"Khoảng trống" xuất khẩu lao động - Kỳ 2: Nỗi đau không chỉ đong bằng nước mắt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Người mẹ Gia Rai không biết chữ, tiếng phổ thông câu được câu mất chưa từng nghĩ trong đời mình lại có lúc phải nhờ người làm đơn, rồi thuê người dịch sang tiếng Anh để khẩn cầu các cơ quan chức năng đưa thi hài đứa con gái chưa tròn 18 tuổi từ nước ngoài về lại quê nhà.
Hành trình vời vợi
Một ngày tháng 8-2018, H’Xuân Siu (dân tộc Gia Rai, SN 2003) lặng lẽ gói ghém hành lý chỉ vài bộ quần áo rời buôn Tơ Roa, xã Cư A Mung, huyện Ea H’leo để đi theo người của công ty môi giới mà không có lấy một mảnh giấy tờ tùy thân. Mãi 3 tháng sau, H’Xuân mới liên lạc về cho mẹ là bà H’Ger Siu báo tin đang ở tỉnh Thanh Hóa và học tiếng Ả rập Xê út để chuẩn bị ra nước ngoài làm giúp việc gia đình. Khi ấy, H’Xuân mới hơn 14 tuổi.

Bà H’Ger Siu bên di ảnh của con gái H'Xuân Siu.
Bà H’Ger Siu bên di ảnh của con gái H'Xuân Siu.
Nhớ lại ngày con ra đi, bà H’Ger Siu không thôi day dứt vì đã không biết để ngăn cản con ngay từ đầu. Chồng mất sớm, đất canh tác ít, một mình bà H’Ger nuôi 5 đứa con quá vất vả. Hết mùa đi làm thuê, bà lại theo thanh niên trong buôn đi rừng kiếm cái ăn cho con. H’Xuân là con thứ tư trong nhà vì vậy đã nghỉ học từ khi mới học lớp 4, được giao ở nhà trông em út. Bà bảo, chắc nó thấy gần nhà có người đi xuất khẩu lao động thường gửi tiền về, lại nghe lời những người môi giới nói làm việc “bên đó” sướng lắm, chỉ phải dọn dẹp nhà cửa nhẹ nhàng, được ăn ngon, mặc đẹp, được đi tham quan… nên mới nhất quyết giúp gia đình bằng con đường xuất ngoại.
Trong suốt thời gian ở nước ngoài, cứ vài ba tháng, H’Xuân lại gửi tiền về cho mẹ và liên lạc thường xuyên với gia đình qua các trang mạng xã hội. Tháng 7-2021, gia đình nhận được tin báo của H’Xuân là đang chuẩn bị hành lý để ra sân bay trở về nước. Tuy nhiên, mọi liên lạc sau đó bị đứt đoạn. Đến ngày 18-7, gia đình bàng hoàng khi nhận được tin báo là H’Xuân đã tử vong ở xứ người do suy tim, viêm phổi ngạt thở, máu đông trong phổi.
Nhìn di ảnh H'Xuân, bà H’Ger Siu vẫn không tin rằng con đã mất bởi vẫn chưa được tận mắt nhìn thấy thi hài con dù đã hơn 3 tháng trôi qua. Thủ tục đưa thi hài em trở về còn nhiều khó khăn do dịch bệnh cùng những sai lệch về thông tin nhân thân.
Mưu sinh xứ người khi mới tuổi 15?
Trong đơn trình báo gửi các cơ quan chức năng, bà H’Ger Siu đề nghị làm rõ việc H’Xuân Siu có giấy khai sinh và hộ khẩu thường trú tại xã Cư A Mung, huyện Ea H’leo với ngày sinh 30-10-2003 nhưng trên hộ chiếu số C5734693 được cấp lại có ngày sinh 30-10-1996, thường trú tại tỉnh Gia Lai. Thời điểm được người môi giới của bên xuất khẩu lao động đưa đi làm các thủ tục, H’Xuân là người chưa thành niên, chưa đủ tuổi lao động và đã bị làm giả các thông tin nhân thân. Bà H’Siu cũng đề nghị làm rõ nguyên nhân tử vong của H’Xuân vì gia đình nghi ngờ em bị ngược đãi, đánh đập trong thời gian làm việc ở Ả rập Xê út.

H'N Niê vẫn còn nhiều ám ảnh sau khi trở về sau thời gian bôn ba kiếm tiền trên đất khách.
H'N Niê vẫn còn nhiều ám ảnh sau khi trở về sau thời gian bôn ba kiếm tiền trên đất khách.
Trên hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư không có H’Xuân Siu sinh ngày 30-10-1996 mà chỉ có H’Xuân Siu sinh ngày 30-10-2003, hộ khẩu thường trú tại xã Cư A Mung, huyện Ea H’leo. Chính vì vậy, khi gia đình H’Xuân đến làm thủ tục ủy quyền để đưa thi hài H’Xuân Siu, sinh ngày 30-10-1996 về nước, UBND xã đã không thể xác nhận”.
Chủ tịch UBND xã Cư A Mung Nguyễn Thành Trung
Đi xuất khẩu lao động cùng với H’Xuân trong hành trình định mệnh ấy còn người bạn cùng buôn là H’N.Niê (SN 2003). H’N. kể, cả hai là bạn thân từ nhỏ, ở gần nhà, lại cùng cảnh mồ côi cha, nghèo khó. Nghe những người môi giới mời chào đi xuất khẩu lao động, cả hai đều rất sợ vì chẳng mấy khi ra khỏi buôn làng, huống chi đây là đi nước ngoài làm việc. Khi hai em còn lưỡng lự thì người môi giới liên tục gọi điện và hứa hẹn sẽ cho các em làm việc cùng nhà chủ, điều kiện tốt, làm việc nhẹ.
Thế nhưng, khi tin lời rồi đi cùng họ ra tỉnh Thanh Hóa học tiếng và chờ làm thủ tục, họ bắt đầu ép các em phải tuân thủ lộ trình, nếu bỏ về nhà sẽ phải đền một khoản tiền lớn cho công ty. Hai em xuất phát trên hai chuyến bay khác nhau, đến những nơi khác nhau để làm việc và chỉ được liên lạc qua điện thoại chứ không hề có một cuộc gặp mặt nào trên đất khách. Ngay cả hộ chiếu và các thủ tục liên quan thì cũng phải đến khi ra sân bay em mới được công ty cung cấp. Năm sinh của H’N. trên hộ chiếu là 1997, còn H’Xuân là 1996, địa chỉ thường trú đều ở tỉnh Gia Lai.
Công việc tại Ả rập Xê út không nhàn hạ như những lời giới thiệu, H’N. thường xuyên phải làm việc liên tục gần 20 tiếng mỗi ngày. Thiếu ngủ, thức ăn không hợp khẩu vị, bất đồng ngôn ngữ và văn hóa, H’N. thường xuyên bị đau đầu, nôn mửa. Em đấu tranh đòi đổi nơi làm việc. Đổi chủ nhà đến lần thứ ba, H’N. vẫn không thích nghi được, em nhất quyết đòi được trở về nước sau hơn 1 năm bám trụ, tự đền hợp đồng bằng chính những đồng lương kiếm được. Hiện, hộ chiếu cùng chứng minh nhân dân có thông tin sai lệch của H’N. đã bị công an thu giữ. Em cũng đã được cấp căn cước công dân mới theo đúng ngày sinh thật là 4-4-2003. Như vậy, khi làm thủ tục xuất khẩu lao động, H’N. chỉ mới 15 tuổi!?
(Còn nữa)
Kỳ cuối: Để người dân đi đúng hướng trên con đường thoát nghèo
Lê Hương - Đinh Nga (Báo Đắk Lắk)

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.