Hư thực hầu đồng: Xiên lình giỗ cha

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đồng thầy siết dải lụa vào cổ, mặt sưng phù, bầm đỏ, mắt lồi như chực bắn ra ngoài. Tay cầm cây lình dài hơn mét nhọn hoắt, sáng bóng, ông múa vài đường rồi há miệng, xiên cây lình trổ từ trong ra má ngoài. Tiếng trống, thanh la quện lẫn mùi nhang khói đầy thần bí. Con nhang đệ tử chắp tay xá lạy sì sụp, mặt mũi biến sắc: Thánh về!  

Đồng Thương đang sử dụng phép thuật trừ tà. Quả cau cắm vào mũi lình để tránh va chạm gây nguy hiểm cho hầu dâng
Đồng Thương đang sử dụng phép thuật trừ tà. Quả cau cắm vào mũi lình để tránh va chạm gây nguy hiểm cho hầu dâng
Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, nghi lễ lên đồng có hai phân nhánh là dòng phù thủy (thờ Đức thánh Trần (Trần Hưng Đạo) và dòng thần tiên (thờ thánh Mẫu).
Dân gian có câu: “Tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ”, và trong ngày “giỗ” các vị tiên thánh cả hai dòng đồng đều có chung hình thức nhập đồng. Riêng dòng đồng phù thủy, mục đích nhập đồng để trừ tà ma, bệnh tật, thế nên tính ma thuật (shaman) rất mạnh, biểu hiện qua việc lấy sắt nhọn dùi qua da thịt, đi trên than, trên lưỡi cày nung đỏ, giẫm chân trên hai lưỡi dao bén ngót, cắt lưỡi lấy máu làm dấu mặt.

Cây lình trung dài 1,2 m của đồng Thương với chỉ ngũ sắc, một pháp khí gắn với tích truyện Trần Hưng Đạo chém giặc Phạm Nhan. ẢNH: LAM PHONG
Cây lình trung dài 1,2 m của đồng Thương với chỉ ngũ sắc, một pháp khí gắn với tích truyện Trần Hưng Đạo chém giặc Phạm Nhan. ẢNH: LAM PHONG
Hành xác
Khác với hình dung về ông thầy phù thủy có gương mặt dữ tợn, ăn mặc kỳ quái, có khả năng trừ tà, đồng Thương nhỏ thó như một anh thư sinh, chất phác đúng cách nhà nông Bắc bộ. Đồng Thương kể: “Bố tôi cũng theo dòng đồng thờ Đức thánh Trần , tôi theo ông cụ rồi nên duyên Phật thánh từ 1989. Lần đầu xiên lình năm 1996. Người làng ốm đau lâu không khỏi, đến nhờ tôi việc lễ bái, thỉnh thánh về phù phép cho con bệnh đỡ. Bình thường tôi ăn nói giữ nhẽ, e thẹn, nhưng ông thánh nhập về thì mặc kệ, thân xác mình đấy còn làm gì là việc của các ngài”.
Khi đồng Thương lôi đồ nghề hành lễ gồm bộ lình và hai cây vớt ra, tôi bắt đầu có cảm giác “ớn ớn”. Cây lình tiểu khoảng 0,8 m, cây trung 1,2 m, to bằng ngón tay trỏ, hai cây vớt mỗi cây dài cỡ 0,4 m, một đầu tán như lưỡi đao bén ngót, đầu còn lại nhọn hoắt. Đồng Thương mài giũa các đầu nhọn của bộ lình vớt, bảo thêm: “Bộ lình này do bố tôi truyền lại, hai cây vớt do tôi tự làm. Cây lình đại dài hơn 1,5 m tôi để ngoài đình, dịp hệ trọng mới dùng đến nó. Khi xiên lình sẽ dùng một cây lình và hai cây vớt để thực hành nghi lễ, đâm xuyên qua gò má, lấy dấu mặn”.
Đến ngày hành lễ, đồng Thương khăn áo chỉnh tề lên điện thờ, cũng có hầu dâng, cung văn, nhưng không khí buổi lễ hoàn toàn trái ngược với dòng đồng Tam tứ phủ (vốn mang hình thức vui tươi, hoan hỉ - PV). Khi nghi lễ bắt đầu, bầu không khí điện thờ chùng xuống, sự huyền bí, linh thiêng, nghiêm cẩn, lo âu bao trùm.
Tiếng trống dồn dập, giai đoạn cao trào là khi hai hầu dâng lấy dải lụa xoắn lại, lên đai cho đồng Thương quanh bụng, siết cảm giác đến nghẹt thở. Cái đai thứ hai quấn vào cổ, thắt chặt đến nỗi nhìn gương mặt đồng Thương phù lên, đỏ bầm, mắt trắng dã, đứng tròng. Hầu dâng đưa cho đồng Thương cây lình trung, ông nhận lấy múa vài đường, ngậm mũi nhọn vào trong miệng rồi giựt người, rùng mình, giậm chân, lấy tay đẩy xuyên mũi lình trổ ra gò má phía ngoài. Con nhang đệ tử trong điện thờ sì sụp lạy. Người hầu dâng lấy quả cau tươi trên bàn thờ, gắn vào mũi lình xiên gò má. Hai cây vớt lại được dâng lên “Đức thánh Trần”, đồng Thương đâm từng cây vớt xuyên qua má, rồi bẻ quặt lên thái dương, lấy dải lụa cố định. Hai gò má bị cây vớt bạnh ra, gương mặt đồng Thương càng trở nên gớm ghiếc, dữ tợn. Con bệnh, đệ tử ngồi dưới, áp lực tâm lý thấy rõ, ai nấy mặt mày thất thần, lộ rõ sự sợ hãi tột độ.
Sau màn ngự giá lên thân xác đồng Thương, kéo dài hơn 5 phút, các đai thắt dần được gỡ bỏ, rồi hai cây vớt, sau cùng là cây lình, cũng là lúc ngài (Đức thánh Trần) xa giá hồi cung. Đồng Thương trở về với người phàm, mồ hôi nhễ nhại, nghi lễ kết thúc, ông ngồi bên điện thờ, nhấp ngụm trà, ghé mặt cho tôi xem các vết đâm của lình - vớt, quả thật chẳng có tí sứt sẹo hay máu chảy. Con nhang đệ tử, người đau bệnh lục tục chia lộc thánh, chào đồng thầy ra về trong hân hoan, với nét thanh thản lộ rõ trên từng gương mặt. Đồng Thương từ cõi thánh, trở về nguyên hình một anh nông dân bình dị, chất phác như tôi đã gặp ngày hôm qua.

Đồng thầy Lê Văn Thương với nghi thức xiên lình của dòng đồng thờ Đức thánh Trần
Đồng thầy Lê Văn Thương với nghi thức xiên lình của dòng đồng thờ Đức thánh Trần
Giải mã xiên lình
Nghi thức lên đồng được cho là có từ cách đây cả ngàn năm, trước cả tín ngưỡng dân gian tam phủ - tứ phủ. Việc thực hành nghi lễ dựa trên một người trung gian đứng ra làm thần dựa để tổ tiên - có huyết thống với người sống làm thần dựa - nhập về, giao tiếp, phán truyền cùng người sống.
Kiêng cữ trước khi xiên lình
Trước kia hai dòng đồng thờ Đức thánh Trần và Tam tứ phủ tách biệt nhau, các đồng thầy dòng phù thủy - ma thuật tự khẳng định mình ở một vị thế khác trong giới đồng cốt, cả về đẳng cấp lẫn quyền lực. Qua thời gian, yếu tố shaman trong các nghi thức rùng rợn giảm dần, thay vào đó là hình thức lên đồng, cầu tài lộc, may mắn đậm tính thị trường của Tam tứ phủ, các đồng thầy có năng lực xiên lình ngày càng ít đi, dẫn đến sự hòa nhập của hai dòng đồng.
Hỏi đồng Thương khi xiên lình qua da thịt, có bao giờ bị chảy máu, ông bảo: “Trước khi bắc ghế hầu, phải kiêng ăn gia súc gia cầm, ăn chay cả tuần. Chuyện nam nữ càng phải kiêng. Có lần xiên lình tôi bị chảy máu ròng ròng, do không kiêng cữ, giữ chay đúng ngày, nên khi hầu ngài không độ cho. Khi bị thế phải xin phép ngài, lấy nến hơ tay rồi bịt vết thương hoặc lấy giấy bản giấy vàng rịn vào, thế là lại cầm thôi”.
Dòng đồng thờ Đức thánh Trần hình thành từ thế kỷ 13, sau khi Trần Hưng Đạo hiển thánh, được nhân dân tôn thờ và dần trở thành “Ngọc Hoàng” của Việt Nam. Điểm ấn tượng nhất của dòng này là nghi thức xiên lình. Trong đó tính shaman, tức người trần được thánh hóa thân, siêu linh, thể hiện rùng rợn qua xiên lình hành xác.
Xiên lình là sử dụng thanh kim loại hình trụ tròn, một đầu mài nhọn, xiên qua da thịt người thực hành nghi lễ. Khi thực hành xiên lình, các đồng thầy coi mình không phải là người thường, mà là hiện thân Đức thánh Trần. Họ rơi vào trạng thái nhập hồn của thần linh, tạo ra năng lực đặc biệt cho cơ thể, mà lúc bình thường cơ thể không thể làm được.
Những vị trí xiên lình thường là hai bên má, yết hầu. Khi thực hành nghi lễ xiên lình thường xuyên, vị trí trên da thịt sẽ tạo thành các nếp, chai sần, dễ dàng xuyên vật nhọn qua mà không gây chảy máu.
Các đồng thầy trong dòng đồng Đức thánh Trần tin rằng nghi thức xiên lình vừa khẳng định mình có năng lực đặc biệt, có phép thuật trừ tà ma, bệnh tật, mang lại an lành cho con nhang đệ tử. Đây cũng là cách các đồng thầy tăng thêm quan niệm về sức mạnh Đức thánh Trần. Một cách tái hiện hình ảnh Đức thánh Trần dùng phép thuật, lấy thanh kiếm thần diệt trừ giặc Phạm Nhan khi xưa.
Ở Việt Nam, đồng thầy theo dòng thờ Đức thánh Trần có thể thực hành nghi thức xiên lình, chỉ đếm đầu ngón tay. Đồng thầy Lê Văn Thương, Lý Nhân, Hà Nam với thâm niên 30 năm thờ Đức thánh Trần là của hiếm. Hằng năm, ông vẫn đều đặn thực hành nghi lễ xiên lình, lấy dấu mặn làm bùa trấn yểm, chữa bệnh, cầu an vào rằm tháng giêng và 12.8 âm lịch.
(còn tiếp)
Theo Lam Phong (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.