Bác sĩ “chê”, khuyên họ về xin trứng làm thụ tinh trong ống nghiệm. Vậy mà như một phép màu, những phụ nữ hiếm muộn ấy đã sinh con trong sự ngỡ ngàng của nhiều người và cả chính họ.
|
Người cha hiếm muộn mừng vui vì có con ruột ẢNH: NHƯ LỊCH |
May mắn thay, tôi nằm trong những trường hợp đặc biệt đó. Thời điểm phát hiện mình được “hai vạch”, tôi mừng đến phát cuồng. Chạy vội ra hiệu thuốc, tôi mua thêm 5 que thử thai (thuộc nhiều nhãn hiệu cho chắc ăn!) và sử dụng hết trong buổi sáng ấy... Từng ở đáy tuyệt vọng, từng khao khát đứa con đến cháy lòng, tin vui đến với tôi quá đỗi to lớn và nghẹn ngào.
Chờ ly dị, “bỗng dưng” thụ thai
Đến nay, tôi vẫn nhớ rõ hôm vợ chồng tôi đi khám hiếm muộn tại một bệnh viện phụ sản ở TP.HCM. Đó là ngày 12.11.2014, bác sĩ tên Đ.N.K đã viết vào “Phiếu kết quả xét nghiệm” của tôi: Thụ tinh trong ống nghiệm - Xin trứng. Bà giải thích rằng tôi đã 39 tuổi và dự trữ buồng trứng cạn kiệt quá mức (nồng độ AMH của tôi chỉ còn 0.1 ng/ml, trong khi ở phụ nữ khỏe mạnh và dưới 38 tuổi, nồng độ AMH bình thường dao động từ 2.0 - 6.8ng/ml). Nữ bác sĩ nhấn mạnh: “Chị mà có con tự nhiên, coi như chị trúng số độc đắc lần hai đó”. Trời ơi, trúng độc đắc một lần trong đời đã là hy hữu, huống chi mơ trúng độc đắc lần hai!
Chồng tôi là con trai trưởng, ba mẹ chồng chưa có đứa cháu nội nào nên có phần sốt ruột chuyện con cái của chúng tôi. Trước đó, vợ chồng tôi điều trị hiếm muộn ở phòng mạch bằng biện pháp tiêm kích trứng. Tuy nhiên, trứng của tôi như trái cây chín háp, còn nhỏ hoặc lép đã rụng... Trong lúc tôi chán nản suy sụp, chồng tôi bình tĩnh nói: “Tụi mình nên bồi bổ thêm thuốc bắc. Đừng nghĩ gì xa xôi, trước mắt chỉ biết uống thuốc cho có sức khỏe tốt hơn thôi”. Thật may mắn, sau khoảng một năm dùng thuốc đông y, tôi đã có thai và sinh được một bé trai.
|
Vợ chồng chị Thái Trường Kim Thi (ngụ tỉnh Kiên Giang) có con sau 20 năm vô sinh |
Trường hợp có con của chị Linh Đan (quê Long An, làm việc trong lĩnh vực truyền thông tại Q.1, TP.HCM) cũng khá đặc biệt. Chị Đan kể trong suốt ba năm, vợ chồng chị chạy chữa hiếm muộn nhiều nơi, kể cả hai lần thụ tinh trong ống nghiệm đều không thành công. Niềm hy vọng mong manh của chị tan biến sau thông báo của bác sĩ: “Tui đành nói thẳng lần cuối là chị không thể có con. Chị bị suy buồng trứng sớm, can thiệp đủ cách nhưng nang noãn không phát triển”.
Nghe vậy, chị Đan bật khóc. Chị gọi điện cho chồng mình, hẹn ra công viên 23.9 nói chuyện. Vừa gặp chồng, chị sụt sùi: “Em đã nói là em không thể có con, nhưng anh chẳng tin. Giờ nguyên nhân đã rõ ràng, em thấy mình cần giải thoát cho nhau, để anh đi lấy vợ khác”. Người chồng an ủi: “Không sao đâu em, con cái là duyên nợ. Còn nước còn tát”. Chị Đan cay đắng: “Người ta còn nước mới tát, mình có nước nữa đâu mà tát? Để em báo cha mẹ em gặp cha mẹ anh, rồi tụi mình chính thức chia tay”.
Mặc cho chị Linh Đan tỏ thái độ nghiêm trọng, chồng chị vẫn nhẫn nại dò hỏi địa chỉ những thầy thuốc đông y uy tín. Anh thuyết phục vợ rằng bên tây y đã "chê" và chị đành bỏ cuộc, vậy nên chuyển sang đông y coi có cơ hội nào không. Trong ba tháng chờ cha mẹ thu xếp công việc để lên TP.HCM giải quyết chuyện hôn nhân của mình, chị Đan “miễn cưỡng” uống những thang thuốc bắc. Và, không biết chị “miễn cưỡng” sinh hoạt vợ chồng thế nào, để rồi bỗng dưng phát hiện mình... có bầu. Ở tuổi 37 (năm 2012), chị Linh Đan sinh đứa con trai đầu lòng. Đến tuổi 40 (năm 2015), chị sinh đứa út. Gần đây, chị tâm tình trên Facebook: “Ta nói hổng có cái hạnh phúc nào mà hơn nữa. Cảm giác thật yên bình. Nhưng hỡi ôi khi về quê, ai cũng tưởng hai đứa cháu nội hay ngoại không hà! Thôi kệ, vậy là vui lắm lắm rồi, đâu có dám so kè với ai”.
Có con sau 20 năm hiếm muộn
Đầu năm 2020, gia đình chị Thái Trường Kim Thi (45 tuổi, ngụ ở TP.Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) vui mừng khôn xiết đón đứa con đầu lòng chào đời.
Vợ chồng chị Thi cùng làm việc tại Công ty điện lực Kiên Giang. Kết hôn năm 2000, anh chị “thả” tự nhiên, vô tư nghĩ rằng con cái... muốn ra lúc nào thì ra. Gần chục năm vẫn chưa có gì, người thân liên tục nhắc nhở, hai người đi khám mới hay: Vợ - tắc một vòi trứng, chồng - tinh trùng yếu.
Vốn lạc quan, song chị Thi cũng thấy hơi áp lực khi mẹ chồng hỏi: “Chừng nào có bầu hả con? Hổng lẽ tới chết má không nhìn được mặt cháu sao?”. Bạn bè trong cơ quan và ngoài xã hội thúc giục: “Chị già rồi đó, nhanh nhanh lên chớ”. Chị cho biết chị rất ghét những câu to nhỏ: Có con đi, đặng giữ chồng; Cây độc không trái gái độc không con; Ăn ở sao nên giờ không có con...
Chị Thi nhìn nhận càng về sau, ao ước có con càng bùng lên trong lòng chị. Đó là những khi chị nhìn mấy đứa cháu trong nhà chạy nhảy, nói cười lí lắc.
Mãi đến năm 2018, khi mọi chuyện gần như đã an bài, vợ chồng chị Thi được một đồng nghiệp làm chung cơ quan giới thiệu lên TP.HCM gặp bác sĩ Cao Hữu Thịnh - chuyên về sản phụ khoa, hiếm muộn và thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Thay vì xin trứng, chị Thi nằng nặc làm IVF bằng trứng tự thân. Kết quả: vợ chồng chị có được tất cả 7 phôi. Qua ba lần chuyển hết số phôi đó, chỉ có một phôi đậu thai! Hú hồn!
Chi Thi cho biết lần đầu chuyển phôi thất bại, chị làm mình làm mẩy “rất ghê” với chồng: “Giờ chuyển phôi không được rồi đó, anh có vợ khác đi”. Anh Khưu Văn Quang (49 tuổi, chồng chị Thi) tỉnh bơ: “Ủa, bộ khùng hả, phải có con mới sống được à”. Lần hai tiếp tục thất bại, chị Thi buồn rười rượi, anh Quang động viên: “Thôi kệ em ơi, không được thì thôi. Con cái là của trời cho mà”.
Có người khen anh Quang chịu đựng tốt trong những ngày sóng gió ấy, anh bày tỏ: Phụ nữ bị vô sinh hiếm muộn chịu sức ép tâm lý rất lớn. Người đàn ông cần chia sẻ để vợ vượt qua khủng hoảng, không nên giận lẫy đi ra ngoài tìm thú vui.
Thời gian mang thai, chị Thi còn phải vượt qua chặng đường gian nan, nhiều phen thót tim khi đi xét nghiệm. Nhớ lại hành trình kiếm con, chị rùng mình: “Tui tưởng có bầu đơn giản lắm, ai ngờ... Nguyên do là mình lớn tuổi quá mới có con. Bây giờ trong gia đình tôi, đứa cháu nào xác định bồ bịch là tôi kêu nó cưới ngay, cưới xong có con liền. Nếu bị hiếm muộn, phải đi khám chữa bệnh sớm mới có cơ hội, không được để như tôi”.
Trực tiếp đỡ đẻ cho chị Thi “mẹ tròn con vuông”, bác sĩ Cao Hữu Thịnh thở phào: “Điều trị cho chị Thi, trong lòng mình lo và hồi hộp muốn chết. Vì tuổi này làm thụ tinh trong ống nghiệm, tỷ lệ có thai chắc chỉ 1% và dù có thì gần như bị sảy, lưu hay dị tật hết”. Người thầy thuốc này dí dỏm kể về cái kết có hậu của đôi vợ chồng lớn tuổi đã hiếm muộn 20 năm: Một chuỗi may mắn đã giúp chị Thi vượt qua tất cả. Để rồi đầu năm nay, sau ca mổ khó muốn đuối, một em bé đẹp trai và trắng hơn bác sĩ chào đời đón năm mới! (còn tiếp)
Theo Như Lịch (Thanh Niên)