(GLO)- Từ năm 2014 đến nay, bằng nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp, huyện Ia Grai đã triển khai có hiệu quả 14 mô hình sản xuất. Các mô hình này đang được nông dân nhân rộng.
Ruộng lúa của anh Bran nhờ bón phân đúng quy trình đã cho bông dài và chắc hạt. Ảnh: H.T |
Một trong những mô hình sản xuất nông nghiệp được đánh giá đạt hiệu quả cao ở Ia Grai là “Nâng cao năng suất, chất lượng lúa” vừa được triển khai tại 3 xã: Ia Sao, Ia Dêr và Ia O. Sau khi được tập huấn kỹ thuật, 239 hộ dân ở 3 xã nói trên được hỗ trợ giống, phân bón để canh tác 54 ha lúa với tổng kinh phí 200 triệu đồng. Đến nay, một số diện tích đã cho thu hoạch, năng suất đạt 4,5-5 tấn/ha (cao hơn 10-15% mức bình quân). Dẫn chúng tôi ra thăm 4 sào lúa đã ngả vàng của gia đình, anh Rơ Mah Bran (làng Lân, xã Ia O) khoe chỉ còn 1 tuần nữa là gia đình anh sẽ thu hoạch, ước được 30 bao, cao hơn những năm trước 10 bao. Anh Bran giải thích: Sở dĩ năng suất lúa năm nay cao hơn là do mình đã biết cách bón phân đúng quy trình. Nếu năm trước, mình bón phân bừa bãi thì năm nay mình bón đúng 3 lần theo hướng dẫn. Nhờ đó, lúa phát triển tốt, bông lúa dài, cho nhiều hạt và hạt lúa chắc hơn.
Tương tự, mô hình “Nâng cao năng suất cà phê vùng đồng bào địa phương” được triển khai tại xã Ia Chía và Ia O với sự tham gia của 13 hộ cũng đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Đến nay, cây cà phê tại vườn các hộ tham gia mô hình đã có từ 1 đến 2 cặp cành, chiều cao cây trung bình 50-60 cm. Xét về các chỉ tiêu sinh trưởng gồm đường kính thân, chiều cao cây, số cặp cành cặp lá thì vườn cà phê của nông dân tham gia mô hình đạt cao hơn hẳn so với các vườn cà phê trồng mới của nông dân ngoài mô hình. Anh Siu Bích (làng Mít Chép, xã Ia Chía) cho biết: Tham gia mô hình, mình không chỉ được hỗ trợ về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật mà còn được hướng dẫn kỹ thuật mới vào chăm sóc nên cà phê sinh trưởng và phát triển tốt. Đến nay, tất cả 450 cây cà phê của mình được trồng từ tháng 6 đã có 2 cặp cành và cây cà phê phát triển khỏe mạnh, không có dấu hiệu của dịch bệnh nên mình rất yên tâm.
Ngoài 2 mô hình nói trên, các mô hình còn lại đều được thực hiện kịp thời, đúng tiến độ và cho hiệu quả cao. Điển hình là các mô hình trình diễn trên cây cà phê được triển khai từ các năm trước đã cho năng suất 3,5-4 tấn nhân/ha, cao hơn mức bình quân chung của huyện là 2,8 tấn/ha; trồng thử nghiệm giống mì KM 140 đã nâng cao năng suất lên 135 tạ/ha (cao hơn 15 tạ/ha so với mức bình quân chung của huyện); các mô hình quản lý dịch hại trên cây cà phê và hồ tiêu đã giúp nông dân kiểm soát được dịch bệnh, giảm lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật; các mô hình triển khai trên cây rau các loại đã hướng dẫn nông dân sản xuất rau đúng quy trình sản xuất rau an toàn.
Ông Nguyễn Phùng Hưng-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai cho biết: Mục đích triển khai các mô hình là nhằm giúp nông dân tiếp cận kỹ thuật sản xuất mới có hiệu quả nhằm nâng cao năng suất; đồng thời, hướng nông dân sử dụng các loại giống mới có năng suất cao nhằm thay thế các giống cũ kém năng suất hoặc đã thoái hóa. Đặc biệt, đối với cây lúa nước, việc sử dụng giống lúa ngắn ngày, có năng suất cao thay thế giống lúa địa phương dài ngày (9 tháng) còn nhằm đẩy vụ, chống hạn cho vụ Đông Xuân. Vì vậy, quá trình triển khai, các ngành chức năng đều phối hợp chặt chẽ trong tập huấn, hỗ trợ giống, phân bón. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương, cán bộ nông nghiệp xã và hộ tham gia mô hình đều kiểm tra nên các mô hình được triển khai đúng tiến độ và đạt hiệu quả. Một số mô hình đã phát huy hiệu quả và đang được nhân rộng như: hỗ trợ giống mì cao sản, phát triển cây ăn quả trồng xen che bóng cà phê, quản lý dịch hại trên cây cà phê, mô hình giống lúa cho năng suất chất lượng cao.
Hồng Thương