Học làm… CEO

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Bây giờ, muốn làm lãnh đạo trong bất cứ lĩnh vực nào thì đều phải học, hà cớ gì muốn làm CEO (Giám đốc điều hành doanh nghiệp kinh doanh) mà không phải học? CEO là viết tắt tiếng Anh của từ Chief Executive Officer, có nghĩa là Giám đốc điều hành, giữ trách nhiệm thực hiện những chính sách của Hội đồng Quản trị. Ở những tập đoàn có tổ chức chặt chẽ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị thường đảm nhận luôn chức vụ CEO. Như ông Steve Jobs (đã qua đời) từng vừa là CEO, vừa là Chủ tịch của Apple. Ở Việt Nam, Tổng Giám đốc Vinamilk vừa được bình chọn là CEO xuất sắc của châu Á. Đó thực sự là niềm tự hào cho doanh nghiệp Việt.

Tổng Giám đốc Vinamilk vừa được bình chọn là CEO xuất sắc của châu Á.
Tổng Giám đốc Vinamilk vừa được bình chọn là CEO xuất sắc của châu Á.

Cuối tuần qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư Gia Lai đã phối hợp với Trường Đại học Tôn Đức Thắng TP. Hồ Chí Minh khai giảng lớp tập huấn Giám đốc điều hành (CEO) cho doanh nghiệp. Có khoảng 150 doanh nghiệp tham gia lớp tập huấn này. Đối với một địa phương, đó thực sự là một bước đột phá.

Bởi ai cũng biết, trong kinh doanh hiện đại, vai trò của kiến thức, của tri thức, của khoa học là rất lớn, thậm chí đóng vai trò quyết định cho thành công của doanh nghiệp. Muốn làm CEO, thì tất nhiên phải tích hợp được tri thức kinh doanh, tri thức điều hành doanh nghiệp, tri thức về văn hóa doanh nghiệp… Những điều đó đều phải học mới có được. Và dĩ nhiên, ở đây học luôn đi đôi với hành, chứ không phải học kiến thức suông. Bởi vì chữ CEO, đọc theo âm tiếng Việt mình, là XEO, thì chính là một động từ (bẩy), nó có thể làm bật lên những “hòn đá to hòn đá nặng”. Nói vui vậy, nhưng cũng có cái lý của nó. Người Giám đốc điều hành một doanh nghiệp phải là “đòn bẩy” của doanh nghiệp ấy.

Mở lớp đào tạo CEO cho những Giám đốc doanh nghiệp là làm một công đôi việc. Vừa trao truyền kiến thức điều hành doanh nghiệp mang tính lý thuyết cho các Giám đốc doanh nghiệp, vừa khơi gợi những kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp từ các Giám đốc-những người đã tích lũy được kinh nghiệm trong quá trình thực tế điều hành doanh nghiệp của mình. Một khi lý thuyết phối hợp với thực tế, đi vào thực tế và được những người đã và sẽ làm CEO tích hợp, thì hiệu quả trong điều hành doanh nghiệp sẽ tăng rất nhiều.

Vì thế, những lớp đào tạo CEO như thế này nên có 2 phần: phần trao truyền lý thuyết và phần trao đổi kinh nghiệm. Dĩ nhiên, có những bí quyết kinh doanh không thể công khai, nhưng cũng có nhiều bí quyết có thể trao đổi với nhau, vì trước sau gì nó cũng sẽ được viết thành sách.

Tôi đã được đọc một số quyển sách rất hay của những CEO tài ba và thành công trên thế giới. Có rất nhiều điều họ không hề ngại ngần khi viết ra, họ coi chúng như tài sản tri thức chung của nhân loại về kinh doanh. Bởi, kinh doanh cũng là một khoa học, cũng có những quy tắc, quy luật, phương pháp và bí quyết giống như khoa học. Vì thế, rất cần được phổ biến, được trao truyền, trao đổi, được nghiền ngẫm và được đối chiếu với từng trường hợp thực tế cụ thể khác nhau.

Học một lớp tập huấn về CEO như thế cũng như được đọc nhiều quyển sách về kinh doanh, điều đó luôn luôn cần thiết với những Giám đốc điều hành doanh nghiệp có chí hướng vươn xa.

Rồi sẽ hết thời “kinh doanh quan hệ” và đúng như quy luật kinh tế thị trường, sẽ đến thời kinh doanh một cách khoa học, bằng trí tuệ, bằng tài năng kinh doanh. Hơn ai hết, CEO chính là nhân vật thể hiện rõ nhất tài năng kinh doanh của một doanh nghiệp. Nói nôm na, đó là “cái đầu” của doanh nghiệp. Không có “cái đầu” nào không chịu học, không chịu suy nghĩ, nghiền ngẫm, nghiên cứu mà thành “cái đầu” cả.

Những CEO xuất sắc khi điều hành doanh nghiệp đều có những ý tưởng mới đột phá và đều biết cách vận dụng trí tuệ tập thể doanh nghiệp để biến những ý tưởng ấy thành hiện thực. Như thế, trong khi sáng tạo, CEO đồng thời kêu gọi, kích thích, tạo điều kiện sáng tạo cho rất nhiều người trong tập thể doanh nghiệp của mình. Sẽ “không một ai bị lãng quên” trong doanh nghiệp và ai cũng có thể đóng góp sức lực, trí tuệ của mình vì sự phát triển và thành công của doanh nghiệp.

 Thanh Thảo

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai đạt 141 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý III năm nay, thấp hơn cùng kỳ 12%; lỗ ròng 182 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 199 tỷ đồng. Như vậy, quý III năm nay là quý thua lỗ thứ 14 liên tiếp của doanh nghiệp này.

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Tổng Công ty CP Bia rượu Nước Giải Khát Sài Gòn sẽ chi hơn 830 tỷ đồng để mua công khai hơn 37,8 triệu cổ phiếu SBB của Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn - Bình Tây và chi hơn 100 tỷ đồng để mua hơn 2 triệu cổ phiếu WSB của Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Tây.