Hư thực hầu đồng: Giới 'nghệ' lên đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
'Vấn hầu' đang hăng, nhạc đùng đùng phát, ba vị nghệ sĩ bị (tự nguyện) 'nhập đồng' vào vai ác quỷ, ông tây và ông tàu. Công an ập đến, cả đám xem lên đồng tán loạn, chạy rẽ đất. Ba vai chính tham gia vấn hầu hôm ấy, mỗi vị đóng phạt 1,5 triệu đồng bởi cái tội... tụ họp trái phép, gây mất an ninh trật tự trong giá đồng có tên gọi: Đồng cu.

Họa sĩ Trần Tuấn Long và các giá đồng thể hiện qua chất liệu sơn mài. Ảnh: LAM PHONG
Họa sĩ Trần Tuấn Long và các giá đồng thể hiện qua chất liệu sơn mài. Ảnh: LAM PHONG
Với dòng đồng thờ Mẫu, người theo có hai dạng, một là có căn đồng số lính hẳn hoi, hai là lợi dụng, đua đú, trình đồng chẳng theo lề lối, khuôn phép, cùng những biến tướng sau chiếu hầu khiến con nhà Mẫu ít nhiều bị điều tiếng.
Riêng với giới nghệ sĩ, những độc đáo trong hầu đồng nhìn ở góc độ nghệ thuật lại là nguồn cảm hứng vô tận, mỗi người có cách thể hiện khác nhau, tiêu cực, tích cực đều có, mà khía cạnh nào cũng phê tơi như... lên đồng.
Nhớ chuyện “Đồng cu”
“Đồng” - nguyên tố hóa học ký hiệu là “Cu”. “Đồng cu” tuy hai mà một. Ở góc độ tín ngưỡng dân gian, “đồng” là ông đồng, bà đồng, thanh đồng... những người theo Mẫu, lại kèm với “cu”, đích thị là... thằng cu lên đồng. Ba gã “đồng cu” ấy là các nghệ sĩ đương đại Lê Nguyên Mạnh, Nguyễn Hồng Phương và Lê Anh Hoài.
Gặp lại Nguyễn Hồng Phương, một trong bộ tam tác giả “Đồng cu” ngày nào, anh kể lại: “Những năm 2000, hầu đồng hoạt động rất mạnh, nghệ sĩ chúng tôi được tham dự nhiều vấn hầu lớn, tính bằng tiền tỉ, con nhang đệ tử khắp nước tụ về. Sập công đồng bình thường có hai đến bốn hầu dâng, giá đồng chúng tôi xem có đến tám. Vị đồng thầy còn bảo sẽ làm một buổi trình đồng có đến 32 hầu dâng. Sau các vấn hầu tồn tại nhiều vấn đề tiêu cực liên quan đến tiền bạc, danh lợi và cả tình yêu, giới tính, về độ thực hư của chuyện nhập đồng. Từ đó, nhóm nghệ sĩ sắp đặt đương đại chúng tôi gồm Lê Nguyên Mạnh, Lê Anh Hoài và tôi, vẽ ra câu chuyện làm vấn hầu có tên “Đồng cu” nhằm phê phán, giễu nhại những ông đồng bà cốt lợi dụng tín ngưỡng thờ Mẫu để trục lợi, tô vẽ bản thân”.

Nét đẹp trong nghi lễ lên đồng là nguồn cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ trong sáng tác nghệ thuật
Nét đẹp trong nghi lễ lên đồng là nguồn cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ trong sáng tác nghệ thuật
Địa điểm của “canh hầu” Đồng cu diễn ra tại 12 Đặng Thai Mai, Q.Tây Hồ, Hà Nội - một studio sáng tác tranh nghệ thuật, với khoảng hơn 50 người tham dự. Khi cả ba ông nghệ lên đồng, Lê Nguyên Mạnh vai “thanh đồng”, bị quỷ nhập, mang lốt quỷ, hai hầu dâng là Nguyễn Hồng Phương (vai tay chơi Thượng Hải) còn Lê Anh Hoài (vai ông Tây). Nhạc được bung hết cỡ, thánh chưa giáng thì quỷ đã về, quỷ hiện hình, khui rượu tây nốc như điên, rồi vừa uống vừa “ban lộc” rót rượu cho khách tham dự. Một buổi trình diễn sắp đặt đương đại, lấy cái nền dân gian biểu đạt qua sự giễu nhại, đả kích mặt trái của thế giới đồng bóng.
“Canh hầu” của ba ông Đồng cu chưa ra ngô ra khoai, có tin báo, công an vào cuộc, ba Đồng cu nhanh chân trốn biệt, may không bị tóm cổ. “Canh hầu” Đồng cu bị giải tán. Ngay hôm sau, ba Đồng cu nhận giấy triệu tập đầy đủ tên họ, chịu nộp phạt bởi cái tội... gây rối, tụ tập không xin phép. Họa sĩ Nguyễn Hồng Phương kể thêm: “Ngày ấy dựng đền phủ còn khó khăn lắm, hầu đồng người ta phải hầu kín, lại còn phải trình báo miệng cho địa phương hẳn hoi, đám chúng tôi làm lộ liễu quá”.
Nhưng canh hầu Đồng cu ấy lại là nguồn hứng khởi để họa sĩ Lê Nguyên Mạnh ra lò một bộ sưu tập 12 tác phẩm mang tên Bóng gợi những liên quan đến đồng bóng. Bộ tranh này ngoài ngôn ngữ nghệ thuật đương đại, người xem thấy trong đó là sự vui nhộn, hài hước ẩn khuất trong nghệ thuật hầu đồng.
Giá thánh
“Say” với tín ngưỡng hầu đồng hơn 20 năm, họa sĩ Trần Tuấn Long là một kẻ đặc dị trong giới nghệ sĩ Hà Nội. Anh tận dụng hình ảnh u u minh minh, khi ảo diệu, khi trần trụi của nghệ thuật lên đồng, chắt lọc thành các tác phẩm hội họa sơn mài.

Họa sĩ Nguyễn Hồng Phương - Đồng cu ngày nào
Họa sĩ Nguyễn Hồng Phương - Đồng cu ngày nào
Thời lên đồng còn mang tiếng mê tín dị đoan, giới đồng cốt phải lén lút hầu thánh, họa sĩ Trần Tuấn Long đã sáng tác đề tài lên đồng. Anh rị mọ đi khắp đền phủ phía bắc nghiên cứu, mày mò, gặp gỡ các ông đồng bà cốt trò chuyện, ghi nhận thông tin giá thánh, nắm bắt thần thái, tính cách từng vị trong 36 giá đồng, chỉ đơn giản là thấy trong đó một nét đẹp rất Việt, rất gần gũi và muốn khai thác triệt để, biểu đạt bằng ngôn ngữ hội họa.
Anh chia sẻ: “Mẫu là một nhưng hóa thân thành bốn và cai quản bốn miền khác nhau của vũ trụ, trời đất, sông nước và rừng núi, mỗi vùng biểu tượng một màu sắc khác biệt. Mẫu thiên màu đỏ, địa màu vàng, thoải (miền sông nước) màu trắng, thượng ngàn (rừng) màu xanh”.
Nhưng để chuyển tải cái đẹp ấy thành tác phẩm, Trần Tuấn Long cho biết bộ tranh hầu đồng đủ để triển lãm từ nhiều năm trước, nhưng ba lần xin giấy phép triển lãm cá nhân đều bị từ chối bởi định kiến cho rằng tác phẩm có phần cổ súy mê tín dị đoan. Mãi đến khi Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới, năm 2017, bộ tranh lên đồng gồm 26 tác phẩm mới có cơ hội trình làng.
Bền bỉ sáng tác, có những lúc ngặt nghèo với cơm áo gạo tiền, nhưng độ lì của người làm nghề đã giúp họa sĩ Trần Tuấn Long vượt qua rào cản định kiến để bộ tranh về nghệ thuật hầu đồng của anh thực sự tỏa sáng. Một gallery ở Cao Hùng (Đài Loan) muốn gom trọn bộ tranh hầu đồng, Trần Tuấn Long cho biết: “Ban đầu cũng đắn đo, nhưng sau tôi quyết định chỉ để lưu hành trong nước, vì tín ngưỡng dân gian này gắn bó với người Việt, chỉ người Việt hiểu rõ nhất nên tôi muốn bộ tranh này ở lại Việt Nam”.
Những kỹ thuật ẩn hiện, sâu lắng của hội họa sơn mài, khi vận dụng hình ảnh giá thánh tạo nên một “cõi” riêng mang đậm dấu ấn sáng tác Trần Tuấn Long. Vẫn tiếp tục theo đuổi đề tài chính là các giá đồng, họa sĩ tâm sự thêm: “Một chút duy tâm, tôi có cảm giác như mình được giao nhiệm vụ thực hiện đề tài này. Tác phẩm ra đến đâu, người yêu tranh (thanh đồng có, người ngoại đạo cũng có) chọn mua hết. Điều lạ là hầu hết đều là những nhà sưu tập đến từ TP.HCM”.
Đưa hầu đồng vào nghệ thuật
Yếu tố nghệ thuật (thị giác) trong hầu đồng thông qua trang phục, nhìn bộ khăn áo, người xem nhận biết đó là ông quan, ông hoàng, hay hàng cô hàng cậu. Vận dụng kỹ thuật làm chủ chất liệu sơn mài, họa sĩ Trần Tuấn Long là người hiếm hoi đưa hầu đồng thành công vào hội họa thông qua đặc tả cụ thể, chi tiết các giá thánh.
Nhiều nghệ sĩ ở các lĩnh vực khác ngoài hội họa, cũng đưa nét đẹp trong tín ngưỡng hầu đồng vào nghệ thuật đương đại. Lĩnh vực sân khấu có vở diễn Tứ phủ của đạo diễn Trần Việt Tú, Ngũ biến do nghệ sĩ nhân dân Anh Tú đạo diễn; âm nhạc có MV Tứ phủ của ca sĩ Hoàng Thùy Linh.
Theo Lam Phong (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.