Hợp tác xã Tơ Tung hoạt động hiệu quả nhờ đầu tư máy móc, thiết bị

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp-Thương mại và Dịch vụ Tơ Tung (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) chú trọng đầu tư máy móc, thiết bị để nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm cải thiện thu nhập cho các thành viên. 
Hợp tác xã Nông nghiệp-Thương mại và Dịch vụ Tơ Tung được thành lập vào tháng 5-2018, hoạt động trong các lĩnh vực: chế biến nông sản, sản xuất lúa nước và phát triển các ngành nghề truyền thống. Với phương châm lấy chất lượng đặt lên hàng đầu, ngay sau khi ổn định tổ chức, HTX đã huy động nguồn lực của các thành viên đầu tư gần 800 triệu đồng xây dựng nhà xưởng, mua máy sấy nông sản, lò nấu và hệ thống chiết xuất tinh dầu sả.
Giám đốc HTX Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết: 41 thành viên của HTX trồng 32 ha sả, năng suất đạt 13 tấn/ha/năm. Ngoài cây sả, mỗi năm, HTX còn thu mua hàng chục tấn măng le, bí đao và nhận sấy nhiều loại nông sản như: nấm, chè dây, đinh lăng, chuối hột… cho người dân trên địa bàn. Do đó, việc đầu tư máy móc, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến rất cần thiết.
“Nông sản thu mua về, HTX đem chế biến, sấy khô kịp thời nên khi ra thành phẩm có chất lượng, mùi thơm đặc trưng, được thị trường đánh giá cao. Việc đầu tư trang-thiết bị hiện đại để chiết xuất tinh dầu sả giúp chất lượng sản phẩm tốt hơn”-bà Hương khẳng định.
Hợp tác xã Tơ Tung đầu tư máy sấy để nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm. Ảnh: Ngọc Minh
Hợp tác xã Tơ Tung đầu tư máy sấy để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Ảnh: Ngọc Minh
Năm 2019, HTX chọn sản phẩm măng le khô để đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Sản phẩm này sau đó đã được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Trên cơ sở đó, HTX tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ. Đầu năm 2020, sản phẩm măng le khô của HTX đã có mặt trong chuỗi siêu thị thuộc Tập đoàn Central Retail Việt Nam ở tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Thừa Thiên-Huế và TP. Đà Nẵng. Sản phẩm cũng được trưng bày tại các cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP trên toàn quốc.
Riêng mặt hàng tinh dầu sả của HTX được một công ty dược ở TP. Hồ Chí Minh bao tiêu với giá 350-400 ngàn đồng/lít. Ngoài ra, các sản phẩm trà bí đao, dược liệu, trái cây… được thị trường ưa chuộng, đánh giá cao. Nhờ đó, doanh thu năm 2020 đạt trên 1,8 tỷ đồng, góp phần nâng cao thu nhập cho thành viên.
Được HTX Nông nghiệp-Thương mại và Dịch vụ Tơ Tung định hướng, bao tiêu sản phẩm, đầu năm 2019, anh Phan Đình Hào (làng Đồng Tâm) đã chuyển đổi 4 sào mì sang trồng cây sả Java. Anh Hào cho biết: “Gia đình tôi có 6 sào đất, trong đó 2 sào dùng cấy lúa. Diện tích còn lại trồng mì thu nhập chẳng đáng là bao. Khi chuyển sang trồng cây sả, cứ 2 tháng, gia đình tôi thu về 5-6 triệu đồng”.
Măng le khô của HTX Tơ Tung đã có mặt trong chuỗi siêu thị thuộc Tập đoàn Central Retail Việt Nam. Ảnh Ngọc Minh
Sản phẩm măng le khô của HTX Tơ Tung đã có mặt trong chuỗi siêu thị thuộc Tập đoàn Central Retail Việt Nam. Ảnh: Ngọc Minh
Cùng với việc đầu tư chế biến nông sản, HTX Nông nghiệp-Thương mại và Dịch vụ Tơ Tung còn chú trọng xây dựng sản phẩm OCOP. Sau khi sản phẩm măng le sấy khô được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh, năm 2020, HTX tiếp tục chọn sản phẩm trà bí đao và tinh dầu sả đăng ký tham gia Chương trình OCOP.
Giám đốc HTX cho biết thêm: “Do còn thiếu một số thủ tục nên 2 sản phẩm này chưa được công nhận. Năm 2021, chúng tôi cố gắng hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu của Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Hợp tác xã cũng sẽ chú trọng đa dạng hóa sản phẩm đi kèm với nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường tiêu thụ”. 
Ông Mã Văn Tình-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang-cho biết: Hợp tác xã Nông nghiệp-Thương mại và Dịch vụ Tơ Tung hoạt động có hiệu quả. Những năm qua, HTX đã chú trọng đầu tư máy móc để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và liên kết tiêu thụ nông sản, đem lại thu nhập ổn định cho người dân.
“Những năm tới, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn hỗ trợ HTX xây dựng sản phẩm OCOP. Đồng thời, tìm kiếm, liên hệ với các doanh nghiệp để HTX liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân”-ông Tình thông tin.
NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

(GLO)- Nhờ biết tính toán và tích cực lao động sản xuất nên gia đình ông Rơ Châm Pyik (làng Châm Aneh, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) có nguồn thu ổn định hơn 900 triệu đồng/năm. Không những thế, ông còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động ở cơ sở.

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

(GLO)- Chiều 29-10, tại xã Ia Tô, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Công ty cổ phần Giống cây trồng, vật nuôi Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo đánh giá kết quả sản xuất giống lúa HG12 trên địa bàn huyện trong vụ mùa năm 2024. 

Tuổi cao vẫn bền chí làm giàu

Tuổi cao vẫn bền chí làm giàu

(GLO)- Sở hữu 5 ha cà phê với thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm nhưng ông Amyơm (SN 1964; làng Dơk Rơng, xã Glar, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) vẫn muốn mở rộng thêm diện tích nhằm nâng cao thu nhập cùng quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp

Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp

(GLO)- Từ nguồn hỗ trợ của Trung ương và ngân sách địa phương, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Gia Lai phối hợp với các địa phương xây dựng nhiều mô hình trình diễn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi cho người dân. Nhờ đó, năng suất, chất lượng nông sản địa phương được nâng cao.

Chăn nuôi bò kết hợp trùn quế: Lợi ích kép

Chăn nuôi bò kết hợp trùn quế: Lợi ích kép

(GLO)- Tuy mới thành lập nhưng Tổ hội nghề nghiệp nuôi trùn quế xã Tú An (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã mang lại lợi ích kép cho các thành viên khi không chỉ tạo cơ hội chia sẻ kinh nghiệm làm ăn mà còn thúc đẩy việc nhân rộng mô hình chăn nuôi bò kết hợp nuôi trùn quế.