Khắc nghiệt cuộc đua "đốt tiền"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thất bại của một số sàn thương mại điện tử không phải do thiếu tiền mà là thiếu công nghệ, đội ngũ xây dựng công nghệ
Ngày 17-12, trên Facebook xuất hiện bản chụp thông cáo của Công ty VinCommerce "về việc dừng bán hàng trên trang Adayroi.com". Thông cáo có hiệu lực ngay từ 18 giờ ngày 17-12. Hôm sau, Vingroup - chủ của Adayroi.com và VinPro - chính thức công bố quyết định rời bỏ mảng bán lẻ để tập trung mọi nguồn lực cho lĩnh vực ưu tiên cốt lõi là công nghiệp (VinFast) và công nghệ (VinSmart). Adayroi.com được sáp nhập vào VinID, còn VinPro bị giải thể.
Nhỏ ăn thật, lớn lỗ nặng
Như vậy, Adayroi.com sẽ là sàn thương mại điện tử (TMĐT) thứ 2 (sau Robins của Central Group) trong năm 2019 phải dừng cuộc chơi ở Việt Nam. Adayroi.com được Vingroup bỏ vốn đầu tư từ năm 2014, còn VinPro được tập đoàn này mở ra từ năm 2015.
Ở đây ta không bàn tới chuyện tái cơ cấu bình thường của doanh nghiệp, mà chỉ nhìn 2 sự kiện này như dẫn chứng cho sự khắc nghiệt của hoạt động TMĐT và kinh doanh sản phẩm công nghệ ở Việt Nam. Và tình hình này cũng là của cả thế giới. Ngoại trừ Amazon của tỉ phú Mỹ Jeff Bezos hoạt động từ năm 1994 và Alibaba của tỉ phú Trung Quốc Jack Ma làm ăn từ năm 1999 được coi là những điển hình thành công của TMĐT, còn lại hầu hết các sàn khác đều bị thua lỗ triền miên, đặc biệt là trong những năm đầu, sau đó tồn tại được - dù sống cầm chừng. Thực tế, hầu hết các sàn TMĐT hiện nay hoạt động nhờ huy động vốn từ các nhà đầu tư - đặc biệt là qua các vòng gọi vốn. Tuy nhiên, trong hoạt động TMĐT hiện nay, hưởng lợi nhất vẫn là người tiêu dùng và người bán hàng, còn các chủ chợ thì vẫn đang lỗ nặng. Có thể nói rằng kinh doanh trên mạng thành công nhất hiện nay là những cá nhân chào bán hàng hóa trên mạng xã hội, túc tắc kiếm lợi nhuận. Làm nhỏ thì ăn thật, mà làm lớn thì lỗ nặng.
Cốt lõi của vấn đề là làm sao duy trì và phát triển TMĐT trong bối cảnh hiện nay ở Việt Nam? TMĐT 4.0 khác TMĐT ban đầu ở 2 tính chất: di động hóa với các ứng dụng cho người mua sử dụng tiện lợi trên thiết bị di động; ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để hoàn thiện hóa hoạt động mua bán online. Với sự trợ giúp của AI, hoạt động mua bán online trên các nền tảng lớn sẽ càng thông minh hơn, phục vụ cho cả người bán lẫn người mua, đạt hiệu quả ngày càng tốt hơn. Vấn đề tùy vào khả năng ứng dụng của các nhà làm TMĐT.
 
Người dùng Việt ngày càng có thói quen vào các trang thương mại điện tử để mua sắm. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Cần nền tảng công nghệ vững chắc
Nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp TMĐT muốn sinh tồn, cần nền tảng vững chắc của một nền kinh tế số và xã hội số cùng một tiềm lực đủ mạnh để xây dựng hạ tầng công nghệ đủ tốt để phục vụ việc quản lý hoạt động bán hàng, bảo đảm chất lượng từng sản phẩm.
Đại diện sàn TMĐT Leflair - mới ra đời - cho biết để cạnh tranh với các sàn TMĐT lớn và ra đời sớm, các sàn sinh sau đẻ muộn cần xác định dồn lực xây dựng hệ thống quản trị chất lượng ưu việt. Ngoài việc chỉ trực tiếp giao dịch với các thương hiệu, nhà phân phối chính thức và chỉ cung cấp sản phẩm được xác nhận chính hãng. Theo doanh nghiệp này, cần vận hành quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm "2 lần" để bảo đảm phát hiện sớm bất kỳ tình trạng lỗi nào nếu có và tiến hành thay thế sản phẩm. "Doanh nghiệp TMĐT cũng nên có quy trình đổi trả hàng linh hoạt để khách hàng luôn hài lòng khi mua sắm. Nếu phát hiện hàng giả, hàng nhái hoặc không hài lòng về sản phẩm khi mua, phải hỗ trợ đổi trả tại nhà và hoàn tiền cho khách hàng" - đại diện sàn này cho biết.
Giới chuyên gia cho rằng cần hết sức tỉnh táo trong cuộc đua rót tiền vào TMĐT để "rót đúng chỗ". Chẳng hạn, khi cơn sốt giá rẻ qua đi, chủ sàn cần hiểu tầm quan trọng của việc đầu tư vào nền tảng công nghệ và kho vận, tức xây dựng được hạ tầng tốt nhất để nâng cao chất lượng dịch vụ. Ông Lưu Thanh Phương, chủ sàn TMĐT 5giay.vn, chia sẻ: "Trước đây, khi thị trường chưa có nhiều sự cạnh tranh, doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi có thể làm TMĐT thành công mà không tốn quá nhiều tiền cũng như công sức. Nhưng bây giờ, muốn trụ được phải cần rất nhiều tiền. Ngoài đổ tiền để hút đối tác bán hàng và khách hàng bằng khuyến mãi, ưu đãi phí thì cần đổ tiền vào xây dựng nền tảng công nghệ vững chắc mới mong thành công". Dẫn chứng thêm, ông Phương cho hay các nền tảng TMĐT mạnh hiện nay có thể đứng vững được là nhờ đầu tư xây dựng được nền tảng hạ tầng tốt. Trong khi đó, các sàn yếu hơn, hạn chế về công nghệ thì rất khó cạnh tranh.
Ông Phương phân tích trong sự kiện "Dzựt cô hồn online" do một sàn TMĐT cũng khá tiếng tăm tổ chức, chủ sàn này từng phải viết thư xin lỗi khách hàng vì sự cố sập hệ thống và tự nhận là "thất bại từ lỗi kỹ thuật". Hay như với Adayroi.com, thất bại của sàn này không nằm ở chỗ thiếu tiền mà là thiếu công nghệ, thiếu đội ngũ xây dựng công nghệ thật tốt để có dịch vụ tối ưu đến tay khách hàng". 
Thận trọng khởi nghiệp trên nền "thuần điện tử"

Chia sẻ với các bạn trẻ tại hội thảo "Hành trình từ 0 đến 1 - Những bài học trong 5 năm đầu vượt sóng" mới đây, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT - đơn vị sở hữu của sàn TMĐT Sendo (ra đời năm 2012), đã đưa ra một khái niệm mới là "thuần điện tử" để chỉ những lĩnh vực chỉ hoạt động trên nền tảng điện tử như: gọi xe, TMĐT, ví điện tử... Nhà tỉ phú Việt này cảnh báo các bạn trẻ nên thận trọng nếu khởi nghiệp trong lĩnh vực thuần điện tử mà ông gọi là những cỗ máy đốt tiền. Ông Bình đưa ra dự đoán: "Các bạn đều biết Tiki, Lazada, Shopee, Sendo... tất cả đang đến ngưỡng 1 tỉ USD giá trị công ty. Và kết thúc của trò chơi này là thế nào? Sẽ có một ông trên thế giới cá cược vào một trong mấy doanh nghiệp này và trò chơi kết thúc. Mà người ta cá cược có nghĩa là người ta bỏ 1-2 tỉ USD nữa để đốt". Theo ý ông, các sàn TMĐT này vẫn đang hùng hục trong "cuộc đua đốt tiền".

Anh Phúc-Thùy Dương (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm