Khi hương ước, quy ước đi vào cuộc sống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước ngày càng được các địa phương trong tỉnh chú trọng, góp phần thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Hình thành nếp sống văn minh
Từ đầu năm đến nay, các hội, đoàn thể làng Brò (xã An Trung, huyện Kông Chro) đã tổ chức nhắc nhở, kiểm điểm công khai 20 trường hợp vi phạm các quy định của hương ước; đồng thời, phạt 3 trường hợp chạy xe máy rú ga trong khu dân cư, tảo hôn và mâu thuẫn gia đình. Lấy tờ giấy phạt cất trong túi áo, ông Đinh Xuân (làng Brò) chậm rãi kể: “Bình thường không sao, hễ quá chén là mình chửi vợ, đánh con, đập phá đồ đạc gây ảnh hưởng đến làng xóm. Ban Nhân dân, Ban Công tác Mặt trận làng cũng đã nhiều lần đến nhắc nhở nhưng mình không nghe. Mới đây, mình bị đưa ra kiểm điểm và phạt 500 ngàn đồng. Mình xấu hổ với mọi người lắm. Từ nay, mình hứa sẽ tuân theo hương ước của làng và không dám tái phạm”.
Theo ông Đinh Hréch-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Brò, dân làng luôn chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực hiện nghiêm những quy định của hương ước. Đầu năm 2022, dân làng đã đóng góp, bổ sung ý kiến nhằm điều chỉnh bản hương ước để phù hợp với tình hình mới và được ngành chức năng thẩm định nội dung, UBND huyện ký quyết định ban hành. Theo đó, hương ước có 8 chương, 18 điều, tập trung vào việc cưới, việc tang, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ chính quyền, bảo vệ cảnh quan môi trường, an ninh trật tự, an toàn xã hội… “Nội dung của hương ước do dân làng đặt ra, phù hợp với pháp luật và phong tục tập quán, lối sống tốt đẹp. Đến nay, làng đã hoàn thành 18/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đời sống người dân từng bước được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm”-ông Hréch cho hay.
Ông Đinh Hréch-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Brò (bìa phải, xã An Trung, huyện Kông Chro) tuyên truyền người dân thực hiện nghiêm các quy định trong hương ước. Ảnh: Ngọc Minh
Ông Đinh Hréch-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Brò (bìa phải, xã An Trung, huyện Kông Chro) tuyên truyền người dân thực hiện nghiêm các quy định trong hương ước. Ảnh: Ngọc Minh
Với 8 năm liên tiếp được công nhận làng văn hóa, người dân làng Wâu (xã Chư Á) luôn tự giác chấp hành hương ước, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Trưởng thôn Hưn cho hay: Dân làng luôn đoàn kết làm theo hương ước, bảo vệ cái hay, cái đẹp và bài trừ hủ tục, cùng nhau xây dựng quê hương. “Năm 2022, làng đã hòa giải thành công 3/3 vụ mâu thuẫn trong người dân. Bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống người dân ngày càng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,05%. Đặc biệt, năm 2019, làng đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và đang hướng đến làng nông thôn mới nâng cao vào năm 2025”-Trưởng thôn Hưn nói.
Nâng cao chất lượng hương ước, quy ước
Toàn tỉnh hiện có hơn 1.500 hương ước, quy ước được phê duyệt và đưa vào thực hiện, hầu hết tập trung vào nội dung bài trừ các tập tục lạc hậu, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Việc thực hiện hương ước, quy ước đã góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội của địa phương.
Ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku-cho biết: Toàn thành phố có 175/175 thôn, làng, tổ dân phố (trong đó có 43 làng dân tộc thiểu số) có hương ước, quy ước. Tất cả hương ước, quy ước đều dựa trên các quy định của pháp luật và phù hợp thực tế, bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần gắn kết cộng đồng dân cư.
Ban Nhân dân, Ban Công tác Mặt trận cùng các đoàn thể làng Brò (xã An Trung, huyện Kông Chro) hướng dẫn người dân ký cam kết thực hiện hương ước. Ảnh: Ngọc Minh
Ban Nhân dân, Ban Công tác Mặt trận cùng các đoàn thể làng Brò (xã An Trung, huyện Kông Chro) hướng dẫn người dân ký cam kết thực hiện hương ước. Ảnh: Ngọc Minh
“Thời gian tới, thành phố sẽ phối hợp, rà soát, điều chỉnh những quy định trong hương ước, quy ước không phù hợp với thuần phong mỹ tục, đời sống kinh tế của từng khu dân cư và quy định của pháp luật; phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị ở thôn, làng, tổ dân phố trong công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện nghiêm hương ước, quy ước, đoàn kết tham gia phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa. Thành phố cũng sẽ tiếp tục đưa công tác xây dựng nếp sống văn minh đô thị vào quy ước, hương ước, coi đây là một tiêu chí bình xét thi đua hàng năm”-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku cho hay.
Còn ông Đinh Văn Súy-Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro thì cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn tiến hành hướng dẫn xây dựng, điều chỉnh bổ sung, sửa đổi hương ước, quy ước cho phù hợp với tình hình thực tế. Cùng với đó, chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, hệ thống chính trị ở thôn, làng, tổ dân phố tập trung vận động người dân nêu cao tinh thần đoàn kết, cùng nhau xây dựng và thực hiện tốt các nội dung hương ước, quy ước, tạo sự thống nhất cao trong cộng đồng dân cư.
NGỌC MINH - QUANG TẤN

Có thể bạn quan tâm

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.
Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Nhằm góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, em Võ Siu Hoài An (lớp 12C1) cùng Lê Quốc Huy (lớp 10C1, Trường THPT Phạm Văn Đồng, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) triển khai Dự án “Bảo tồn và phục dựng lễ mừng lúa mới của đồng bào Jrai tại làng Bồ, xã Ia Yok”.