Ia Ly:30 năm khơi nguồn điện sáng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Hơn 30 năm trước, hàng ngàn công nhân hầu hết là “người Sông Đà” rầm rập đổ bộ vào vùng đất nay là thị trấn Ia Ly (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) để rồi hơn 10 năm sau đó, công trình thủy điện Ia Ly đã có tên trên bản đồ năng lượng quốc gia. Thời điểm đó, đây là công trình thủy điện lớn thứ hai cả nước, sau thủy điện Hòa Bình. Thủy điện Ia Ly mãi là niềm tự hào của bao thế hệ công nhân, nhất là những người đã gửi lại thanh xuân để góp phần đưa dòng điện sáng đi khắp muôn nơi.
“Xanh rừng thì đến, đỏ ngói thì đi”
Ia Ly từng là thác nước đẹp nổi tiếng với vẻ hoang sơ, kỳ vĩ nằm giữa núi rừng Tây Nguyên. Một ngày, con thác bị đánh thức bởi những bước chân của hàng ngàn công nhân khai hoang mở đường. Cây rừng, đất đá được san phẳng, nhường chỗ cho con đường dẫn đến công trình để đưa máy móc, nguyên vật liệu vào tận nơi. Hòa vào những bước chân đó có công nhân Đoàn Quang Chắn (quê Thái Bình). Khi ấy, ông Chắn đã sở hữu bề dày kinh nghiệm mà ít người có được. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại công trình thủy điện Hòa Bình, năm 1992, ông lại tự nguyện khăn gói vào thi công thủy điện Ia Ly. Không ngại rừng thiêng nước độc, ông cùng 16 công nhân khác vào Ia Ly làm công tác kiến thiết cơ bản. Một năm sau, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt phát lệnh khởi công chinh phục dòng thác Ia Ly trên sông Sê San, biến nơi đây trở thành biểu tượng của Tây Nguyên.
Ông Chắn năm nay đã 68 tuổi, sống tại TP. Pleiku. Nhớ lại khoảng thời gian gắn bó với công trường trong vai trò công nhân máy khoan của Công ty Công trình ngầm Sông Đà (Tổng Công ty Sông Đà), ông kể: Nơi xây dựng công trình bấy giờ rất hoang vu, từ trung tâm huyện đi vào hơn 40 km vẫn còn là đường đất lầy lội. Hàng ngàn công nhân, kỹ sư, chuyên gia, cán bộ quản lý công trình lúc đó ngoài việc đương đầu với thời tiết, môi trường làm việc vô cùng khắc nghiệt còn đối mặt với hiểm nguy rình rập do khu vực này còn lắm bom mìn sót lại sau chiến tranh. Chuyện máy đào, máy xúc cùng người điều khiển bị bom nổ tung nhiều lần xảy ra; những phuy chứa chất độc dioxin cũng được tìm thấy. Nhiệm vụ của ông lúc đó là mỗi ngày đêm phải hoàn thành 8 m đường hầm rộng 8 m, cao 8 m. Đến ca, ông phải khoan đến 240 mũi rồi nhét thuốc nổ, mỗi lần như vậy chỉ được 4 m. “Mỗi lần nổ mìn, cả quả núi rung chuyển, đất đá bắn tung tóe, bụi tung mù mịt, không khí trong đường hầm nồng nặc mùi thuốc nổ”-ông Chắn nhớ lại.
Du khách tham quan gian máy ngầm Thủy điện Ia Ly. Ảnh: Đông Phong
Du khách tham quan gian máy ngầm Thủy điện Ia Ly. Ảnh: Đông Phong
Công nhân máy khoan lẫn máy đào, máy xúc còn phải đối mặt với nỗi lo sập hầm, tai nạn lao động rình rập. Ông từng chết lặng khi bế thi thể người bạn thân bị tai nạn. Đó là người đã cùng chia sẻ buồn vui với ông mỗi lúc vào ca, từ chuyện gia đình, con cái cho đến san sẻ khó khăn trong những ngày đầu đặt chân đến Ia Ly. Bạn ông cũng là 1 trong 32 cán bộ, công nhân đã nằm xuống để khơi dòng điện sáng cho đất nước. Ông Chắn hồi nhớ: “Nhưng rồi nỗi buồn cũng bị cuốn đi bởi không khí hối hả, tấp nập trên công trường. Ngày cũng như đêm, 3 ca thay nhau liên tục không lúc nào ngơi nghỉ. Tuy môi trường sinh hoạt, ăn uống kham khổ, tai nạn lao động luôn rình rập, chưa kể bệnh sốt rét, bệnh ngoài da nhưng lúc nào trên công trình cũng có hàng ngàn lao động. Cao điểm có lúc lên đến chục ngàn công nhân; chưa kể hàng trăm đầu xe vận chuyển thi công, máy đào, máy xúc vang vọng ngày đêm”. Ròng rã hơn 4 năm trời, 2 đường hầm song song (mỗi đường hầm dài 4 km) mới được hoàn thành. Và chỉ đến khi hệ thống hầm phụ được kết nối với các đường hầm chính thì ông và đồng nghiệp mới ngơi việc.
Khác với nhiều đồng nghiệp, ông Trần Văn Hận (quê Hải Dương, hiện sống tại xã Trà Đa, TP. Pleiku) không hề bỡ ngỡ khi đặt chân đến vùng đất hoang vắng này. Thêm 3 lần bị sốt rét rừng hành hạ, ông vẫn không nản chí mà quyết bám trụ. Chẳng có gì làm khó được con người gai góc này bởi ông từng có mặt ở thủy điện Thác Bà dưới mưa bom, bão đạn khốc liệt do giặc Mỹ trút xuống. Sau năm 1972, ông tiếp tục tham gia thi công xây dựng Nhà máy Giấy Bãi Bằng, Nhà máy Dệt Minh Phương và làm công tác chuẩn bị cho việc xây dựng công trình thủy điện Hòa Bình. Tháng 6-1992, ông cùng các công nhân vào Ia Ly xây dựng một nhà máy thủy điện nhỏ để có nguồn điện phục vụ thi công công trình tầm cỡ nói trên.
Công trình đập chứa nước Thủy điện Ia Ly. Ảnh: Minh Nguyễn
Công trình đập chứa nước Thủy điện Ia Ly. Ảnh: Minh Nguyễn
Người công nhân già nheo mắt, trầm ngâm nhớ lại: Có điện, công trình mới bắt đầu rộn ràng triển khai rộng khắp các hạng mục, máy móc, thiết bị lần lượt được đưa vào. Đến giờ, ông còn nhớ mãi ánh mắt vững tin của đội ngũ công nhân khi ánh sáng điện rọi vào những ngôi nhà tập thể tối tăm mỗi khi chiều xuống. Nhiệm vụ chính của ông Hận lúc này là lắp đặt các đường ống dẫn nước phục vụ công trình và nước sinh hoạt cho công nhân. Dù hệ thống giếng khoan lên đến 5-7 chiếc nhưng vẫn không đủ nước dùng. Mới nghe qua tưởng như nghịch lý bởi tại nơi dòng thác Ia Ly đang ngày đêm tuôn chảy ầm ào nhưng công nhân thì lại khan hiếm nước sinh hoạt. Còn chưa kịp đặt câu hỏi thì ông Hận đã vội lý giải: “Nước suối thì nhiều, nước giọt tự chảy ở những khe đá cũng không thiếu nhưng chẳng ai dám uống. Không phải họ sợ sốt rét hay đau bụng mà sợ bị nhiễm chất độc da cam. Vậy nên công nhân thi công ngay tại thác nhưng phải mang theo nước giếng để uống”.
Giờ đã nghỉ hưu hơn chục năm, ông Hận mới thấm thía những lời anh em công nhân hay trêu chọc nhau: “Xanh rừng thì đến, đỏ ngói thì đi” để nói về công việc của họ. Hết công trình này đến công trình khác. Tháng ngày của ông luôn gắn bó với cá khô, cơm nắm, lều bạt che chắn tạm bợ nơi rừng hoang. Ông Chắn cũng trầm ngâm: Đời công nhân thủy điện đủ để ông thấm thía nỗi vất vả, buồn nhớ của cuộc sống rày đây mai đó, xa vợ xa con. Rồi cũng đến lúc chồn chân mỏi gối sau khi bước chân ông đã in dấu khắp các công trình thủy điện Hòa Bình, Na Hang, Ia Ly cho đến Sê San 3, Sê San 4 hay hầm đèo Hải Vân, đèo Cả… Do vậy, trong khi một số đồng đội nhận lời tiếp tục tham gia thi công công trình thủy điện Ia Ly mở rộng thì ông lại từ chối để dành thời gian cho gia đình.
Nỗ lực phát huy hiệu quả công trình
Hơn 22 năm tiếp quản và vận hành công trình, đến nay, Công ty Thủy điện Ia Ly đang quản lý, vận hành 3 nhà máy thủy điện lớn gồm: Ia Ly, Sê San 3 và Plei Krông với tổng công suất 1.080 MW, sản lượng điện bình quân 5,31 tỷ kWh/năm. Ông Đoàn Tiến Cường-Giám đốc Công ty-cho biết: Ý thức rằng thủy điện Ia Ly được xây dựng bởi sức vóc, trí tuệ của hàng ngàn cán bộ, công nhân từ những ngày đầu gian khó nên Công ty luôn nỗ lực không ngừng, từng bước vượt khó khăn, thử thách để phát huy hiệu quả công trình.
“Suốt thời gian qua, Công ty đã quản lý, vận hành an toàn và luôn hoàn thành tốt chỉ tiêu sản lượng điện được giao. Kể từ ngày phát điện tổ máy đầu tiên đến nay, thủy điện Ia Ly đã đóng góp hơn 72 tỷ kWh, cùng với 2 nhà máy thủy điện khác đóng góp vào ngân sách nhà nước hàng chục tỷ đồng, góp phần cung cấp nguồn điện phục vụ phát triển kinh tế, đưa điện về vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số”-ông Cường chia sẻ.
Dự án Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng công suất 360 MW gồm 2 tổ máy (mỗi tổ máy có công suất 180 MW) có tổng mức đầu tư gần 6.400 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào quý IV-2024. Ảnh: Minh Nguyễn
Dự án Nhà máy Thủy điện Ia Ly mở rộng công suất 360 MW gồm 2 tổ máy có tổng mức đầu tư gần 6.400 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào quý IV-2024. Ảnh: Minh Nguyễn
Ông Đoàn Tiến Cường-Giám đốc Công ty Thủy điện Ia Ly: Ngoài việc quản lý, vận hành an toàn, hiệu quả 3 nhà máy, hoàn thành sản lượng điện sản xuất trong giai đoạn 2020-2025, Công ty còn phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý Điện 2 (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) đảm bảo tuyệt đối an toàn trong quá trình triển khai Dự án mở rộng Nhà máy Thủy điện Ia Ly; đồng thời chuẩn bị đầy đủ các nguồn lực để thực hiện việc tiếp nhận quản lý, vận hành an toàn, hiệu quả sau khi dự án hoàn thành. Dự án Nhà máy Thủy điện Ia Ly mở rộng công suất 360 MW gồm 2 tổ máy (mỗi tổ máy có công suất 180 MW) với tổng mức đầu tư gần 6.400 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào quý IV-2024.
Thêm vào đó, cán bộ, công nhân viên Công ty từng bước tiếp cận và làm chủ thiết bị, công nghệ để không chỉ thực hiện công tác sửa chữa lớn mà còn xử lý hiệu quả những sự cố nghiêm trọng, đảm bảo các tổ máy vận hành an toàn, hiệu quả. Giám đốc Công ty Thủy điện Ia Ly nhận định: “Việc chủ động nghiên cứu sửa chữa thiết bị và xử lý có hiệu quả hư hỏng không chỉ giúp cán bộ, công nhân viên từng bước trưởng thành mà còn là nền tảng để tự tin xử lý thành công những hư hỏng tại các nhà máy trong cả nước”.
Những năm gần đây, trước thay đổi mạnh mẽ trong lộ trình tái cơ cấu doanh nghiệp, Công ty phải đối mặt với nhiều thách thức, yêu cầu mới. Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Công ty cũng dần có những bước đi vững chắc trên lộ trình chuyển đổi số, thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả trong hoạt động sản xuất, đảm bảo sản lượng điện và các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật khác. Ông Nguyễn Phúc Hiệp-Phó Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn (Công ty Thủy điện Ia Ly) cho biết, trên tinh thần đó, Công ty đã rà soát toàn bộ quy trình nghiệp vụ ở lĩnh vực quản trị nội bộ và kỹ thuật sản xuất để triển khai thực hiện. Đến nay, đơn vị đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ chuyển đổi số. “Đặc biệt, phần mềm “Khảo sát thực địa, phục vụ bảo trì công trình dựa trên thông tin địa lý và hình ảnh hiện trường” của Công ty đủ điều kiện đăng ký xét duyệt sản phẩm “Make by EVN” theo các tiêu chí do Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề ra. Thành quả trên khẳng định tính đúng đắn của triết lý “Thành công đến từ cam kết thực hiện mạnh mẽ và quyết liệt của người đứng đầu tổ chức và sự hưởng ứng tham gia của tất cả mọi người”-ông Hiệp nhấn mạnh.
MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Những năm qua, nhiều chính sách phát triển kinh tế-xã hội, an sinh xã hội, ba chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững, những chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được triển khai sâu rộng.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Tượng đài “Chiến sĩ bất khuất Vĩnh Trinh” ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam là một trong các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Phan. Ảnh: Tư liệu

Ký ức vỡ

Những gì không lặp lại sẽ dễ lãng quên. Người thân cũng thế, ký ức về một ai đó, sau thời gian dài không gặp sẽ bị im lìm, đóng băng. Một phần nào trong ký ức tôi tưởng chừng như thế, đã im ngủ hơn 14 năm qua tính từ ngày anh từ bỏ cõi trần gian phiền muộn này.

Mưu sinh truyền đời ở Chợ Lớn - Kỳ 5: Những thợ bạc danh tiếng

Mưu sinh truyền đời ở Chợ Lớn - Kỳ 5: Những thợ bạc danh tiếng

Nhà văn Sơn Nam từng hóm hỉnh: "Là nhà văn thì phải chấp nhận nghèo, nếu viết văn để làm giàu thì ở Sài Gòn, dân Chợ Lớn làm hết rồi, không tới mình đâu". Tất nhiên, "ông già Nam bộ" chỉ nói đùa nhưng chuyện dân Chợ Lớn làm đủ mọi ngành nghề và đều ăn nên làm ra là có thật. Trong đó có nghề thợ bạc.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Nông gia Nguyễn Đáp sinh ra, lớn lên và tạo lập cơ nghiệp trên những thửa rau, hoa bậc thang của thành phố cao nguyên Đà Lạt, hiện đang chạm ngưỡng tuổi lục thập vẫn dốc tâm sức và tiền vốn để bổ sung “công năng” trên từng diện tích đất nông nghiệp của mình.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Trên nền tảng dẫn đầu cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vùng đất Nam Tây Nguyên Lâm Đồng đã và đang mở rộng những miền quê tập trung tạo ra những mặt hàng có giá trị khác biệt, trong đó nổi trội với sản phẩm du lịch cộng đồng gắn xây dựng NTM, phát triển làng nghề ở địa phương.

Người Thái Bình bên dòng sông Ba

Người Thái Bình bên dòng sông Ba

(GLO)- Mỗi chiều, nhìn đàn cò trắng bay về ngang dòng sông Ba mênh mang sóng nước, ông Nguyễn Văn Để (86 tuổi) lại bâng khuâng nhớ về quê nhà. Tròn 40 năm rời quê hương Thái Bình vào vùng đất Krông Pa định cư, nỗi nhớ nguồn cội vẫn dâng đầy trong ông khi bắt gặp hình ảnh thân thuộc như vậy.

Đời chìm nước nổi…

Đời chìm nước nổi…

Thời điểm này, khu vực biên giới Tây Nam đang đỉnh lũ. Mùa nước nổi năm nay lượng nước sông Mê Kông đổ về Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn trung bình nhiều năm trước. Mùa nước nổi là lúc người dân vùng biên thức thâu đêm giăng lưới, thả câu tận hưởng lộc trời.