Hoa mắt với 'cò' việc làm ở bến xe

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
"Em cần người làm à? Tìm Quang "buôn người" nhé! Bao nhiêu người cũng có" - chủ quán chỉ ra góc đỗ xe taxi ở bến xe Mỹ Đình, Hà Nội.
 
Nhóm “cò” bến xe chốt danh sách để đưa người lao động đến công trình - Ảnh: V.TUẤN
Nhóm “cò” bến xe chốt danh sách để đưa người lao động đến công trình - Ảnh: V.TUẤN
Nhiều người đi tìm việc cũng "xanh chín" (hên xui) lắm! Hôm qua có đoàn 14 triệu (cả đoàn ứng trước 14 triệu) đến đây rồi, ứng tiền rồi, nhưng chủ không nhận.
Tài xế Kế ở bến xe Mỹ Đình
4 giờ sáng, chiếc xe giường nằm vào bến Mỹ Đình. Khách lục tục xuống. Một nhóm bốn thanh niên ngáp ngắn ngáp dài ngồi xuống dãy ghế nhựa. Quang đến không mời đi taxi mà hỏi tìm việc gì. 
Một thanh niên nói đi làm "cốp pha" (phụ hồ). Quang nói có một công trình đang cần người làm, ngày công 300.000 đồng. Anh ta không "cắt phế" (thu tiền) của người lao động, mà chỉ "kiếm cuốc xe". Nhóm thanh niên gật đầu, lên xe Quang chở đi.
"Săn" người cần việc
Quang "buôn người" là cái tên cánh lái xe ở bến Mỹ Đình gán cho tài xế taxi này. Ông cai nào cần tìm người cứ ra bến, để lại số điện thoại là Quang đáp ứng, từ thợ xây, phụ hồ hoặc lao động chân tay. Anh ta không lấy phí của người tìm việc, mà nhận bồi dưỡng từ chủ dùng lao động mỗi người 200.000-300.000 đồng.
Trời rạng sáng, góc bến xe Mỹ Đình huyên náo lên. Hơn chục người tay xách nách mang tập trung một góc. Một thanh niên đặt cuốn sổ dày cộp xuống chiếc bàn nhựa, oang oang gọi: "Ba người Thanh đâu?" (nhóm ba người mà đại diện tên là Thanh - PV). "Đây!" - một người đáp. 
Thanh niên ra hiệu cho một tài xế dẫn nhóm người đi rồi tiếp tục: "Một người Toan đâu? Sáng nay anh ứng một "lít" (100.000 đồng) đúng không? Tổng cộng là anh ứng 1,15 triệu rồi nhé! Thằng Hải "chó" đâu? Đưa ông này về Hoàng Hoa Thám nhé. Đến nơi nhớ lấy của chủ 1,15 triệu" - thanh niên này vạch vào sổ rồi tiếp tục gọi nhóm khác...
Toan, tức Lò Văn Toan, vui vẻ theo tài xế Hải lên xe. Toan người Lai Châu, được người cùng quê giới thiệu về Hà Nội làm thợ xây. Anh chỉ mang theo vài bộ quần áo, ra bến có người đón lên xe, về Hà Nội được nhóm "cò" ở bến trả tiền xe, ứng thêm tiền tiêu vặt rồi đưa về tận công trình.
Một tài xế tên Kế cho hay phần lớn người lao động về Hà Nội qua bến xe Mỹ Đình ở các tỉnh Tây Bắc. Cánh tài xế "trung chuyển" đưa người lao động đến công trình cho chủ. Nhóm tài xế này cũng kiêm luôn việc của "cò" lao động. "Thời gian trước, nhiều người xuống Hà Nội tìm việc, nhưng từ đầu năm đến nay rất ít. Chúng tôi giới thiệu được một người thì chủ lao động "bồi dưỡng" 200.000 đồng" - Kế nói.
Tráng A Chăn ở Bảo Lâm (Cao Bằng) cùng ba người bạn ngáp dài bước xuống xe. Chăn mới học xong lớp 9 đã thôi học đi tìm việc. Nhóm Chăn được một người giới thiệu xuống Hà Nội làm phụ hồ. Đang ngơ ngác gần cổng bến xe, Chăn bị dúi vào tay mảnh giấy nhỏ ghi thông tin, số điện thoại, công việc cần người.
Chăn đang ngơ ngác thì một thanh niên đến hỏi thăm: "Đã có việc chưa? À, có chủ nhận rồi chứ gì? Địa chỉ đâu? Ngay đường Mỹ Đình này đúng không? À, thế bọn mày qua cò rồi. Bọn mày mất tiền rồi - thanh niên liến thoắng tiếp - Anh biết chỗ đấy. Nó lấy mỗi thằng 700.000, chủ sẽ trừ vào lương nên chúng mày không biết đâu. Lương tháng đầu sẽ không được lĩnh hết, nó bảo là tiền cọc để đảm bảo phải làm đủ 6 tháng".
 
Bàn tư vấn, giới thiệu việc làm rõ ràng ở bến xe Mỹ Đình - Ảnh: V.TUẤN
Bàn tư vấn, giới thiệu việc làm rõ ràng ở bến xe Mỹ Đình - Ảnh: V.TUẤN
Đủ cách móc túi người làm
Buổi chiều ở bến xe Giáp Bát (Hà Nội), hai phụ nữ đeo khẩu trang liên tục dúi vào tay khách những tờ rơi quảng cáo. Một người chốc chốc lại rút điện thoại ra "check", một người liến thoắng giới thiệu đang tìm người làm. Mảnh giấy nhỏ bằng bàn tay in đậm những lời chào: "Gia đình tôi có 5 người, nhà ba tầng, không trẻ nhỏ, cần tìm người giúp việc, lương 5,5-6 triệu đồng", "Cần tìm người chăm sóc người già"...
Tôi xin một tờ giấy, người phụ nữ bịt khẩu trang kín mít gắt gỏng: "Tìm người giúp việc đấy, làm được không?". Tôi nói chuẩn bị khai trương đại lý bán thiết bị vệ sinh, cần người làm. Lập tức, hai phụ nữ đon đả bám lấy tôi. Một cô bảo ngay ngày mai sẽ có người và tôi phải trả phí 1 triệu/người. 
Thấy tôi kêu đắt, cô này bày cách: "Giá chung rồi, giờ các trung tâm đều lấy phí từ 700.000 đến hơn 1 triệu. Anh ký hợp đồng 6 tháng, 3 tháng đầu "thử việc" trả 70% lương thôi. Lương tháng đầu anh giữ lại một phần, hết 6 tháng mới trả đủ. Cứ bảo nó là tiền cọc để nó không phá hợp đồng, lấy tiền đó bù vào phí cho bọn em".
Tôi mang tờ rơi xin được của "cò" ở bến xe Giáp Bát nhờ cô bạn gọi điện hỏi xin việc. Người phụ nữ tên Thu nói: "Em làm karaoke đi! Lương 20 triệu/tháng đấy. Chọn bài, rót bia, nói chuyện và hát cùng khách thôi, chẳng có gì mất nết đâu". Người phụ nữ khẳng định chỉ cần mang theo chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước, không cần kinh nghiệm, phỏng vấn gì...
 
Phát tờ rơi tìm người làm - Ảnh: V.TUẤN
Phát tờ rơi tìm người làm - Ảnh: V.TUẤN
Lừa vào quán ôm
Rồi cũng ngay trong ngày hôm đó, tôi đã chứng kiến nước mắt của người lao động. Một phụ nữ tìm đến bàn tiếp nhận lao động ở bến xe Mỹ Đình và bật khóc khi xin việc mới. Chị vừa trốn chạy khỏi quán karaoke ở quận Hoàng Mai. Giấy tờ, điện thoại, đồ dùng cá nhân... phải bỏ lại. Quản lý quán nói chị phải nộp 3 triệu đồng để chuộc lại đồ.
Chị là Ph.Th.B., quê Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Hai tuần trước, bắt xe khách đến Hà Nội tìm việc, B. được một người đưa tờ giấy in số điện thoại và danh sách tuyển dụng. Chị gọi cho số điện thoại và được "tư vấn" làm quán karaoke. Công việc của chị là chọn bài, rót bia và hát cùng khách. Người quản lý cam kết lương 6 triệu/tháng, chưa kể thưởng. 
"Họ nói thu nhập nhân viên ở quán mỗi tháng 20 triệu đồng, bao ăn ở. Nhưng khi vào làm rồi thì..." - chị B. nghẹn lời.
Khi vào quán, chị phải nộp chứng minh nhân dân, đặt cọc 3 triệu đồng để chủ mua sắm quần áo, hỗ trợ đồ trang điểm. Vài buổi đầu, chị chỉ phải chạy bàn, bưng hoa quả, đồ uống. Hết một tuần, chị bắt đầu phải "ngồi phòng", rồi các tay bợm sàm sỡ...
Bị quản lý phạt tiền và dọa dẫm nếu không làm theo yêu cầu của khách, chị trốn với chỉ một bộ quần áo trên người. "Em không về nhà được đâu! Chồng em uống rượu suốt ngày, nó đánh em đau lắm... Em cần việc làm để chuộc lại đồ, có tiền gửi về cho mẹ em nuôi cháu" - chị B. nghẹn ngào.
Sau đó, chị may mắn được giới thiệu làm giúp việc nhà. Lương tháng 5 triệu, bao ăn ở. Hai phụ nữ ở bàn tiếp nhận lao động ái ngại dúi vào tay chị B. 250.000 đồng. "Đây là tiền trung tâm hỗ trợ, chị về nhà vài hôm rồi xuống đi làm. Không mất phí gì đâu, chị cứ yên tâm".
Chị Hạnh - nhân viên trung tâm giới thiệu việc làm đặt văn phòng ở bến xe Mỹ Đình - cho hay từ sau giãn cách xã hội rất ít việc làm và khuyên người tìm việc tránh xa những tờ rơi tìm người làm trên tường rào, cột điện. 
"Nếu tìm việc thì cứ đến các trung tâm có đăng ký, địa chỉ rõ ràng. Trung tâm nào thu phí thì đừng làm, họ lừa đấy. Ví dụ như ở đây, người lao động không mất phí, lại còn được hỗ trợ thêm 250.000 đồng tiền tàu xe. Phí dịch vụ do chủ sử dụng lao động chi vì họ đã ký với trung tâm rồi" - chị Hạnh nói.
Người quê lên phố tìm việc sẽ nhận ngay những lời mời chào đầu tiên ở trong và ngoài bến xe, nhưng hãy thật cẩn thận. Có người giới thiệu thật, nhưng cũng lắm kẻ chỉ móc túi người cần việc…
"Nhận khách cũng phải nhìn mặt. Mặt mũi bặm trợn, ăn nói lỗ mãng thì mình tránh. "Dân chơi" chỉ thích việc nhẹ, lương cao, làm được vài hôm nó bỏ, mình mất uy tín với chủ là hết đường làm ăn đàng hoàng" - Quang nói. Trước đây, mỗi ngày Quang dẫn được từ 7 đến 10 người đi làm. Dịch bệnh, việc giảm hẳn.
VŨ TUẤN (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.