Từ khi Đỗ Thị Hà đăng quang với tư cách là tân Hoa hậu báo Tiền Phong năm 2020 đến nay, dường như, vẫn luôn có những câu chuyện ồn ào xung quang cô, theo chiều hướng không mấy tích cực.
Bỏ qua những lời bàn về nhan sắc của tân Hoa hậu (vì danh hiệu hoa hậu năm nào chẳng có lời bàn ngược, xuôi?), có 2 sự kiện gần đây mà Đỗ Thị Hà là nhân vật chính cũng đều là tâm điểm của dư luận.
Sự kiện đầu tiên là tân Hoa hậu về quê (Hậu Lộc, Thanh Hóa) hồi đầu tháng. Người dân nô nức ra đón chào Hoa hậu về nhà. Số người đón có lẽ nên tới hàng ngàn. Chính quyền cũng tổ chức xe cộ, công an...để đảm bảo trật tự và tiếp đón Hoa hậu một cách trang trọng khác thường. Đã có hàng vạn lượt chia sẻ, bình luận, thậm chí, nhiều người còn làm thơ, ca có ý châm biếm về những gì mà họ cho là "thái quá" trong ngày về quê của cô tân Hoa hậu này.
Cho đến hôm qua, những hình ảnh tân Hoa hậu được đón tiếp tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng lại tạo "sóng" dư luận. Có nhiều ý kiến thì cho rằng hình ảnh ông Hiệu trưởng PGS-TS Phạm Hồng Chương đứng báo cáo chắp tay là "khúm núm", không đúng mực, cô Hoa hậu, là sinh viên của trường như vậy là "thất lễ"... Nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng, đó chỉ là vấn đề góc nhìn thôi.
Vâng, tôi cũng nghĩ chỉ là vấn đề góc nhìn thôi. Ở sự kiện đầu tiên thì việc người dân ở quê của tân Hoa hậu ra chào đón "người đẹp" về quê rất đông cũng là điều bình thường, dễ hiểu. Vì ở quê thường là bình yên, ít sự kiện lớn như thành phố, các khu đô thị nên việc quê mình có một Hoa hậu cũng đã khiến cho họ rất tự hào và nhiều người ra đường đón khi cô về quê cũng thể hiện tình cảm chân thành, mộc mạc của họ.
Sáng 8/12, Hoa hậu Việt Nam 2020 Đỗ Thị Hà đã về lại trường Đại học Kinh tế Quốc dân tại Hà Nội để tham dự buổi gặp gỡ cùng Ban giám hiệu và bạn bè. |
Chỉ có điều, chính quyền cũng không nên vì thế mà huy động cả số đông nhân lực, xe cộ-là những nguồn lực công cho một công việc như vậy. Lực lượng công an địa phương nên làm những công việc khác và cũng không nên dùng xe công để đón rước người đăng quang cuộc thi sắc đẹp vì điều đó không đúng quy định về sử dụng tài sản công.
Còn ở sự kiện thứ 2, người viết bài này cho rằng, đa phần những người chê trách ông Hiệu trưởng hay cô Hoa hậu đều... quá lời. Một bức ảnh người nói đứng đan tay vào nhau như vậy cũng chưa đủ để khẳng định là khúm núm. Khi trước mặt còn có các quan khách khác thì tư thế đứng của một nhà giáo như vậy là lịch sự, bình thường. Và quả thật, xem lại những bức ảnh khác trong buổi đón tiếp, chúng ta cũng sẽ thấy đó cũng chỉ là buổi chào hỏi trang trọng, vui vẻ như bao cuộc khác mà thôi.
Tuy nhiên, ở mức độ nào đó, cá nhân tôi cũng cho là, sau các lễ đăng quang Hoa hậu, cũng nên bớt bớt các cuộc chào đón, chào mừng như vậy. Các người đẹp cũng nên sớm trở về với cuộc sống bình thường. Tốt hơn thì họ có thể sử dụng hình ảnh, danh hiệu của mình cho những việc dễ được ghi nhận hơn như: Tham gia, tổ chức các hoạt động thiện nguyện, các hoạt động xã hội có ích cho công chúng... Còn nếu chỉ đi tới các buổi lễ lạt, chào mừng theo kiểu phong trào, hình thức sẽ không tránh khỏi có người này, người kia có ý kiến khác nhau, thậm chí là các ý kiến chê trách.
https://danviet.vn/hoa-hau-va-benh-phong-trao-20201210092057965.htm
Theo PHAN ANH (Dân Việt)