Huyền tích về kho báu của hai nàng tiên ở Vân Hồ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Người dân ở xã Chiềng Khoa, huyện Vân Hồ, Sơn La hiện nay vẫn kể cho nhau nghe về cuộc đời bi ai của hai cô gái Thái xinh đẹp, giỏi giang được phong là 'tiên chúa'. Sự tích về hai nàng tiên còn gắn với kho báu bí hiểm chưa được giải mã…

Sự tích hai nàng tiên

Từ ngã ba Vân Hồ, chúng tôi đi thêm khoảng 14 cây số, theo hướng Đông trên con đường nhựa qua bản Suối Lìn, bản Nà Chá để vào bản Khòng. Nơi đây được bao phủ giữa nhấp nhô những núi đồi cao ngút. Biết khách về bản để tìm hiểu, ông Lò Văn Cung, chủ nhang tại Đền thờ Tiên Chúa Bẳng Mương giới thiệu: “Muốn biết rõ về tích của hai bà, tôi sẽ đưa mọi người qua vài điểm để hiểu rõ hơn”.

Điểm đầu tiên ông Cung giới thiệu là Pu Tô Ruỗi (đồi Tô Ruỗi-PV). Từ đền, chúng tôi rẽ trái vào ngã ba nằm giữa bản Khòng, cách đền thờ khoảng 20 mét. Đi hết đường bê tông, để đi vào tiếp phải qua đoạn đường đất nhỏ, chỉ vừa vặn lốp xe máy để băng qua ruộng. Nhưng muốn đi lên đồi, chúng tôi phải để xe ở gần bờ suối, cuốc bộ qua chiếc cầu gỗ lụp xụp vào một lối mòn nhỏ dài gần một cây số mới đến nơi. Trước mắt chúng tôi là một vùng đất rộng với những tảng đá lớn, phủ đầy cây cối hoang sơ. Ở giữa vùng đất này có một ngôi đền nhỏ.

Ông cung thắp hương trong Đền thờ Tiên Chúa Bẳng Mương.

Ông cung thắp hương trong Đền thờ Tiên Chúa Bẳng Mương.

Thắp nén hương, ông Cung nói, khoảng thế kỷ 16, vùng đất này chính là nơi quân lính của nhà vua đi qua để đến đón hai nàng thôn nữ người Thái. “Nhưng vì đường đi quá nhỏ hẹp, voi và nhiều vàng bạc, vật phẩm được để ở nơi đây”, ông Cung vừa nói vừa chỉ tay về những tảng đá lớn, được sắp xếp lại với nhau thành đường bao, trũng ở giữa, rêu phủ dày. Ông Cung nói đó là mồ chôn voi.

Vậy hai cô thôn nữ người Thái là ai? Chúng tôi hỏi và được ông Cung kể lại câu chuyện mà bao đời người Thái ở đây vẫn truyền lại: Khoảng thế kỷ 16, có gia đình họ Lò, người Thái Trắng di cư từ Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình) lên Khòng Thái, Mường Mây (nay là xã Chiềng Khoa, Vân Hồ) sinh sống. Một thời gian sau, họ sinh được 3 người con, gồm 1 người con trai và 2 người con gái. Nhiều năm trôi qua, hai nàng thôn nữ họ Lò là Khăm Kéo (cô chị) và Khăm Khe (cô em) càng lớn càng xinh đẹp. Tóc của hai cô như dòng suối, làn da trắng, ửng hồng, chăm chỉ trồng bông, dệt vải, thêu khăn piêu và dạy dân múa xòe, hát dân ca, làm ruộng nước…

Ông Cung giới thiệu về 2 thanh kiếm cổ.

Ông Cung giới thiệu về 2 thanh kiếm cổ.

Tiếng lành đồn xa, câu chuyện về hai nàng thôn nữ xinh đẹp, tài năng đến cung vua. Vua liền phái thuộc hạ là Biên Biền đến vùng Mường Mây để tìm hiểu. Trăm nghe không bằng một thấy, sứ giả bèn phác thảo chân dung hai nàng đưa về cho nhà vua xem. Động lòng trước vẻ đẹp của hai nàng, nhà vua sai quân lính mang châu báu, ngọc ngà và trống đồng đến đón hai nàng về cung. Nhưng vì không muốn xa quê hương, hai nàng xin được ở lại. Tuy nhiên, lệnh vua đã ban khó cưỡng. Quân lính kéo nàng út đi qua Pu Tô Ruỗi, ra thuyền đã chờ sẵn và xuôi theo sông Đà trở về kinh đô. Khi đoàn thuyền đi qua Thác Bờ (một đoạn trên sông Đà, qua tỉnh Hòa Bình, giờ nằm sâu dưới hồ Thủy điện Hòa Bình), nàng bị thu hút bởi mùi hương quyến rũ của chùm hoa ban đang trôi trên dòng sông. Nàng với tay lấy chùm hoa, nhưng vì thuyền chòng chành, nàng rơi xuống sông và chết đuối. Còn nàng Khăm Kéo, khi biết tin quân lính quay lại, nàng đã chạy lên hang đá trên đỉnh thác (suối Tân), gieo mình xuống thác và tự vẫn.

Vì tiếc thương và nhớ đến công lao của hai nàng, dân bản đã lập đền thờ và gọi là nàng Bẳng (Khăm Kéo) và nàng Mương (Khăm Khe).

Dấu tích kho báu

Trời đã sẩm tối, ông Cung vào ngôi đền nhỏ và khoe với chúng tôi 2 thanh kiếm cổ, han gỉ, cùng với những chiếc chum cổ mà ông và người dân đã khai quật được ở đây. “Trước đây, người dân cũng đã khai quật được hai trống đồng trên Pu Tô Ruỗi, hiện đang được trưng bày trên phòng truyền thống huyện Mộc Châu và bảo tàng tỉnh Sơn La”, ông Cung giới thiệu trên đoạn đường về Đền.

Sớm hôm sau, chúng tôi có chuyến đi tiếp theo vào hang Bạc, nằm cách Đền khoảng 2 cây số. Để đi vào đây, chúng tôi đi xe đến cuối bản, rồi đi bộ qua ruộng, theo lối mòn dẫn vào rừng. Đây là nơi ở của hai nàng Bẳng, Mương trước kia.

Tương truyền, những của cải, báu vật của hai nàng sau khi mất được 20 người hầu canh giữ ở đây. Cái tên bản Khọng cũng được gọi từ thời gian đó. Vì thương dân bản, khi có lễ hội, cưới hỏi, những người canh giữ cho người dân mượn những đồ như khăn piêu, chóe… Thế nhưng, vì lòng tham, nhiều người trả lại đồ giả, vì vậy, những người hầu đó quyết định bịt lối vào cửa hang bằng nhiều tảng đá.

Du khách đến tham quan thác Nàng Tiên.

Du khách đến tham quan thác Nàng Tiên.

Trước mặt chúng tôi, dấu tích vẫn còn đó. Cửa hang nằm ở trên vách núi cao chừng 10 mét. Chúng tôi phải trèo qua những tảng đá lớn, gồ ghề để tiến sát cửa hang. Bịt cửa hang là những tảng đá nhỏ, khác hoàn toàn với các tảng đá quanh đấy. Chúng được kết dính với nhau bằng chất liệu có màu mật ong nếu trời nắng; còn khi mưa, thấm nước, lại chuyển thành màu xanh rêu.

“Trước đây, đã có người vào đào bới, thậm chí nổ mìn ở đây với hy vọng tìm kiếm kho báu nhưng không thể phá được cửa hang”, người trai bản đi cùng chúng tôi nói. Vì vậy, người dân càng tin có một kho báu nằm trong hang này. Nơi này cũng được ông Cung và dân bản xây một gian miếu nhỏ để tưởng nhớ hai nàng.

Cách Đền thờ Tiên Chúa Bẳng Mương 2,5 km là ngọn thác tuyệt đẹp có tên là thác Nàng Tiên (thuộc bản Nà Chá, xã Chiềng Khoa, Vân Hồ). Thác chia thành 3 tầng, có làn nước trong vắt, màu xanh ngọc bích chảy đều đặn, như ôm ấp những khe đá, nuôi dưỡng thảm thực vật nguyên sinh, cùng lớp rêu và cây dương xỉ xanh rì, tạo thành bức tranh thủy mặc kỳ vĩ. Dưới dòng nước đổ ầm ập xuống từ tầng 3 của thác, là hang động mà tương truyền chính là nơi nàng Bẳng gieo mình quyên sinh.

Theo ông Cung, đối với người dân xã Chiềng Khoa, có lẽ “kho báu” lớn nhất mà hai nàng để lại, là những di sản văn hóa cùng với câu chuyện, cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp nơi đây. Đền thờ là nơi tổ chức nhiều hoạt động như Lễ hội Hoa Ban vào tháng 2, âm lịch hằng năm. Đó cũng là dịp người dân học tập cách làm du lịch.

Ông Hà Văn Úng, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Khoa cho biết, vào ngày 23/12/2019, Đền thờ Tiên Chúa Bẳng Mương được công nhận Di tích Lịch sử- Văn hóa cấp tỉnh để đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân và phát triển kinh tế- xã hội. Với những điểm “nghi ngờ” có kho báu, địa phương đã tuyên truyền người dân cảnh giác, nếu có các đối tượng khả nghi, cùng phối hợp với chính quyền địa phương ngăn chặn.

Có thể bạn quan tâm

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.