, tôi chuyển đổi sản xuất nông nghiệp hữu cơ đối với cây sầu riêng trong vườn nhà mình, chi phí đầu tư tuy cao nhưng tôi chấp nhận. Hai năm đầu tiên, vườn sầu riêng cho kết quả rất tốt, cây phát triển rất mạnh mẽ. Cuối vụ, tuy sản lượng chưa nhiều vì cây chưa đúng tuổi nhưng sầu riêng của tôi được một số đơn vị cung ứng sản phẩm hữu cơ ở TP.HCM và Hà Nội thu mua với giá cao hơn từ 15 - 20% so với các loại sầu riêng khác. Với giá bán dao động từ 70.000 - 90.000 đồng/kg, 3 ha sầu riêng cho thu nhập khá tốt", anh Lư chia sẻ.

Đang trên đà phát triển tốt thì đến năm thứ 3, do không sử dụng thuốc nên sâu bọ từ các vườn khác bắt đầu đổ về tấn công vườn của anh Lư, làm cây chết khá nhiều. Anh buộc phải chuyển sang sản xuất theo chuẩn GAP đến khi cây ổn định thì tiếp tục chuyển sang hữu cơ. Bên cạnh đó, anh còn đang nghiên cứu để tăng 2 vụ/năm cho cây sầu riêng nhưng vẫn đủ sức cho cây phát triển tốt mà không cần dùng thuốc kích thích.

Anh Lư cũng cho biết trong năm nay sẽ bắt tay vào thử nghiệm trồng rau và dâu tây theo mô hình plant factory, nếu cho hiệu quả tốt anh sẽ thiết kế, xây dựng nông trại theo hướng mô hình du lịch trải nghiệm kết hợp sản xuất nông nghiệp sạch.

Anh Hồ Vĩnh Hưng, Bí thư Huyện đoàn Sông Hinh (Phú Yên), cho biết: "Anh Lư là một tiến sĩ trẻ, từ chối những cơ hội làm việc ở nước ngoài để về quê viết nên câu chuyện khởi nghiệp nông nghiệp hữu cơ của riêng mình. Việc làm này đã thể hiện tinh thần của người thanh niên dám nghĩ, dám làm. Tôi hy vọng với kiến thức của mình, sự quan tâm tạo điều kiện của lãnh đạo địa phương, anh Lư sẽ giúp nông nghiệp H.Sông Hinh nói riêng và tỉnh Phú Yên ngày càng phát triển".

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…