Quang cảnh hội nghị. Ảnh: V.T |
Hội nghị có sự tham dự của đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương); đại diện lãnh đạo Sở Công Thương các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Đăk Lăk, Đăk Nông, TP. Hồ Chí Minh; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh; cùng 70 doanh nghiệp, nhà phân phối, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh của một số tỉnh, thành phố.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Đào Thị Thu Nguyệt-Phó Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai nhấn mạnh, Hội nghị Kết nối cung cầu hàng Việt Nam tại Gia Lai năm 2023 sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp xúc trực tiếp với hệ thống phân phối, nhằm trao đổi thông tin, đẩy mạnh liên kết trong đầu tư sản xuất, khai thác nguồn nguyên liệu, phát triển kinh doanh mở rộng thị trường. Hoạt động kết nối cung cầu được tổ chức với mục tiêu thúc đẩy việc hình thành chuỗi cung ứng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của từng địa phương với chất lượng tốt, bảo đảm an toàn thực phẩm đến với thị trường trên cả nước.
Lãnh đạo Sở Công Thương Gia Lai trao đổi với doanh nghiệp tỉnh bạn. Ảnh: V.T |
Đây cũng là hoạt động nhằm hưởng ứng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam do Bộ Chính trị phát động.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về những kết quả đạt được qua các chương trình, hội nghị kết nối giao thương, cũng như làm rõ các vấn đề còn hạn chế, khó khăn trong công tác hỗ trợ kết nối giao thương, tiêu thụ hàng hóa của khu vực Tây Nguyên và các tỉnh, thành phố, nhất là với TP. Hồ Chí Minh. Từ đó, sẽ đề ra các giải pháp hiệu quả nhằm tận dụng tiềm năng, cơ hội, thế mạnh của vùng Tây Nguyên để liên kết tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Các đơn vị ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh. Ảnh: V.T |
Cũng tại Hội nghị đã diễn ra Lễ ký kết 12 biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp với 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên và một số tỉnh, thành phố khác. Trong khuôn viên diễn ra Hội nghị, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh tham dự đã trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc sản, đặc trưng vùng miền của các địa phương.