Khắc phục khó khăn để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đó là chỉ đạo của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Rah Lan Chung tại hội nghị trực tuyến sơ kết tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, đối ngoại quý I và triển khai nhiệm vụ công tác quý II-2025.

Đồng chủ trì hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh có các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Hữu Quế, Nguyễn Thị Thanh Lịch, Dương Mah Tiệp. Tham dự hội nghị có đại diện HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh.

1ddd.jpg
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Rah Lan Chung phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: L.N

Những con số khả quan

Báo cáo tại hội nghị nêu rõ: Trong quý I, tiến độ sản xuất vụ Đông Xuân đạt kết quả tốt. Tính đến ngày 25-3, toàn tỉnh gieo trồng được 81.300 ha cây trồng các loại, đạt 102,1% kế hoạch, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỉnh đã chuyển đổi 3.738 ha cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển mạnh theo hướng công nghiệp, trang trại (chiếm 36,2%); toàn tỉnh hiện có 101 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó có 44 dự án đã đưa vào hoạt động.

Về các chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh đã có 3 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là TP. Pleiku, thị xã An Khê và Ayun Pa; có 94 xã và 162 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó 131 thôn, làng vùng dân tộc thiểu số); 454 sản phẩm OCOP cấp tỉnh và 5 sản phẩm đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP cấp quốc gia.

Chỉ số sản xuất công nghiệp quý I ước tăng 2,74% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tính 16.117,8 tỷ đồng, đạt 24,24% kế hoạch và tăng 10,64%. Kim ngạch xuất khẩu là 462 triệu USD, đạt 54,35% kế hoạch, tăng 11,59%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh 3 tháng đầu năm ước thực hiện 5.164,952 tỷ đồng, đạt 17,69% kế hoạch, tăng 5,5%. Tính đến ngày 25-3 đã giải ngân 322,277 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 7,1% kế hoạch. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 2.042,3 tỷ đồng, đạt 32,7% so với dự toán Trung ương giao, đạt 31,7% so với dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý I, tỉnh phối hợp với Bộ Xây dựng thống nhất hướng tuyến và hoàn chỉnh hồ sơ đề xuất Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn-Pleiku; đẩy nhanh tiến độ đề xuất đầu tư mở rộng Cảng Hàng không Pleiku. Công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn được thực hiện đúng quy định.

Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh được quan tâm đúng mức. Trong quý I, có 250 doanh nghiệp thành lập mới, đạt 22,3% kế hoạch, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, với số vốn đăng ký là 2.470 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện có 10.634 doanh nghiệp với số vốn 158.815 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh du lịch 3 tháng đầu năm 2025 tăng trưởng khá cao; tổng lượt khách tham quan, du lịch ước đạt 590.000 lượt, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái (khách quốc tế ước đạt 4.000 lượt); tổng thu du lịch ước đạt 271 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các lĩnh vực văn hóa-xã hội, y tế, giáo dục, khoa học-công nghệ tiếp tục có bước phát triển; quan tâm và chăm lo các gia đình chính sách, người có công, đối tượng xã hội cộng đồng. Tính đến chiều 1-4, các địa phương trong tỉnh đã khởi công xây dựng và sửa chữa 4.558/8.485 căn nhà, đạt 53,72% so với kế hoạch.

Đến nay, tỉnh đã hoàn thành sắp xếp bộ máy các cơ quan cấp tỉnh, huyện. An ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác đối ngoại được thực hiện hiệu quả.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế-xã hội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: tăng trưởng kinh tế đạt thấp hơn kế hoạch đề ra; kim ngạch nhập khẩu giảm; tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp, tội phạm trật tự xã hội, ma túy còn xảy ra nhiều và tiềm ẩn các yếu tố phức tạp; một số nội dung đề xuất về sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế còn chậm. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có biểu hiện dao động tâm lý trước thông tin sáp nhập tỉnh, xã và bỏ cấp huyện, gây ảnh hưởng đến tiến độ công việc chung.

22giam-doc-so-cong-thuong-pham-van-binh-de-nghi-go-kho-cho-cac-du-an-dien-gio.jpg
Giám đốc Sở Công thương Phạm Văn Binh đề nghị gỡ khó cho các dự án điện gió. Ảnh: Lam Nguyên

Kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Tại hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương đề xuất ý kiến, kiến nghị nhằm giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát; giải ngân vốn đầu tư công; gỡ khó cho các dự án điện gió; con số thống kê thấp so với báo cáo của các ngành, chưa thể hiện đúng thực tế tăng trưởng; sắp xếp, tinh gọn tổ chức của bộ máy hệ thống chính trị…

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND huyện Kbang Nguyễn Văn Dũng cho biết: Trước thông tin bỏ cấp huyện, sáp nhập các xã nhằm tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, nhiều cán bộ, công chức, viên chức huyện Kbang rất tâm tư. Tuy nhiên, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Kbang đã hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra trong quý I.

Liên quan đến tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát, Chủ tịch UBND huyện Kbang thông tin: Toàn huyện có 512 ngôi nhà cần xây dựng và sửa chữa, đến nay đã khởi công 430 nhà, hoàn thành 36 nhà; trong tháng 4 tiếp tục khởi công số còn lại và phấn đấu đến ngày 30-6 sẽ hoàn thành chương trình. Ngoài việc thiếu nhân công, giá vật liệu tăng cao cũng là khó khăn lớn hiện nay. Do vậy, đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành quan tâm tháo gỡ, đồng thời cấp bổ sung số kinh phí còn thiếu cho chương trình.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND thị xã Ayun Pa Trần Anh Tuấn cũng nêu một số khó khăn của địa phương, trong đó có việc thiếu đất san lấp đối với các dự án. Để giải quyết vấn đề này, Chủ tịch UBND thị xã Ayun Pa đề xuất Sở Nông nghiệp và Môi trường sớm hoàn thiện các thủ tục để đưa mỏ đất tại xã Ia Rtô vào khai thác.

3d.jpg
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Lưu Trung Nghĩa chia sẻ những vướng mắc của các địa phương liên quan đến chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Ảnh: Lam Nguyên

Trả lời kiến nghị của các địa phương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Lưu Trung Nghĩa khẳng định: Với vai trò là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh, Sở đề nghị tỉnh quan tâm giải ngân, chuyển giao kinh phí cho các huyện, xã để triển khai thực hiện chương trình.

Về đất san lấp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết: Trong tháng 3, Sở đã đấu giá thành công 9 mỏ khoáng sản. Để đảm bảo nguồn khoáng sản triển khai các công trình xây dựng, đặc biệt là Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn-Pleiku, đề nghị các địa phương, đơn vị rà soát, đề xuất các nguồn mỏ khoáng sản phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Trao đổi xung quanh các dự án năng lượng tái tạo, Giám đốc Sở Công thương Phạm Văn Binh cho hay: Hiện trên địa bàn tỉnh có 5 dự án điện gió (tổng công suất 384 MW) đã thi công xong nhưng chưa được vận hành thương mại. Ủy ban nhân dân tỉnh đã có công văn gửi Thanh tra Chính phủ thông báo đã khắc phục những tồn tại nhưng đến nay chưa có phản hồi. Do vậy, Giám đốc Sở Công thương đề xuất cần tiếp tục kiến nghị để tháo gỡ vướng mắc đối với các dự án này.

Trong khi đó, Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Trường Sơn thông tin: Về Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn-Pleiku, Sở vừa nhận được văn bản của Văn phòng Chính phủ. Theo đó, Văn phòng Chính phủ đề nghị Bộ Xây dựng tham mưu thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước để thẩm định dự án trước ngày 10-4. Sau đó, Bộ phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Quốc hội trước ngày 15-4.

2d.jpg
Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Trường Sơn báo cáo về tiến độ triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn-Pleiku. Ảnh: L.N

Nêu ý kiến tại hội nghị, Giám đốc Sở Tài chính Đỗ Việt Hưng nhận định: Mặc dù UBND tỉnh đã có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc tạm dừng xây dựng một số trụ sở cơ quan hành chính cấp huyện, cấp xã và việc mua sắm thiết bị liên quan nhưng một số địa phương vẫn chưa hiểu đúng vấn đề này nên còn chần chừ trong câu chuyện dự án nào dừng, dự án nào triển khai để giải ngân nguồn vốn đầu tư công.

Trước thực tế giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia còn thấp, Giám đốc Sở Tài chính đề nghị các địa phương chủ động rà soát kế hoạch đầu tư công, vốn phân bổ năm 2025 để tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn này. Sở sẽ làm việc cụ thể với các địa phương để có danh mục các nguồn vốn, dự án cần thiết phải điều chỉnh để có giải pháp giải ngân kịp thời.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Rah Lan Chung yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện đầy đủ các chỉ tiêu, nhiệm vụ trên cơ sở bám sát nghị quyết đã được ban hành. Liên quan đến con số tăng trưởng kinh tế quý I chỉ đạt 3,64% được các sở, ngành phản ánh là thấp so với thực tế, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Cục Thống kê thu thập lại thông tin, dữ liệu đầu vào phù hợp làm căn cứ để thống kê, đánh giá chính xác.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị tích cực kêu gọi đầu tư vào các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện gió; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng-chống cháy rừng trong mùa khô.

Chủ tịch UBND tỉnh Rah Lan Chung giao Sở Xây dựng tiếp tục phối hợp với Bộ Xây dựng triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn-Pleiku; đẩy nhanh tiến độ đề xuất đầu tư mở rộng Cảng Hàng không Pleiku; quan tâm phân bổ kinh phí, đẩy nhanh tiến độ thực hiện phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Đối với các dự án giao thông thiếu đất san lấp, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ động khảo sát, xác định các mỏ phù hợp đảm bảo các điều kiện để đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định phục vụ các dự án, công trình trọng điểm trong thời gian tới.

Có thể bạn quan tâm

Sáp nhập tỉnh, thành: Chọn người đứng đầu có tâm thế đổi mới, không cục bộ

Sáp nhập tỉnh, thành: Chọn người đứng đầu có tâm thế đổi mới, không cục bộ

Khi thực hiện sáp nhập cấp tỉnh, cấp xã, không tổ chức cấp huyện, bên cạnh sửa đổi thể chế thì một yếu tố quan trọng để bộ máy hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả là lựa chọn người đứng đầu có tâm thế đổi mới, không cục bộ, không vương vấn lợi ích “chung - riêng”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch thăm, tặng quà lưu học sinh Lào nhân dịp Tết cổ truyền Bunpimay

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch thăm, tặng quà lưu học sinh Lào nhân dịp Tết cổ truyền Bunpimay

(GLO)- Nhân dịp Tết cổ truyền Bunpimay (Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào), chiều 3-4, đoàn công tác do Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch làm trưởng đoàn đã đến thăm, tặng quà 9 lưu học sinh tỉnh Champasak đang được đào tạo tại tỉnh Gia Lai.