Hoa trên dòng Thạch Hãn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Qua cửa kính xe, cầu Thạch Hãn hiện ra trong cái nắng chói chang tháng Tư. Bên dưới, dòng sông lặng lờ trôi trong khí trời hầm hập. Cả thị xã oi bức đến ngột ngạt. Vậy mà, với tôi, Quảng Trị bao giờ cũng thật thân thương mỗi lúc quay về.

.



1. Thị xã Quảng Trị cách Huế chỉ chừng 50 cây số, nhưng khoảng cách địa lý ngắn ngủi đó đã kịp tạo ra hai vùng đất hoàn toàn trái ngược. Chốn cố đô lộng lẫy-nơi đất khó lam lũ. Cả hai dòng sông ở hai nơi cũng đối lập đến kỳ lạ, từ cái tên đến dung mạo, tính cách. Sông Hương mềm mại, trữ tình bao nhiêu thì Thạch Hãn lại trôi đi mỗi ngày trong dáng vẻ cam chịu và khốc liệt bấy nhiêu. Chẳng chút duyên dáng, kiêu sa. Ký ức một thời bom giày đạn xéo đến tơi bời hồ như vẫn còn hằn sâu trên dòng sông lịch sử, cũng như tính cách một con người đã định hình qua năm tháng cùng những biến cố, thăng trầm. 
 

Đài tưởng niệm Thành cổ Quảng Trị cùng rất nhiều vòng hoa của người dân đến thăm viếng trong những ngày tháng Tư lịch sử. Ảnh: P.D
Đài tưởng niệm Thành cổ Quảng Trị cùng rất nhiều vòng hoa của người dân đến thăm viếng trong những ngày tháng Tư lịch sử. Ảnh: P.D

Trong hàng ngàn con sông dòng suối trên mảnh đất hình chữ S này, có lẽ không nơi đâu từng chất chứa nhiều đau thương như dòng Thạch Hãn, kể cả sông Bến Hải-biểu tượng của nỗi đau chia cắt hai miền Nam-Bắc trong suốt 21 năm ròng. Cùng với Thành cổ Quảng Trị, Thạch Hãn là một trong hai nghĩa trang không bia mộ lớn nhất cả nước, nơi hàng ngàn người còn âm thầm nằm lại, lặng lẽ, vô thanh từ “mùa hè đỏ lửa” 1972. Vì vậy mà từ năm 2012, chính quyền nơi đây đã quyết định sẽ tổ chức lễ thả hoa đăng mỗi tháng một lần vào đêm rằm như một niềm tưởng kính sâu sắc và cũng là một cách ghi ơn. Không định trước, nhưng tôi lại tình cờ về Quảng Trị đúng vào dịp thả hoa đăng trên dòng Thạch Hãn. 8.100 hoa đăng tượng trưng cho 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ được trang trọng thả xuống mặt sông mênh mang. Trong màu đêm mờ mịt và trong sự lặng lẽ thành kính của đoàn người thả hoa, Thạch Hãn biến thành một dòng sông ánh sáng linh thiêng, trầm mặc. Hàng ngàn hoa nến và bè hoa chầm chậm trôi đi, rực rỡ, lung linh, như xoa dịu nỗi đau, nỗi mất mát đã thành trầm tích nơi đáy sông sau gần 40 năm hòa bình. Đứng tại Nhà hành lễ-Bến thả hoa, ông Nguyễn Khắc Sửu-một người dân Quảng Trị bồi hồi nhớ lại: “Năm 1975 thì chú vẫn còn đang quàng khăn đỏ. Nhưng chú vẫn nhớ như in năm 1972, lúc đó trên dòng sông này chỉ có máu và máu. Nơi chú cháu mình đang đứng đây là dinh của Tỉnh trưởng Quảng Trị thời đó cháu nờ. Cháu biết không, ngày nhiều nhất trên dòng sông này có đến 400 người chết. Vậy mới thấy được sự hy sinh to lớn đến đâu của quân dân ta…”.
 
Cùng với Nhà hành lễ-Bến thả hoa ở bờ Nam, Đền tưởng niệm-Bến thả hoa ở bờ Bắc cũng đã mở ra một không gian tâm linh ở đôi bờ Thạch Hãn, để người dân Quảng Trị và những ai từng đặt chân đến nơi này cùng chia sẻ những xúc cảm khó quên về một thời hoa lửa. “Đò lên Thạch Hãn ơi…, chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Có tuổi hai mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”-4 câu thơ nổi tiếng của cựu binh-nhà thơ Lê Bá Dương được khắc trên bia đá hướng ra mặt sông như một lời nhắn nhủ thân thương, da diết. Lòng người cũng chợt xáo động như chính những gợn sóng nhỏ ngoài kia…

2. Chứng nhân chiến tranh của Quảng Trị nhiều vô số kể. Trong số 498 di tích đã được kiểm kê, đánh giá, Quảng Trị có đến 431 di tích lịch sử chiến tranh. Từng là giới tuyến quân sự, chính trị, mảnh đất miền Trung khó khổ này cũng có số nghĩa trang liệt sĩ nhiều nhất cả nước: 72 nghĩa trang. Với “vốn liếng” lịch sử dày đặc bom đạn và ký ức chiến tranh, Quảng Trị đã trở thành địa phương đầu tiên khai thác loại hình du lịch hoài niệm với tên gọi “Hoài niệm về chiến trường xưa”. Ông Lê Ngọc Vũ, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin thị xã Quảng Trị, cho biết, loại hình du lịch này đã được đưa vào khai thác khoảng 5 năm trở lại đây, mỗi năm có đến 500.000 lượt khách tìm đến những địa chỉ lịch sử trên vùng đất lửa.

 

Hoa đăng thắp sáng lung linh cả dòng Thạch Hãn. Ảnh: P.D
Hoa đăng thắp sáng lung linh cả dòng Thạch Hãn. Ảnh: P.D

Trong những ngày tháng Tư không thể nào quên này, Thành cổ Quảng Trị đón rất nhiều người đến thăm viếng. Trên đài tưởng niệm Thành cổ lúc nào cũng có những vòng hoa tươi trang trọng. Chỉ trong một tháng, cuốn sổ ghi cảm tưởng của Bảo tàng tại đây đã kín chữ đến gần một nửa. “Tôi đến với các anh vào ngày đất nước nở hoa. Cầu mong cho các anh yên giấc ngàn thu. Chúng tôi không bao giờ quên nghĩa tình các anh…”-một người khách đến từ Nghệ An đã ghi lại những lời nhắn gửi xúc động như thế. Một người khác cũng để lại những dòng đầy tâm cảm: “Tôi đã nhiều lần đến với Thành cổ Quảng Trị, nhưng lần nào đến đây tôi cũng cảm thấy nghẹn ngào xúc động… Tổ quốc mãi ghi ơn các anh”. Ông Nguyễn Kim-người quản lý tại Đền tưởng niệm-Bến thả hoa ở bờ Bắc, cũng cho hay, dịp này rất nhiều người đã đến thăm viếng và thắp hương tại đây, nhiều đoàn còn tổ chức ca hát, như hát cho những đồng đội đã vĩnh viễn gửi lại thân xác trong dòng nước xanh trong. Mỗi khi có khách đến thăm viếng, tiếng chuông đồng nơi Đền tưởng niệm lại ngân vang thương nhớ trên suốt mặt sông dằng dặc.
 

Kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị và sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ (1972-2012), đêm 30-4-2012, thị xã Quảng Trị sẽ tổ chức Đại hoa đăng với 20.000 hoa đăng được thả trên sông Thạch Hãn. Cùng với Đoàn Ca múa nhạc Quân đội, 20 diễn viên là cán bộ-công nhân viên của Binh đoàn 15 (Gia Lai) cũng sẽ tham gia đêm nhạc đánh dấu cột mốc 40 năm tại Quảng Trị với chương trình biểu diễn được xây dựng thành 3 chương: Những kỷ niệm không quên, Đất nước trọn niềm vui, Tiếp bước truyền thống.

Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sĩ đường 9, Tượng đài Trung đội Mai Quốc Ca, địa đạo Vịnh Mốc, cầu Hiền Lương, sông Thạch Hãn… cũng là những nơi đau đáu tìm về của rất nhiều cựu binh cũng như du khách trong và ngoài nước. Và tôi, trong khi đang chạy trốn cái nắng trưa chói gắt, vẫn phải khựng lại khi ngang qua trường Bồ Đề trong lòng thị xã, ngôi trường cha tôi từng theo học thời niên thiếu. Một điêu tàn giữa lòng hòa bình. Năm 1972, trong cuộc chiến đấu của quân và dân ta chống lại chiến dịch phản kích tái chiếm thị xã Quảng Trị của Mỹ-Ngụy, ngôi trường này trở thành một trong những chốt chiến đấu quan trọng. 81 ngày đêm với mức độ hủy diệt dữ dội, tàn khốc cùng cả trăm lượt oanh tạc, ném bom mỗi ngày đã hầu như xé nát toàn bộ thị xã Quảng Trị, nhưng trường Bồ Đề là một trong số ít ỏi những kiến trúc vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Không có nơi nào trên thân thể của nó còn nguyên lành; khắp nơi chi chít vết đạn, có nơi rệu rạo xói cả khung sắt thép.

Nhưng ngôi trường vẫn đứng đó, cũng như nhiều chứng nhân lịch sử vẫn còn đó, để kể lại một thời kỳ lịch sử không thể nào quên. Ký ức đó buộc con người phải nhìn lại để hiểu cái giá của hòa bình, để mãi tự hào về một vùng đất lửa kiên cường của Tổ quốc…

 

Ghi chép của: Phương Duyên

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.