(GLO)- Nhằm tìm kiếm ý tưởng mới, sáng tạo trong kinh doanh và phát triển du lịch của tỉnh Gia Lai; thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, doanh nghiệp, các tổ chức có nhu cầu hoạt động trong lĩnh vực du lịch, Hội thảo khởi nghiệp du lịch năm 2018 được tổ chức vào ngày 27-9- 2018 là chiếc cầu nối cho tất cả các đối tượng tham gia với chính quyền địa phương trong việc tiếp nhận ý tưởng và hỗ trợ ý tưởng thành hiện thực. Các ý tưởng, sáng kiến mới về phát triển du lịch sẽ được vận dụng vào thực tiễn, đóng góp cho quá trình xây dựng kế hoạch ngắn và dài hạn về du lịch của tỉnh nhà.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Thanh Thảo |
Các đối tượng tham gia viết tham luận về chương trình khởi nghiệp du lịch tại Gia Lai sẽ được cung cấp thông tin về du lịch của tỉnh gồm các dự án đề xuất, đặc điểm về tài nguyên du lịch của tỉnh, các chính sách, định hướng phát triển du lịch của tỉnh. Những ý tưởng, sáng kiến có giá trị thực tiễn sẽ được sử dụng cho mục đích phát triển du lịch của tỉnh. Các ý tưởng, sáng kiến khởi nghiệp du lịch hướng đến các đối tượng là các Hiệp hội, tổ chức nghề nghiệp trong và ngoài tỉnh: Hiệp hội Du lịch, Hiệp hội Doanh nghiệp, Hội Doanh nhân trẻ; CLB Nữ doanh nghiệp; Tỉnh Đoàn; sinh viên năm cuối, đã ra trường của các trường đại học có mối liên hệ với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch. Sau khi tuyển chọn và xét duyệt sẽ bình chọn những ý tưởng, sáng kiến có tính đột phá để trao giải thưởng.
Có khoảng 20 bài viết về ý tưởng, sáng kiến của các tổ chức, cá nhân tham gia về các đề tài như: Du lịch Gia Lai-Những giải pháp để khởi nghiệp; Phát triển du lịch Team Building tại Gia Lai-Tiềm năng và khuyến nghị; Phát triển các loại hình du lịch trải nghiệm tại Gia Lai; Phát triển và kinh doanh loại hình du lịch canh nông tại Gia Lai... Trong đó ba ý tưởng đạt giải là: Tour du lịch “Đường dẫn tới khung thành”; “Xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng” tại làng Ốp, phường Hoa Lư, TP. Pleiku; Xây dựng chiến dịch “Ơ này Gia Lai”. Những ý tưởng đạt giải sẽ trình bày tham luận, trao đổi kinh nghiệm phát triển du lịch tại hội nghị. Các tác giả sẽ nhận phản biện các ý tưởng, sáng kiến về khởi nghiệp du lịch nhằm khai thác được giá trị thực tiễn của sáng kiến.
Sản phẩm Tour du lịch “Đường dẫn tới khung thành” đại diện nhóm nghiên cứu của học viện ngân hàng đạt giải nhất ý tưởng khởi nghiệp du lịch tỉnh Gia Lai đã lấy ý tưởng về việc Gia Lai sở hữu một lợi thế lớn trong phát triển du lịch kết hợp thể thao. Việc thiết kế một tour du lịch kết hợp thể thao tại tỉnh Gia Lai vừa đáp ứng nhu cầu đi thăm các danh lam thắng cảnh và các khu vực văn hóa, tâm linh của khách du lịch cũng nhu cầu trải nghiệm bóng đá như giao lưu với các cầu thủ của Câu lạc bộ Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai hoặc tham dự một khóa luyện tập đá bóng sẽ giúp tận dụng lợi thế độc đáo kể trên và phát huy các tiềm năng du lịch của tỉnh Gia Lai. Các hoạt động trải nghiệm gồm: Tham quan các địa điểm du lịch liên quan đến bóng đá; Trải nghiệm cuộc sống cầu thủ tại Học viện bóng đá HAGL – JMG; Giao lưu cùng thần tượng và tham quan. Tour du lịch này nhắm tới lớp khách hàng trẻ có niềm đam mê bóng đá, ưa thích vận động, và các gia đình có mong muốn cho con tham gia vào các khóa sinh hoạt, vui chơi ngoài trời bổ dưỡng và lý thú, nhận được sự đánh giá cao tại hội thảo.
Ý tưởng “Xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng” tại làng Ốp, phường Hoa Lư, TP. Pleiku của tác giả Nguyễn Tấn Thành-Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Gia Lai không chỉ được xem là “điểm nhấn” du lịch cộng đồng của thành phố Pleiku mà còn xây dựng thành một mô hình kiểu mẫu về tổ chức lại sản xuất cho nông dân; giúp người dân phát triển kinh tế một cách ổn định, bền vững, có thu nhập tốt hơn, phù hợp với hướng phát triển du lịch cộng đồng thân thiện với môi trường thiên nhiên và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của người dân tộc Jrai ở Làng Ốp nói riêng, cũng như đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Gia Lai nói chung.
Tác giả ý tưởng "Ơ này Gia Lai" trình bày tại hội thảo. Ảnh: V.T.T |
Loại hình hoạt động về ý tưởng này được xây dựng như: Tổ chức hướng dẫn tham quan bản làng, giới thiệu tập quán người Jrai cho khách du lịch; Tổ chức các sự kiện tái hiện không gian văn hóa truyền thống bản làng phục vụ khách du lịch: Biểu diễn văn nghệ, cồng chiêng, lửa trại, tạc tượng, đan lát, dệt thổ cẩm, giã gạo, các trò chơi dân gian (cà kheo, bắn nỏ…); Xây dựng khu sản xuất nghề truyền thống để khách tham quan, trải nghiệm và mua sắm; Tổ chức và phục vụ bán hàng lưu niệm Tây nguyên, ẩm thực đặc sản miền núi và Homestay (ở qua đêm) cho khách du lịch; Các hình thức tổ chức giải trí khác như: trải nghiệm làm ruộng, trồng rau, bắt cá ở đồng, hái cà phê cùng với dân làng, học và thử làm các sản phẩm nghề truyền thống của làng...
Nhóm nghiên cứu về ý tưởng Xây dựng chiến dịch “Ơ này Gia Lai” để quảng bá du lịch Gia Lai đạt giải ba tại cuộc thi đã xây dựng ý tưởng kể chuyện Gia Lai (storytelling) như công cụ đắc lực của xây dựng thương hiệu, từ đó tiếp thị, quảng bá hình ảnh du lịch của địa phương một cách rộng rãi. Dựa trên định hướng phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh, dự án lần lượt kể các câu chuyện liên quan đến các sản phẩm: Du lịch sinh thái, Du lịch văn hoá bản sắc dân tộc Tây Nguyên, Du lịch trang trại nông nghiệp, Du lịch nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe, Du lịch tâm linh…
Nhiều ý tưởng, đề tài mang tính ứng dựng thực tế cao nhằm xây dựng sản phẩm du lịch cốt lõi, không trùng lặp và tạo điểm nhấn riêng cho du lịch Gia Lai đó là mục tiêu, là định hướng cho ngành du lịch tỉnh nhà đang ngày càng hoàn thiện và lớn lên từng ngày.
Võ Thanh Thảo (tổng hợp)