Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2018: "Mang chuông đi xứ người"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2018 dự kiến sẽ diễn ra tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TP. Hồ Chí Minh) vào ngày 23-11-2018. Tham dự hội nghị, ngoài những nhà đầu tư tiềm năng do tỉnh chủ động mời còn có 60 doanh nghiệp khác do Trường Đại học Tôn Đức Thắng mời. Với cách “làm mới” này, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào một sự đột phá trong thu hút đầu tư.
Các dự án đầu tư được triển khai cũng như đăng ký triển khai trên địa bàn tỉnh đang ngày càng tăng cả về số lượng lẫn chất lượng. Trước đây, hầu hết chỉ tập trung đầu tư ở các lĩnh vực như sản xuất đá granite, trồng cao su hay thủy điện thì nay đã mở rộng ra các ngành chăn nuôi, trồng trọt công nghệ cao, phát triển năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến. Đây cũng chính là những lĩnh vực mà tỉnh tiếp tục chú trọng giới thiệu, mời gọi tại Hội nghị xúc tiến đầu tư lần này.
Những kết quả ấn tượng
 Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Trường Thịnh đầu tư dự án trồng hồ tiêu bằng công nghệ nông nghiệp thông minh tại xã Ia Le, huyện Chư Pưh. Ảnh: Hà Duy
Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Trường Thịnh đầu tư dự án trồng hồ tiêu bằng công nghệ nông nghiệp thông minh tại xã Ia Le, huyện Chư Pưh. Ảnh: Hà Duy
Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm 2017 đến tháng 8-2018, toàn tỉnh có 138 dự án được các nhà đầu tư quan tâm và đầu tư. Đến nay đã có 14 dự án hoàn thành với số vốn 4.061 tỷ đồng; 49 dự án đang triển khai với số vốn 8.830 tỷ đồng; 66 dự án đang lập thủ tục đầu tư với số vốn 20.129 tỷ đồng và 9 dự án đang đề nghị được đầu tư (chưa tính 32 dự án điện mặt trời, điện gió của 23 nhà đầu tư được tỉnh cho khảo sát với quy mô 3.951 MW, số vốn dự kiến trên 86.000 tỷ đồng). Ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho biết: Có được kết quả trên là nhờ sự nỗ lực rất lớn của tỉnh trong việc tạo cơ chế thông thoáng, hỗ trợ tối đa, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Thời gian gần đây, lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành thường xuyên tổ chức các buổi gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp nhằm kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Gia Lai cũng đã tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng tiếp cận nhu cầu của nhà đầu tư, cung cấp thông tin một cách đầy đủ, thiết thực cho nhà đầu tư theo từng dự án; đồng thời, tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ, hỗ trợ cung cấp thông tin, thủ tục hành chính, tư vấn đầu tư đối với các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư. Ngoài ra, tỉnh cũng chủ động “gõ cửa” để xúc tiến đầu tư trực tiếp đối với các nhà đầu tư lớn, có tiềm lực về tài chính, các nhà đầu tư có thương hiệu trong chuỗi giá trị quốc gia hoặc toàn cầu.
Nhiều cam kết mang tính đột phá
Theo chương trình hợp tác từ năm 2015 tới nay, Trường Đại học Tôn Đức Thắng liên kết với tỉnh Gia Lai về đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội; hợp tác về khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ; tư vấn, xúc tiến đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh. Đặc biệt, ngày 5-10 vừa qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có buổi làm việc với Trường Đại học Tôn Đức Thắng để thảo luận, thống nhất kế hoạch, chương trình chuẩn bị cho Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2018.
Công ty Doveco đầu tư Nhà máy chế biến các loại hoa quả tại Gia Lai. Ảnh: Hà Duy
Công ty Doveco đầu tư Nhà máy chế biến các loại hoa quả tại Gia Lai. Ảnh: Hà Duy
“Hội nghị sẽ không diễn ra tại Gia Lai như mọi khi mà được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh việc hỗ trợ tỉnh về địa điểm, công tác tổ chức, các khâu phục vụ hậu cần... Trường Đại học Tôn Đức Thắng còn mời 60 doanh nghiệp, trong đó có 40 doanh nghiệp nước ngoài và 20 doanh nghiệp trong nước đến dự hội nghị”-Giám đốc Sở kế hoạch và Đầu tư Hồ Phước Thành cho hay. Cách thức tổ chức mới này có thể được coi là đột phá khi những tiềm năng, thế mạnh của Gia Lai có điều kiện quảng bá rộng rãi hơn, tiếp cận được với nhiều nhà đầu tư mới thông qua các mối quan hệ của Trường Đại học Tôn Đức Thắng, từ đó tăng cơ hội thu hút đầu tư vào tỉnh nhà.
Tại hội nghị sắp tới, UBND tỉnh sẽ gửi đến các nhà đầu tư thư cam kết, trong đó có thông tin chi tiết về những chính sách ưu đãi, sự hỗ trợ của tỉnh nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, đặc biệt là qua Trung tâm Phục vụ Hành chính công, các thủ tục hành chính, giấy tờ hồ sơ đảm bảo nhanh nhất và tiện lợi nhất để nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án. Gia Lai cũng là địa phương thứ 3 trên cả nước (sau TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng) triển khai thực hiện dịch vụ hành chính công đối với thủ tục đăng ký doanh nghiệp và đăng ký đầu tư với các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp có biểu giá được niêm yết công khai minh bạch. Nhờ đó đã rút ngắn thời gian (đăng ký thành lập doanh nghiệp chỉ 1-2 ngày), giảm chi phí gia nhập thị trường, giảm thời gian đi lại của doanh nghiệp...
Hà Duy

Có thể bạn quan tâm

Giới siêu giàu Việt Nam "săn đón" Aston Martin DB12 về nước với giá 19,5 tỷ đồng

Giới siêu giàu Việt Nam "săn đón" Aston Martin DB12 về nước với giá 19,5 tỷ đồng

(GLO)- Giới siêu giàu Việt Nam đang "sốt xình xịch" với Aston Martin DB12-siêu phẩm vừa chính thức cập bến với mức giá khởi điểm từ 19,5 tỷ đồng. Xe sở hữu thiết kế tinh xảo, nội thất xa hoa cùng khối động cơ V8 mạnh mẽ, hứa hẹn mang đến trải nghiệm lái đỉnh cao cho những chủ nhân sở hữu.