Đến giờ, những người lớn tuổi ở Nông trường Sông Hậu (H.Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ) vẫn nhớ cảnh người dân chạy tán loạn khi một ngày đầu năm 1980 thấy 2 chiếc trực thăng UH-1A quần đảo trên cánh đồng.
|
Trực thăng UH-1A số hiệu 510 cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất đi làm nhiệm vụ gieo hạt giống TƯ LIỆU A41 |
Mãi khi cán bộ xã thông báo: “Trực thăng của Không quân Nhân dân Việt Nam gieo hạt lúa, không phải Mỹ đâu”, người ta mới ngớ người ngạc nhiên...
Từ đầu năm 1976, khi Quân chủng Phòng không - Không quân (QC PK - KQ) giảm mức ăn cho đối tượng trực tiếp sản xuất từ 21 kg gạo xuống 19 kg và yêu cầu mỗi đơn vị phải tự túc 3 tháng lương thực/năm, Xưởng A41 phải cử người về Long An mượn đất trồng lúa nuôi quân...
Trực thăng vũ trang gieo hạt giống
Thiếu tá Trần Ngọc Khanh khi đó là Xưởng trưởng A41 (nay là Nhà máy A41) trong các buổi làm việc với địa phương, kết thân với ông Trần Ngọc Hoằng cũng là bộ đội xuất ngũ đang giữ chức Phó ty Nông nghiệp Hậu Giang lúc bấy giờ.
Tháng 4.1979, ông Hoằng được cử làm Giám đốc Nông trường Sông Hậu vừa mới thành lập, cùng với 16 cán bộ trẻ làm nhiệm vụ khai hoang vùng đất rộng lớn còn hoang hóa ở vùng Hậu Giang. Trước cảnh cánh đồng thẳng cánh cò bay không kham nổi bằng sức người, ông Hoằng chợt nhớ ra những người bạn không quân và sau đó đặt vấn đề với lãnh đạo Nhà máy A41: “Các anh đề đạt cấp trên cho máy bay gieo hạt giúp chúng tôi”.
QC PK - KQ đồng ý ngay với đề xuất và giao nhiệm vụ cho Xưởng A41 ngay trong quý 1/1980, phải cải tiến máy bay trực thăng UH-1A làm nhiệm vụ gieo hạt ở ĐBSCL. Kỹ sư Phan Bàng cùng các đồng nghiệp ở ban kỹ thuật nhận nhiệm vụ thiết kế hệ thống gieo lắp ở cửa máy bay. Lần mò mấy tháng, cũng chế được chiếc thùng sắt và hệ thống quạt gió hoạt động theo nguyên lý: Đổ hạt giống đầy thùng, đến địa điểm gieo, phi công bật công tắc mở cửa xả, đồng thời quạt gió hoạt động đẩy hạt giống ra...
Ngày 24.4.1980, biên đội 2 chiếc trực thăng UH-1A số hiệu 668 và 053 do các phi công Trung đoàn 917 điều khiển, lần đầu gieo hạt trên cánh đồng Mộc Hóa, Long An. Nhận xét về công trình máy bay UH-1A được cải tiến làm phương tiện gieo hạt, lãnh đạo tỉnh Long An hồi ấy nhìn nhận: “Là thiết bị tốt, đạt yêu cầu gieo thẳng, có nhiều tiện lợi hơn khi gieo bằng máy bay có cánh, đã gieo cho Nông trường Lúa Vàng 4.270 ha. Vụ mùa qua, do có máy bay gieo hạt nên đã làm kịp thời vụ, tiết kiệm cho nông trường hàng trăm ngàn đồng, không phải bỏ lại hàng ngàn héc ta đất đã cày”…
|
Vận chuyển hạt giống vào hệ thống gieo hạt của máy bay trực thăng |
Tuy nhiên, do gieo trồng trên diện rộng, khi lúa chín rộ, nông trường không đủ nhân lực thu hoạch, phải bỏ đi rất phí. Các cán bộ công nhân sáng chế hệ thống gieo hạt giống thời ấy được lãnh đạo nông trường cho thoải mái mang gạo về TP.HCM, khi nào trực thăng không chở được thì thôi.
Đến tháng 4.1980, Xưởng A41 đã chính thức cải tiến được 2 chiếc UH-1A chuyên làm phương tiện gieo hạt giống lúa và Tư lệnh quân chủng tặng bằng khen cho Xưởng A41 và kỹ sư Phan Bàng, đại tá Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc A41. Cả hai nhớ lại: Nhiều thôn xóm vùng sâu xa, khi trực thăng đến gieo hạt, bà con cứ tưởng máy bay vũ trang của Mỹ ngày xưa quay lại nên chạy trốn hết. Có nơi, du kích còn mang súng AR-15 bắn như đổ đạn khiến phi công phải gọi về sở chỉ huy cầu cứu…
U-6A phun thuốc trừ sâu
Ngày 17.2.1979, cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc nổ ra trên toàn tuyến biên giới phía bắc nước ta. Ngày 19.2.1979, chấp hành mệnh lệnh chiến đấu số 101/BTL của Tư lệnh quân chủng, Xưởng A41 tổ chức các tổ sửa chữa cơ động sẵn sàng phục vụ đơn vị chiến đấu khi có lệnh và chuyển sang chế độ làm việc thời chiến, làm việc 16 giờ/ngày với lời tuyên thệ: “Hôm nay chúng ta nguyện làm nhiều việc tốt, vì Tổ quốc sẵn sàng hy sinh”. Xưởng tập trung thực hiện nhiệm vụ bảo đảm máy bay, phương tiện sát thương và các trang bị bổ trợ sẵn sàng cơ động ra các sân bay phía bắc khi có lệnh điều động. |
Trung tá Trần Ngọc Khanh, đã nghỉ hưu, hiện sống tại Q.Thanh Xuân (TP.Hà Nội), trầm ngâm: Đầu năm 1977, tình hình kinh tế đất nước ngày càng khó khăn, các ngành các đơn vị tìm mọi cách “bí mật làm kinh tế” để cải thiện đời sống cán bộ công nhân. Nắm bắt thực tế “đất rộng người thưa”, nhiều tỉnh ở ĐBSCL không đủ nhân lực phun thuốc trừ sâu cho cây quả, nên lãnh đạo xưởng xin cấp trên cho phép cải tiến khí tài chiến đấu phục vụ dân sinh phát triển kinh tế chung.
Ngày 16.2.1977, Xưởng trưởng Trần Ngọc Khanh triệu tập cuộc họp các cán bộ chủ chốt khu vực Tân Sơn Nhất bàn về việc cải tiến máy bay U-6A để phun thuốc trừ sâu. “Vẫn biết đây là đề tài có ý nghĩa sâu sắc, vì sau hòa bình, lần đầu tiên quân đội tham gia làm kinh tế bằng chính phương tiện, khả năng của mình. Nhưng ai cũng thấy mênh mông, bởi U-6A vốn được thiết kế làm máy bay trinh sát. Thời kỳ chiến tranh, không quân chế độ cũ cũng chỉ chuyển công năng rải truyền đơn, lắp loa phóng thanh gọi hàng… Nếu phun thuốc sâu thì thuốc để đâu, phun như thế nào?”, thượng tá Lê Văn Oanh, nguyên Chủ nhiệm kỹ thuật Nhà máy A41, kể lại.
Ban kỹ thuật, mà người chịu trách nhiệm chính là kỹ sư Phan Bàng khẩn trương chọn phương án thiết kế và chỉ 1 tuần sau đã hoàn tất. “Chúng tôi nhặt các vật tư bỏ đi, lắp thành giàn phun 2 bên cánh. Đầu phun được gia công bằng tôn, giống như bình tưới nước dạng sương. Tất cả được điều khiển bằng hệ thống máy bơm nối từ thùng đựng thuốc và do phi công trên ghế lái thực hiện.
Đại tá phi công Nguyễn Duy Lê hiện đang nghỉ hưu tại TP.Hội An (Quảng Nam) kể thêm: Năm 1978, ông được điều về “đội bay kinh tế” của A41 làm nhiệm vụ phun thuốc sâu. Một thùng nhôm cỡ 600 lít được đưa vào khoang máy bay vận tải hạng nhẹ U-6A. Trước khi bay, thuốc trừ sâu được bơm vào. Bộ điều khiển gồm bơm điện và công tắc. Phi công bay đến tọa độ đã định sẵn, bật công tắc phun là thuốc đổ xuống mù mịt…
|
Máy bay U-6A phun thuốc trừ sâu tại H.Bình Đại, Bến Tre |
Giai đoạn 1975 - 1980, Xưởng A41 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiếp quản, hồi phục, khai thác vũ khí trang bị kỹ thuật hàng không hệ 2 phục vụ các nhiệm vụ của quân chủng, đặc biệt là tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trên mặt trận Tây Nam. Không chỉ thu hồi, phục hồi, kiểm kỳ nhiều lần chiếc máy bay, A41 còn mạnh dạn nâng cấp công nghệ, tổ chức dây chuyền sửa chữa vừa và đã cho xuất xưởng 41 lần chiếc máy bay vận tải đảm bảo cho Trung đoàn 917 và Trung đoàn 918 thực hiện các nhiệm vụ của quân chủng. |
“Lúc ấy chúng tôi đi bay chỉ có cáp chụp tai chứ không có mũ bay, nói gì đến khẩu trang. Mỗi lần bật công tắc, thuốc sâu mù mịt trong khoang lái. Xuống sân bay, ai cũng dạt ra bịt mũi vì mùi thuốc nồng nặc. Ngồi ăn cơm, thấy mỗi mình gắp đĩa thịt, cứ tưởng anh em nhường nên động viên: “Cùng ăn đi, đừng ưu tiên tớ”. Thấy mọi người tròn mắt: “Thịt thiu mà”, mới biết bị “hỏng mũi” vì ngửi quá nhiều thuốc sâu”, ông Lê kể.
Thời điểm 1978 - 1980, các kỹ sư của A41 đã đưa vào sử dụng 4 máy bay U-6A chuyên làm nhiệm vụ phun thuốc trừ sâu cho các cánh đồng thuộc tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Nai, H.Củ Chi (TP.HCM). Sau đó đội U-6A còn ra phun thuốc cho vùng đay Khoái Châu (Hưng Yên), trồng lúa Cẩm Bình (Hải Dương), mía Thọ Xuân (Thanh Hóa), chè Bảo Lộc (Lâm Đồng)...
“Thời kỳ dịch sâu rầy phát triển mạnh ở các cánh đồng lúa Nam bộ, máy bay U-6A là phương tiện trừ sâu kịp thời, đạt hiệu quả rất cao. Một chiếc U-6A bay 4 lần/ngày bằng lao động của 1.000 công nhân dùng bình xịt thuốc thông thường”, thượng tá Thái Văn Bổn, nguyên Phó giám đốc Nhà máy A41, nhớ lại và tự hào: “Kỹ sư Phan Bàng được Bộ Quốc phòng và Chủ tịch UBND TP.HCM tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu cải tiến kỹ thuật máy bay phục vụ nông nghiệp”.
Cuối năm 1978, chiếc U-6A do 2 phi công Nguyễn Duy Lê và Trần Tấn Bửu bay từ Tân Sơn Nhất xuống H.Ba Tri (Bến Tre) phun thuốc trừ sâu. Mới phun được mấy phút thì máy bay chết máy, lao xuống ruộng vỡ tan tành, riêng buồng lái thì lật úp, chìm xuống nước. May bà con nông dân làm ruộng gần đó chạy đến đập kính, cắt dây an toàn kéo ra. Phi công Nguyễn Duy Lê được chứng nhận thương binh 4/4, tỷ lệ thương tật 21%.
Mai Thanh Hải (thanhnien)