Khánh Hòa: Phát hiện nhiều vi khuẩn gây bệnh trong mẫu thực phẩm ở quán cơm gà

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chiều 18/3, Viện Pasteur Nha Trang thông báo kết quả kiểm nghiệm mẫu ngộ độc thực phẩm tại quán cơm gà trên đường Bà Triệu; trong đó có vi khuẩn Salmonella, Bacillus cereus và Staphylococcus aureus.
Bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Sài gòn-Nha Trang thăm khám cho bệnh nhi nghi do ăn thức ăn ở quán cơm, phở gà ở đường Bà Triệu, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. (Ảnh: TTXVN phát)

Bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Sài gòn-Nha Trang thăm khám cho bệnh nhi nghi do ăn thức ăn ở quán cơm, phở gà ở đường Bà Triệu, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. (Ảnh: TTXVN phát)

Cụ thể, có vi khuẩn Salmonella, Bacillus cereus và Staphylococcus aureus trong các mẫu kiểm nghiệm.

Theo Viện Pasteur Nha Trang, ngày 13/3 vừa qua, đơn vị đã tiếp nhận 14 mẫu gồm 4 mẫu thực phẩm, 4 mẫu bàn tay và 6 mẫu nước được bảo quản trong thùng kín có đá gel xung quanh, nhiệt độ bên trong thùng bảo quản mẫu là 4 độ C. Tiếp đó, ngày 15/3 vừa qua, đơn vị tiếp nhận thêm 1 mẫu thực phẩm và 4 mẫu bệnh phẩm liên quan đến vụ việc nói trên.

Kết quả, trong mẫu hành phi gửi mẫu ngày 13/3 phát hiện vi khuẩn Salmonella; rau (dưa chua) phát hiện vi khuẩn Bacillus cereus và vi khuẩn Escherichia coli; bàn tay bà L.T.B.L dương tính với Staphyloccocus aureus (tụ cầu vàng); trong mẫu nước máy tại vòi khu vực chế biến phát hiện vi khuẩn Escherichia coli và vi khuẩn Coliform; trong mẫu nước giếng lấy tại thùng chứa nước giếng dùng để rửa dụng cụ phát hiện vi khuẩn Escherichia coli, vi khuẩn Coliform và vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa.

Mẫu gửi "cơm chan sốt trứng" và "gà xé" do người dân mua còn lưu trữ gửi ngày 15/3 đều có Salmonella và Bacillus cereus, riêng mẫu gà xé có thêm Staphylococcus aureus; còn trong mẫu nuôi cấy phân của bệnh nhân có khuẩn Salmonella spp.

Theo lãnh đạo Sở Y tế, căn cứ kết quả kiểm nghiệm các mẫu thực phẩm, bệnh phẩm từ quán cơm gà trên đường Bà Triệu của Viện Pasteur Nha Trang và kết hợp các thông tin điều tra dịch tễ, triệu chứng lâm sàng, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh có báo cáo và nhận định đây là vụ ngộ độc thực phẩm do vi sinh vật (vi khuẩn: Salmonella spp, Bacillus cereus, Staphylococcus aureus) gây ra, bữa ăn có nguyên nhân gây ngộ độc là bữa trưa, chiều 11 và 12/3, cơ sở gây ra ngộ độc thực phẩm là quán cơm gà T. A trên đường Bà Triệu.

Tính đến 15 giờ ngày 18/3 đã có 367 ca nghi ngộ độc, trong đó có 252 ca nhập viện điều trị, còn lại được kê đơn ngoại trú. Hiện tại, chỉ còn 75 ca đang được theo dõi, điều trị tại các cơ sở y tế, bệnh viện.

Ông Trịnh Ngọc Hiệp, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa cho biết tất cả ca bệnh đã tạm ổn định, một số bệnh nhân còn triệu chứng đau bụng nhẹ, sốt giảm, đang được điều trị tại các cơ sở y tế theo phác đồ điều trị ngộ độc thực phẩm do khuẩn Salmonella. Công tác điều trị trong khả năng kiểm soát về chuyên môn của các đơn vị.

Một ca sản phụ nặng của những ngày trước, nay tình trạng bệnh đã được cải thiện nhiều, hết tiêu chảy, sinh hiệu ổn được. Bệnh nhân đã được chuyển khoa Nội tổng hợp thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa để tiếp tục điều trị.

Như phóng viên TTXVN đưa tin, ngày 13/3 vừa qua, hàng loạt người nhập viện do đau bụng, nôn ói, nghi do ăn thức ăn nhiễm khuẩn từ quán gà trên đường Bà Triệu, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa từ ngày 11/3. Lực lượng chức năng đã đình chỉ hoạt động quán ăn trên.

Có thể bạn quan tâm

TP. HCM: Bắt đầu công bố hết dịch sởi

TP. HCM: Bắt đầu công bố hết dịch sởi

Sáng 27-3, Sở Y tế TPHCM cho biết, hiện có 22 phường, xã thuộc Quận 1, 4 và huyện Củ Chi đủ điều kiện công bố hết dịch sởi, Sở Y tế đã có báo cáo và đề nghị UBND TPHCM ban hành quyết định công bố hết dịch sởi tại các phường xã này theo quy định.

Bác sĩ khám bệnh cho chị Ksor Hlai (làng Chan, xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ). Ảnh: N.N

Bệnh lao tiềm ẩn trong cộng đồng

(GLO)- Mỗi năm, toàn tỉnh Gia Lai phát hiện khoảng 700 bệnh nhân lao. Hiện vẫn còn khoảng 40% bệnh nhân lao tiềm ẩn trong cộng đồng, là nguồn lây lan bệnh nếu không kịp thời điều trị. Ngoài ra, số bệnh nhân lao kháng thuốc gia tăng đang là gánh nặng trong công tác phòng-chống lao tại tỉnh.

Bác sĩ Khoa Nội-Nhi-Nhiễm (Trung tâm Y tế TP. Pleiku) thăm khám cho bệnh nhi mắc sốt xuất huyết. Ảnh: N.N

Bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp

(GLO)- Từ đầu năm 2025 đến nay, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh Gia Lai diễn biến phức tạp, đặc biệt là bệnh sởi. Ngoài ra, năm nay còn được dự báo chu kỳ sốt xuất huyết có nguy cơ lây lan thành dịch. Trước tình hình đó, ngành Y tế đã chủ động tăng cường các biện pháp phòng ngừa.

5 khuyến cáo của Bộ Y tế đưa ra phòng chống bệnh sởi

5 khuyến cáo của Bộ Y tế đưa ra phòng-chống bệnh sởi

(GLO)- Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận khoảng 40.000 trường hợp nghi sởi, 5 trường hợp tử vong liên quan đến sởi; số trường hợp nghi sởi ghi nhận cao nhất tại khu vực miền Nam (57%), miền Trung (19,2%), miền Bắc (15,1%), Tây Nguyên (8,7%).