Kể chuyện núi rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Mộc mạc, những bạn trẻ Cơ Tu mà tôi gặp trong như một dòng suối nguồn, lặng lẽ chảy cuộc sống của riêng mình, với văn hóa, đời sống người vùng cao.

 

Những video do Alăng Thị Công sản xuất trên kênh Youtube về trang phục truyền thống, phong tục độc đáo của đồng bào Cơ Tu thu hút nhiều lượt xem.
Những video do Alăng Thị Công sản xuất trên kênh Youtube về trang phục truyền thống, phong tục độc đáo của đồng bào Cơ Tu thu hút nhiều lượt xem.


Bằng mạng xã hội, bằng những thước phim về cuộc sống, phong tục của cộng đồng, họ mang giá trị tinh thần đến nhiều người hơn, như một cách để trân trọng và gìn giữ bản sắc, gìn giữ dòng máu Cơ Tu mà họ luôn tự hào…

Ghi lại đời sống vùng cao

Alăng Brắc rời quê nhà thôn Dốc Gợp (xã Kà Dăng, Đông Giang) để về phố học tại Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, nhưng rồi gia cảnh khó khăn, Brắc nghỉ học.

Nung nấu ý định về quê, làm một “youtuber” (người sáng tạo nội dung trên nền tảng mạng xã hội Youtube), Brắc “khởi nghiệp” bằng nghề chạy xe ôm công nghệ để tích cóp vốn liếng cho hành trình của mình.

Chạy xe ôm suốt một năm, “lên đời” được chiếc điện thoại có thể cơ bản đáp ứng việc quay phim, Brắc về quê. Những thước phim đầu tiên về đời sống vùng cao ra đời sau đó.

“Về nhà, mình lao vào làm nông, nên việc làm video cũng ít, chưa thực sự tập trung nghiêm túc như một nghề. May mắn là mình có khả năng tự học rất tốt, mọi công đoạn từ quay, dựng, lồng tiếng, ghép kỹ xảo đều làm bằng điện thoại.

Ban đầu, trước ống kính cũng ngại, cuộc sống ở quê lại vất vả, nhiều khi tính yên phận làm nông, sáng lên rẫy, chiều tối về như bố mẹ. Nhưng rồi mình vẫn thấy thích thú với việc làm video về đời sống, phong tục của đồng bào Cơ Tu, nên lại tiếp tục cố gắng, tiếp tục tự mày mò học hỏi. Mừng vì những video của mình sau này nhận được phản hồi tích cực, nhiều người theo dõi hơn” - Brắc chia sẻ.


 

Những nội dung mà Brắc sản xuất xoay quanh lao động, thu hoạch nông sản, đời sống ở miền núi.
Những nội dung mà Brắc sản xuất xoay quanh lao động, thu hoạch nông sản, đời sống ở miền núi.


Trong những video trên kênh facebook, tiktok cùng tên Alăng Brắc, vùng cao hiện lên chân thực, giản dị nhưng cũng đầy sức hút. Là những cảnh quay về vùng quê nơi anh đang ở, vớt cá suối mỗi khi có lũ, lặn bắt tôm dưới những khe đá, lên nương đào củ gừng, củ nghệ. Là những sớm mai với bữa cơm gia đình, hay hành trình chở vợ lên chợ huyện để bán nông sản.

Sẵn tính hài hước, giọng nói trầm, thân thiện, những video của Brắc trên mạng xã hội tạo được hiệu ứng khá tốt với người xem, rất nhiều lời khen dành tặng cho chàng trai trẻ. Đó cũng là động lực để Brắc tiếp tục nỗ lực với công việc sản xuất video, dù việc này “không mang lại điều gì lớn, ngoài niềm vui” như anh tâm sự.

Cũng từ môi trường đại học, Alăng Thị Công (SN 1992, trú tại thôn ALiêng Ravăh, xã A Ting, Đông Giang) tiếp cận với mạng xã hội. Tốt nghiệp khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng nhưng không tìm được việc làm phù hợp chuyên ngành, Công lăn lộn đủ nghề, làm bảo vệ, nhân viên bán hàng, công nhân khu công nghiệp.

Dịch bệnh bùng phát, Công về quê cùng chồng làm nông trại và bắt đầu nghiêm túc với dự định sản xuất video quảng bá về văn hóa, ngôn ngữ, đời sống thường nhật, nông sản sạch trên nền tảng Youtube với tên gọi “Công 92”. Chưa có điều kiện để mua sắm được thiết bị chuyên dụng, mọi thao tác được Công xử lý bằng chiếc điện thoại đang dùng.


 

 Alăng Thị Công, cô gái trẻ người Cơ Tu với đam mê làm Youtuber.
Alăng Thị Công, cô gái trẻ người Cơ Tu với đam mê làm Youtuber.


“Chủ đề là mọi thứ mà mình được thấy, được nghe, được tham gia. Mình quay video lúc cùng mọi người đi phát rẫy, đi trồng keo. Ngày nghỉ, mình chọn chủ đề về văn hóa như trang phục truyền thống, điêu khắc hay các nội dung mang tính chuyên sâu hơn về dân tộc mình. Ngoài ra, mình còn làm video về học tiếng Cơ Tu nhờ kiến thức ngôn ngữ được học và vốn tiếng nói của mình.

Những video liên quan văn hóa, mình sẽ tìm hiểu chỗ bố chồng, đang là già làng. Bố chồng mình thật sự là nguồn tư liệu quý giá. Cùng với đó là những phong tục tập quán mà mình tiếp xúc từ nhỏ, quy tắc, cách thức thực hiện, mình đều nắm được. Những gì chưa biết, mình sẽ tìm thêm tài liệu, học hỏi thêm từ những người lớn tuổi để sản xuất những nội dung chân thực, chính xác nhất trong tầm hiểu biết của mình” - Alăng Thị Công chia sẻ.

Nuôi giấc mộng lớn

Những bôn ba, trắc trở khi còn ở dưới thành phố rèn thêm bản lĩnh, nghị lực cho hai bạn trẻ vùng cao. Không đơn thuần chỉ để giải trí, cả hai đều nghĩ đến những ước mơ lớn, một cái đích xa hơn, bằng công việc mà mình đang làm: sản xuất video trên nền tảng mạng xã hội.

Nhờ tính chân thực, nhờ những nội dung độc đáo từ phong tục, truyền thống văn hóa của cộng đồng Cơ Tu quanh mình, những video của hai bạn trẻ bắt đầu tạo được sức hút nhất định. Nhiều video trên các kênh facebook, Youtube của cả hai đã có hàng nghìn lượt theo dõi, phản hồi.

Với Alăng Brắc, chia sẻ về cái hay, cái đẹp của đời sống vùng cao là đam mê, nhưng mục tiêu lớn hơn, là phải tạo được giá trị từ những video mà mình sáng tạo.


 

 Alăng Brắc khá thân thiện, hài hước trong các video về đời sống vùng cao do anh quay, dựng và đưa lên mạng xã hội.
Alăng Brắc khá thân thiện, hài hước trong các video về đời sống vùng cao do anh quay, dựng và đưa lên mạng xã hội.


“Mình phải làm giàu, khi đó mọi người mới tin những gì mình nói, mình theo đuổi. Thu nhập chính hiện tại của mình là bán nông sản địa phương, như mật ong, nghệ, gừng, ớt xiêm. Nhờ mạng xã hội, mình tiếp cận được nhiều người hơn, giới thiệu hiệu quả hơn, rất nhiều người hỏi mua nông sản.

Nhưng một mình mình thì không đủ để bán. Mình muốn lập một hợp tác xã nông nghiệp, chế biến để nâng giá trị của nông sản địa phương, kêu gọi bà con tham gia cùng phát triển cây lòn bon trở thành cây chủ lực của xã Kà Dăng, tạo được ít nhất một sản phẩm OCOP 5 sao” - Brắc tâm sự.

Không dễ để có thể thu hút được một lượng người xem nhất định trên các nền tảng mạng xã hội, càng không dễ “đi đường dài” nếu câu chuyện về văn hóa, phong tục không được đầu tư, thiếu tính sáng tạo. Hơn ai hết, Alăng Thị Công hiểu được những khó khăn mà mình đang đối mặt và vẫn miệt mài theo đuổi đam mê. Công nói, muốn làm điều gì đó có ý nghĩa cho dân tộc của mình.

“Làm youtuber như một đam mê, mình có thể làm ngày, làm đêm, tự do về thời gian, tự do về sự lựa chọn. Nó cũng là một thứ tài sản mang lại nguồn thu nhập thụ động lớn dần theo năm tháng.

Hiện tại, mình vạch ra khoảng 26 chủ đề về nội dung để làm video và đều đặn xuất bản một video mỗi thứ Bảy hàng tuần. Song song với đó, mình đang làm chuyên sâu vào việc dạy tiếng Cơ Tu qua video hoạt hình và kể chuyện cổ Cơ Tu” - Alăng Thị Công chia sẻ về hành trình của mình.

Trăn trở của Alăng Thị Công, là nhiều bạn trẻ người Cơ Tu không quan tâm lắm đến phong tục, văn hóa của đồng bào mình, lượng người theo dõi đa số ở lứa tuổi 35 đến 50. Người vùng cao ở lứa tuổi này không rành về công nghệ, nên phát triển lượng người theo dõi cũng là một thử thách.

Nhưng Công vẫn nuôi dưỡng cho mình niềm tin, khi các bạn trẻ của dân tộc mình vượt ra khỏi ranh giới cộng đồng làng, tiếp cận với văn hóa nhiều dân tộc, vùng miền khác nhau, các bạn ấy sẽ có sự so sánh đa chiều và sẽ quay trở về với nguồn cội.

“Khi các bạn còn trong ranh giới của cộng đồng mình, các bạn ấy sẽ luôn ngưỡng vọng ra bên ngoài, không thấy cái hay, cái đẹp của chính đồng bào mình. Nhưng mình tin, đến một lúc nào đó, các bạn ấy sẽ trở lại, với chính dòng máu của dân tộc mình, với niềm tự hào, trân trọng bản sắc của người Cơ Tu” - Công nói.


https://baoquangnam.vn/phong-su-ky-su/ke-chuyen-nui-rung-127091.html

Theo THÀNH CÔNG (QNO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.