Hội Kỳ - ngôi làng biết... 'tủi thân'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Câu 'Nhìn sang Phước Tích, tủi thân Hội Kỳ' không biết có tự bao giờ, cũng không rõ ai là tác giả… nhưng hễ nhắc đến, đã làm cho người Hội Kỳ nói riêng và người Quảng Trị nói chung có chút thoáng buồn.

 Vẻ đẹp cổ kính của những ngôi nhà cổ ở làng Hội Kỳ
Vẻ đẹp cổ kính của những ngôi nhà cổ ở làng Hội Kỳ



Vì sao ư, cách nhau mỗi dòng Ô Lâu, mà thân phận hai ngôi làng cổ khác nhau nhiều quá… Làng Phước Tích thuộc thôn Phước Phú (xã Phong Hòa, H.Hương Điền, Thừa Thiên-Huế), được nhà nước công nhận và trao bằng xếp hạng "Di tích quốc gia" làng cổ vào ngày 13.6.2009, nổi tiếng với nghề gốm cổ truyền. Còn Hội Kỳ cũng là ngôi làng cổ cách Phước Tích đúng 1 con sông Ô Lâu nhỏ bé, thuộc xã Hải Chánh (H.Hải Lăng, Quảng Trị). Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan, chủ quan, làng cổ Hội Kỳ tưởng như chưa được đặt đúng vị trí xứng đáng nó vốn có.

Làng cổ có tự bao giờ?

Trên đường thiên lý bắc nam, rẽ ngoặt, đi xuyên qua chợ Mỹ Chánh rồi men theo con đường làng nhỏ đã được bê tông hóa thì tới làng Hội Kỳ. Ngôi làng trứ danh nằm khép nép bên sông Ô Lâu. Trong làng có nhiều ngôi nhà cổ kính cũ kỹ, những rặng tre vít sát bờ sông, những hàng rào chè the được cắt tỉa tỉ mỉ… khiến cho những người mới đến lần đầu tưởng như đang lạc vào một vùng nông thôn cách nay vài trăm năm hay ít nhất cũng vài chục năm về trước.


 

Hàng chè tàu được biến thành tấm bình phong cho những ngôi nhà cổ
Hàng chè tàu được biến thành tấm bình phong cho những ngôi nhà cổ



Và hẳn rồi, một mảnh làng xưa cũ như Hội Kỳ cùng sẽ có trong mình một quá khứ đầy trầm tích, bi hùng không dễ gì để người tìm hiểu tỏ tường hết thảy. Thậm chí trong cuốn Ô Châu Cận Lục của Dương Văn An, làng Hội Kỳ cũng không được nhắc đến là đã hình thành như thế nào. Có chăng chỉ có đôi dòng mô tả về dòng Ô Lâu: "Nước trời lấp lánh, hoa nở ngạt ngào, hương bay mười dặm, lá biếc lay động như hài vượt sóng...".

Trong khi đó, ở nghiên cứu “Sự thành lập các làng cổ ở Quảng Trị” từng đăng trên tạp chí Cửa Việt của Linh mục Stanislao Nguyễn Văn Ngọc thì làng Hội Kỳ trước thuộc tổng An Thư (phủ Hải Lăng) có từ đời chúa Nguyễn Hoàng về sau (khoảng từ 1558 đến 1776).

Về các bậc khai khẩn của làng Hội Kỳ, theo một số nguồn mà chúng tôi tiếp cận được thì có tài liệu nói làng Hội Kỳ được thành lập vào những năm cuối thế kỷ 15 đầu thế kỷ 16, có nguồn gốc từ người dân làng Hạ Cờ (xã Vĩnh Chấp, H.Vĩnh Linh, Quảng Trị) trong một hành trình nam tiến và dừng chân lập làng. Cũng có tài liệu khác chép, ngày xưa đây là vùng đất hoang vu, đến năm 1601 mới có ông tổ khai canh là người gốc Thanh Hóa đặt chân đến và đặt tên làng là Hội Kỳ. Cái tên đó có từ ngày đó đến nay.


 

 Hàng cau là không thể thiếu trong kiến trúc vườn nhà cổ Hội Kỳ
Hàng cau là không thể thiếu trong kiến trúc vườn nhà cổ Hội Kỳ


Trong khi đó nhà nghiên cứu Lê Đức Thọ, Phó giám đốc Ban quản lý di tích tỉnh Quảng Trị thì làng Hội Kỳ có rất muộn, từ thế kỷ 17, lập thành từ quá trình di dân từ các xã Hải Tân, Hải Hòa (H.Hải Lăng) về phía tây do áp lực về dân số và đất đai tại đây là lớn.

Số phận của làng Hội Kỳ vào thời hiện đại cũng long đong khi được tách vô nhập lại nhiều lần. Cụ thể, ngày 25.10.1947, Hội đồng Chấp chánh Lâm thời Trung kỳ ra nghị định sáp nhập làng Hội Kỳ cùng 9 làng khác của phủ Hải Lăng (Quảng Trị) vào H.Phong Điền (Thừa Thiên-Huế). Đến ngày 30.4.1949, Chính phủ lâm thời Việt Nam ra nghị định số sáp nhập làng Hội Kỳ cùng 13 làng khác về lại phủ Hải Lăng (Quảng Trị) như cũ. Chính vì yếu tố lịch sử này, đến tận ngày nay, ranh giới Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế vẫn chưa rõ ràng, trồi ra sụt vào và có sự tranh chấp dai dẳng.

Chỉ biết cúng làng là ngày 20-8 Âm lịch

Trầm tích của ngôi làng đẹp như một bức tranh thủy mặc này khó giải mã ngay cả với những người dân sống lâu đời trong ngôi làng, giữa những ngôi nhà cổ.

Ông Dương Văn Mạnh (62 tuổi, người được mệnh danh là “nhà Hội Kỳ học”, hiện đang là người thừa kế 1 trong 5 ngôi nhà cổ nhất làng Hội Kỳ với cái tên Tích Khánh Đường) cho hay ông cũng chưa tỏ tường về nguồn cội của làng. Ông chỉ nhớ mang máng rằng làng Hội Kỳ nguyên thủy không phải ở ngay bên mép sông Ô Lâu này mà ở khu vực dưới ruộng, có tên là Bụi Bèng. “Ông tổ khai canh đưa dân làng lên đây mà làng mới thì không có ruộng (chỉ được 2 mẫu) nên dân Hội Kỳ làm nông nhưng phải làm đồng xa tận quê gốc cũ, cách làng bây giờ cả chục cây số”, ông Mạnh nói.


 

Hoa lá cây cảnh được người dân tô điểm bên những ngôi nhà cổ
Hoa lá cây cảnh được người dân tô điểm bên những ngôi nhà cổ



Cũng theo ông Mạnh thì dù không rõ người khai khẩn là ai, gốc gác và cũng không có mộ nhưng dân làng Hội Kỳ vẫn có ngày cúng làng, tri ân những bậc khai khẩn vào ngày 20 tháng 8 âm lịch. Lễ cúng này thường diễn ra ở nhà thờ thánh của làng.

Ông Mạnh cho rằng 5 ngôi nhà cổ ở trong làng Hội Kỳ còn tồn tại đến bây giờ cũng là 5 cơ ngơi của 5 người là quan lại, thầy đồ hoặc điền chủ. “Năm gia đình có "máu mặt" này gồm ông nội tôi là chánh tổng tống An Thư tên Dương Văn Chương, ông Dương Quang Trì (còn gọi là Bảng Trì), ông Dương Quang Thùy (còn gọi là ông Giáo Dái), ông giáo Độ và nhà ông Ký. Hầu hết ruộng vườn ngày xưa của dân làng Hội Kỳ đều nằm trong tay những gia đình này. Dân làng chủ yếu đi làm thuê. Về sau, có cách mạng, ruộng đất mới được chia lại cho nông dân”, ông Mạnh cho biết.

Ngày nay, theo ông Nguyễn Bé, Trưởng thôn Hội Kỳ thì ngôi làng được bảo vệ bởi những rặng tre và vây quanh là dòng Ô Lâu này có diện tích đất tự nhiên là 258,4 ha, nghề nghiệp chính là làm nông. “Hiện làng chỉ có khoảng 110 hộ dân sinh sống, ai cũng biết mặt nhau nên nếp làng vẫn giữ”, ông Bé nói, giọng tự hào.

 

Những ngôi nhà hiện đại đã xuất hiện bên... nhà cổ
Những ngôi nhà hiện đại đã xuất hiện bên... nhà cổ



Trải qua hàng trăm năm tồn tại, ít chịu sự tàn phá của bom đạn, Hội Kỳ vẫn giữ được những nét cổ kính có dáng dấp kiến trúc ngôi làng xưa đặc trưng với những rặng tre dọc bờ sông ôm lấy làng; những bến nước và những tán cây cổ thụ rũ bóng trước sân đình... Ngoài ra, làng còn có 21 nhà cổ làm bằng gỗ quý, đa số là nhà ba gian hai chái hoặc nhà năm gian, 4 đền, miếu thờ và 2 nhà thời họ.

Có người bảo Hội Kỳ “tủi thân” là vì Hội Kỳ hiu quạnh hơn làng Phước Tích cạnh bên, thậm chí làng Hội Kỳ cũng nghèo hơn so với những ngôi làng khác. Tuy nhiên, người dân nơi đây hài lòng với cuộc sống bình lặng này. Ngày ngày trôi qua trong những ngôi nhà cổ… tồn tại từ thuở mới khai canh lập xứ.

Nguyễn Phúc (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

(GLO)- Sau khi hoàn tất việc cắt lúa, ông Chánh thư thái ngồi trò chuyện cùng chúng tôi bên ghè rượu. Phẩm chất nghệ sĩ của người nông dân với tư cách “công trình sư” một loạt công trình, mô hình ghi dấu bản sắc văn hóa tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) hiện diện trước mặt chúng tôi.

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

(GLO)- Nằm trong khuôn khổ Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya, chiều 9-11, tại khu vực sân nhà rông làng Gri, xã Chư Đang Ya (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai), Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Chư Păh tổ chức trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống.

Các nghệ nhân làng Chuet 2 (phường Thắng Lợi) phục dựng lễ báo hiếu cha mẹ tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Thu

Lễ báo hiếu của người Jrai

(GLO)- Lễ báo hiếu cha mẹ là tập tục văn hóa truyền thống đã có từ xa xưa trong đời sống của cộng đồng người Jrai. Đây là dịp để những người con đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục và cầu mong thần linh ban sức khỏe cho cha mẹ.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Ngân vang giai điệu cồng chiêng

Ngân vang giai điệu cồng chiêng

(GLO)- Suốt 1 tháng qua, sau khi hoàn tất công việc gia đình, những người nông dân Jrai chân chất, mộc mạc ở tổ 6 (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) lại say sưa luyện tập đánh cồng chiêng.