Khóc cười cùng hoa tết  

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Có cầu ắt có cung, nghề bán hoa tết cứ đến hẹn lại lên.

Có nghề chỉ xuất hiện vào những ngày cận tết và người chọn công việc đó thực sự phải “chạy”, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Trong cuộc mưu sinh ấy, đôi khi vui với khoản tiền lời nhưng lắm lúc nước mắt cũng trào ra vì buồn tủi...

Người Việt đón tết, khó khăn đến mấy cũng cố kiếm về nhà “tí” quất, cúc, mai, đào… lấy không khí xuân. Có cầu ắt có cung, nghề bán hoa tết cứ đến hẹn lại lên.

 

 Đã 20 tháng chạp nhưng khu vực hoa tết phía trước quảng trường Hồ Chí Minh (TP.Đồng Hới) vẫn vắng người hỏi mua, chỉ có người bán ngồi chờ. Ảnh: Nguyễn Phúc
Đã 20 tháng chạp nhưng khu vực hoa tết phía trước quảng trường Hồ Chí Minh (TP.Đồng Hới) vẫn vắng người hỏi mua, chỉ có người bán ngồi chờ. Ảnh: Nguyễn Phúc

Buôn hoa tết như… ngồi đọt cây


Đã 20 tháng chạp nhưng khu vực phía trước quảng trường Hồ Chí Minh (TP.Đồng Hới, Quảng Bình) vẫn chưa có nhiều hàng hoa bày biện. Mọi năm, tầm này, khu vực này đã ngập trong mai, quất, cúc… Muốn len vào trong để chọn mua hoa cũng mướt mồ hôi.

10 giờ sáng, chỉ lèo tèo dăm người khách đến ngó nghiêng theo cái cách "không phải là khách hàng tiềm năng”, càng khiến cánh buôn hoa ngao ngán. “Đang lo đây, người ta bảo năm nay kinh tế khó khăn, chứng khoán rớt, đất đứng, ngân hàng không cho vay nên doanh nghiệp đang… thở ô xy hết cả, người dân cũng không có tiền. Sáng giờ chả có ma nào hỏi. Thôi kể cả chú không mua thì vờ hỏi giá cho tôi cái… để xả xui”, chị Lê Thị Liên, một tiểu thương buôn hoa, nói. Chị bịt khẩu trang kín mít, chỉ để lộ đôi mắt được kẻ vẽ khá đậm, đoán chừng trên dưới 40 tuổi.

Gia đình chị Liên quanh năm làm nghề buôn bán. Cứ “việc chi ra tiền thì làm”. Nhưng tết đến là đi buôn hoa, đã ngót 10 năm. Suốt ngần ấy thời gian, gia đình chị chỉ bày bán hoa ở một vị trí này. “Nói thật, đã đi buôn thì ít nhiều chi cũng phải có lời. Nhưng mỗi mùa buôn hoa tết với gia đình tôi cũng như bước vô… trò đuổi bắt. Tết “chạy” tới mô là chúng tôi “chạy” theo, tính tới đó. Năm nay lo hơn mọi năm, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm bán, dù lấy ít hàng hơn”, chị Liên chia sẻ.

Chỉ mới 28 tuổi, Hồ Sĩ Hùng, cậu trai vạm vỡ có “vườn hoa” ở cạnh khu bày bán hoa của chị Liên, cũng đã có 5 năm “ăn tết theo… hoa”. Năm nay anh chỉ nhập về 70 chậu quất và 100 cặp cúc. Trước khoảng 2 tháng, anh phải lặn lội vào nhà vườn ở Quảng Nam để đặt hàng. Ở đó chủ vườn chỉ cho đặt đại trà, nếu lựa từng chậu giá đắt hơn, đặt cọc nửa tiền và khi chở cây về Quảng Bình thì phải xuống tiền đủ. “Ai cũng bảo người trồng hoa cực. Nào là chân tay lấm lem, phụ thuộc ông trời. Nhưng chỉ cần họ bán hoa cho chúng tôi là họ đã… có tết. Còn chúng tôi đây, khi đã vận cái nghiệp này vào thân thì không dám nghĩ đến tết luôn”, Hùng tâm sự. Nhiều người có lý do để nói nghề buôn hoa tết cứ thấp thỏm, rủi ro như ngồi trên đọt cây.

 

Ánh mắt lo lắng của một người buôn hoa tết
Ánh mắt lo lắng của một người buôn hoa tết


“Ngủ gió nằm sương” canh hoa

Những người buôn hoa tết thường bắt đầu công việc sau 15 tháng chạp và kết thúc vào chiều 30 tết. Vì thời gian khá dài, tiền bạc lại đổ hết vào mấy chậu hoa xuân, đồng tiền đi liền khúc ruột nên chỉ thiếu nước họ… bưng cả ngôi nhà mình ra đây để canh hoa.

Tôi bắt gặp Đặng Xuân Phường (29 tuổi, quê ở xã Phú Thủy, H.Lệ Thủy, Quảng Bình) đang nằm thườn trong chòi tôn rộng chừng 7 m2 ở khu chợ hoa. Có vợ và 2 con, Phường quanh năm mưu sinh bằng nghề khai thác cây tràm, nhưng đến cận tết ngớt việc thì lại quay về TP.Đồng Hới canh hoa cho người bà con. “Mọi năm cứ xuống đây trông hoa 10 ngày nửa tháng thì được chục triệu đồng đưa về cho vợ con trước thời điểm giao thừa”, Phường nói.

Công việc hằng ngày của Phường bắt đầu từ 3 giờ sáng: tưới cây. Việc này lặp lại vào 17 giờ. Ban ngày, gặp lúc khách đến xem hoa, anh cũng lon ton làm chân báo giá cho người mua, bưng chậu cây lên xe cho cánh cửu vạn. Sự vất vả chỉ bắt đầu từ quãng khuya về sáng, khi chủ vườn đã về, chỉ còn Phường trong căn chòi tôn, giữa gió lạnh và hàng trăm chậu hoa cần canh giữ. “Cứ phải thức và căng mắt mà ngó nghiêng, chứ biết làm sao. Buồn ngủ lại uống cà phê, nước tăng lực, đói lại pha mì gói, chốc lại đi quanh kiểm tra. Bởi nếu mất vài chậu là toi tiền công mấy đêm thức canh”, Phường nói. Khi được hỏi về “tình hình tết” năm nay, Phường chỉ ngắn gọn: “Vợ con tự lo, chơ biết răng!”.

Không phải ai cũng kiếm được người trông hoa như anh Phường để thuê. Như anh Đặng Ngọc Lân, lỡ đổ 200 triệu đồng vào mấy chục chậu mai Bình Định, nên phải mang mùng mền chăn chiếu ra khu vực bán hoa để “ngủ gió nằm sương”. Anh cũng chẳng có cái chòi tôn nào nên chỉ căng tấm bạt tạm bợ. “Dám chơi dám chịu. Cứ vậy đã, đến đâu hay đó. Giờ có bão tôi cũng ở đây chứ không chạy đâu hết”, anh quả quyết.

 

Căn chòi tôn khoảng 7 m2 là nơi cư ngụ của anh Phường trong 15 ngày canh hoa
Căn chòi tôn khoảng 7 m2 là nơi cư ngụ của anh Phường trong 15 ngày canh hoa.


Chạnh lòng chiều 30 tết

Bán hoa tết không đơn giản chỉ là nhập hoa, chọn địa điểm trưng ra và bán lấy tiền về. Để kiếm đôi đồng lời, ngoài những đêm chong đèn điện, thức nằm canh, người bán hoa còn đối diện với nạn bảo kê, trấn lột… Lý lẽ của những cái vỗ vai của giang hồ cũng khá giống với những tiếng lè nhè của bọn nghiện hay người say xỉn: Xì tiền ra thì yên ổn, không có tiền chớ trách ngày sau chậu bể, cành gãy, hoa tả tơi! Thường cánh buôn hoa chỉ có một lựa chọn: đưa tiền để mua lấy sự bình yên.

Nhưng ám ảnh nhất với cánh buôn hoa tết vẫn là khoảnh khắc chiều 30. Bởi tâm lý của một bộ phận không nhỏ người dân thường đinh ninh rằng: Chờ càng sát thời khắc giao thừa thì hoa càng rẻ, thậm chí rẻ như cho. Suy nghĩ này không hẳn là sai, bởi đôi khi nhà buôn đến thời điểm đó đã quá mệt mỏi, sẵn sàng bán tống bán tháo, thậm chí bán lỗ để kịp về với nhà lo tết. Nhưng nhiều nhà buôn “chơi tới cùng”, quyết không giảm giá bán.

 

 Luôn có những cuộc “ngã giá” giữa người mua và người bán
Luôn có những cuộc “ngã giá” giữa người mua và người bán.


Hẳn đã có rất nhiều người chạnh lòng vào những buổi chiều 30 tết nhập nhoạng, khi ai cũng tìm cách về nhà thật nhanh để lo mâm cúng và có bữa cơm sum vầy, còn những nhà buôn hoa vẫn đứng bần thần giữa những chậu hoa chưa kịp bán. Trên mạng xã hội từng lan truyền hình ảnh nhà buôn đập nát những chậu quất, chậu hoa chứ không chịu bán với giá rẻ mạt trong chiều 30 tết. Riêng chị Liên, người buôn hoa tết suốt 10 năm qua ở khu vực phía trước quảng trường Hồ Chí Minh (TP.Đồng Hới), chưa từng đập bỏ chậu nào. Chị chọn cách mang những chậu hoa bán không kịp đi tặng cho chùa, những nơi có đình làng, miếu mạo hay tặng người vô gia cư. “Thôi lỡ thua thì… xé nháp, sang năm làm lại. Lại chạy theo tết”, chị Liên nói. (còn tiếp)

Theo Nguyễn Phúc (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.