Hổ đẹp trong mỹ thuật cổ Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tượng hổ trong lăng, hổ trên vật liệu kiến trúc, hổ trên gốm, trên vải... Hình tượng hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam vừa đẹp vừa đa dạng.
 

Chuyện của hổ

Nhà sưu tập Nguyễn Văn Dòng vẫn nhớ thời điểm 2003 khi ông nhận được cuộc điện thoại của một thợ đào đất ở Hòa Bình. Người này liên lạc với ông và nói vừa tìm được một thạp thế kỷ 13 - 14. “Họ gọi cho tôi nói rằng em có tìm được cái thạp hay lắm. Đề tài của nó là điệu hổ ly sơn. Họ nói đề tài như thế cho hấp dẫn, để tôi tìm đến mua. Có một con ngựa chạy đằng trước, lưng có cái cờ đuôi nheo, đằng sau là con hổ đang chạy ra ngoạm lấy cái đuôi con ngựa. Người ta tạo câu chuyện đó là trận đồ điệu hổ ly sơn, nghĩa là dùng con ngựa làm mồi nhử từ hang ra”, ông Dòng nhớ lại. Ông cũng chia sẻ, khi tìm tới, ông ưng ngay con hổ vì được vẽ rất thần thái, to khỏe. Tới giờ, bạn bè trong giới cổ vật vẫn gọi chiếc thạp đó là thạp điệu hổ ly sơn nhà ông Dòng.

Chiếc thạp gốm của ông Dòng là một trong hơn 30 hiện vật được bày tại trưng bày Hổ trong mỹ thuật cổ VN. Trưng bày diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội) từ 18.1 - 31.8. Triển lãm có hiện vật của bảo tàng, kết hợp với hiện vật từ các sưu tập tư nhân của các nhà sưu tập Nguyễn Văn Dòng, Trần Đình Thăng, Lê Tuấn Anh, Cao Xuân Bình.


 

 Mảnh gạch trang trí hổ sóng nước bằng đất nung, thế kỷ 11 - 14 (Bảo tàng Lịch sử quốc gia)
Mảnh gạch trang trí hổ sóng nước bằng đất nung, thế kỷ 11 - 14 (Bảo tàng Lịch sử quốc gia)


Theo Bảo tàng Lịch sử quốc gia, hình tượng hổ có lịch sử lâu đời trong văn hóa VN. Các tài liệu liên quan chứng minh, hổ là đối tượng sùng bái và là vật tổ của nhiều bộ tộc từ thời tiền sử. Cách đây hơn 2.000 năm, hình tượng hổ bước vào mỹ thuật trên các đồ đồng Đông Sơn, với quan niệm kính sợ và tôn thờ sức mạnh, oai linh của loài vật này. Sau này, hổ vừa có ý nghĩa tâm linh, vừa liên quan đến vương quyền, lại cũng là câu chuyện dân gian. Hình tượng hổ đã đồng hành và đóng góp những nét đặc sắc với phức cảm thẩm mỹ vào lịch sử mỹ thuật VN.

Chính vì thế, bảo tàng chọn cách kết hợp các chất liệu, các bộ sưu tập để có thể kể trọn vẹn câu chuyện hổ qua nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau. Công chúng nhờ đó được chiêm ngưỡng hổ trên chất liệu kim loại như đồng; trên chất liệu gốm hoa lam, đồng pháp lam, đất nung, tranh khắc, tranh thêu, ngọc. Có những chất liệu hiếm gặp hình tượng hổ như gốm. Ông Dòng cho biết: “Tôi cũng mang đến hai cái đĩa vẽ hổ gốm Chu Đậu, đều tìm thấy ở con tàu đắm Cù Lao Chàm, mua hồi năm 2008 gì đó. Cái này thì thực ra câu chuyện không có gì, khi người ta chào những đồ gốm thì thấy đúng là đề tài hổ trên đồ gốm ít, chứ không như những đề tài rồng, phượng hay voi; chim thì cũng nhiều, hổ tính đến nay ít hơn”.

 

 Bức chạm hổ trên ô thoáng cửa bằng gỗ, thế kỷ 17 (hiện vật của Bảo tàng Lịch sử quốc gia)
Bức chạm hổ trên ô thoáng cửa bằng gỗ, thế kỷ 17 (hiện vật của Bảo tàng Lịch sử quốc gia)


Mỗi thời mỗi khác

Tại triển lãm, công chúng được xem chiếc qua đồng được ông L.Pajot sưu tầm tháng 7.1921 và sau đó đưa về Bảo tàng Louis Finot. Chiếc qua này có hình hổ với các chấm trên thân ở cả 2 mặt. Ban tổ chức cho biết đợt thám sát khảo cổ học năm 1972 tại Bắc Ninh của Bảo tàng Lịch sử VN (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia), các nhà khảo cổ đã phát hiện ra nhiều tấm đồng trổ thủng mang hình hổ và hươu. Tạo hình hổ thời Đông Sơn vừa mang tính tả thực vừa mang tính ước lệ, thể hiện sinh động sức mạnh bí ẩn của loài vật này.

Từ thế kỷ thứ 10, VN bước vào thời kỳ xây dựng các triều đại phong kiến tự chủ. Triều Lý, sử sách ghi chép nhiều chuyện có liên quan đến hổ như nuôi hổ, đấu hổ để giải trí và trừng trị phạm nhân, Thái sư Lê Văn Thịnh hóa hổ... Ban tổ chức cho rằng dường như thời kỳ này, hổ đại diện cho cái ác, sự trừng phạt, tạo cảm giác ghê sợ, do vậy, cho đến nay chưa phát hiện được hình tượng hổ nào.

Thời Trần (1225 - 1400), hổ xuất hiện với tạo hình khỏe khoắn, sinh động, thể hiện sự dũng mãnh, oai phong, đồng thời được coi như linh thú trấn yểm, bảo vệ các lăng mộ. Tượng hổ ở lăng Trần Thủ Độ (Hưng Hà, Thái Bình) và lăng vua Trần Hiến Tông (Đông Triều, Quảng Ninh) là các tác phẩm điêu khắc hiếm hoi còn lại của thời Trần, mở đầu cho truyền thống đặt tượng ở hai bên trục thần đạo tại các lăng mộ.

 

 Bổ tử thêu hình hổ bằng vải, thế kỷ 20 (Bảo tàng Lịch sử quốc gia)
Bổ tử thêu hình hổ bằng vải, thế kỷ 20 (Bảo tàng Lịch sử quốc gia)


Tới thời Lê Sơ (thế kỷ 15 - 16), các lăng này thường có 10 pho tượng với kích thước nhỏ, khoảng 110 cm đối với tượng người và 60 cm đối với tượng thú. Nhóm tượng này chia làm 5 đôi, gồm: quan hầu, lân, tê giác, ngựa, hổ. Ở một số lăng muộn hơn, tượng voi thay cho tượng hổ, còn các tượng khác vẫn giữ nguyên. Các tượng nói chung và tượng hổ được thể hiện đơn giản ở cách tạo dáng, khối, đường nét nhưng vẫn giàu tính biểu cảm.

Thời Lê - Trịnh (thế kỷ 17 - 18) với sự nới lỏng trong việc ban phong chức tước và hậu đãi với tầng lớp quan lại là thời kỳ nở rộ của các loại hình kiến trúc lăng mộ. Tượng hổ tại các di tích này thường được làm với kích thước lớn, khối hình trau chuốt mang tính tả thực cao. Thời này, hổ được coi như hộ môn thú, canh gác cửa các khu lăng mộ.

 

Đĩa trang trí hổ bằng gốm hoa lam nhiều màu Chu Đậu, thế kỷ 15 (Nguyễn Văn Dòng sưu tập)
Đĩa trang trí hổ bằng gốm hoa lam nhiều màu Chu Đậu, thế kỷ 15 (Nguyễn Văn Dòng sưu tập)

Tới thời Nguyễn (thế kỷ 19 - 20), hình tượng hổ biểu trưng cho sức mạnh được sử dụng khá phố biến. Hổ dùng để trang trí các tấm bổ tử trên phẩm phục võ quan, trên các bức trướng, tranh thêu, đồ gỗ chạm khảm, đồ ngọc, đồ pháp lam, bình phong trong các di tích đền, miếu... Quần thể di tích cố đô Huế còn có công trình Hổ quyền - đấu trường của voi và hổ, được xây dựng năm 1830 dưới triều vua Minh Mạng. Hình hổ cũng được đúc trên Cao đỉnh - chiếc đỉnh lớn nhất trong cửu đỉnh, báu vật tượng trưng cho đế nghiệp muôn năm vững bền của triều Nguyễn. Đây cũng là thời kỳ hình tượng hổ đa sắc, đa dạng từ cung đình đến dân gian.

Theo TRINH NGUYỄN (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Lễ báo hiếu: Thơm thảo tấm lòng con cái

Lễ báo hiếu, thơm thảo tấm lòng con cái

(GLO)- Trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, người Bahnar luôn nhắc nhau: “Phải kính trọng cha mẹ như mặt trăng, kính trọng ông bà như mặt trời”. Khi đã trưởng thành, con cái đều nghĩ đến việc tổ chức lễ báo hiếu cha mẹ (teh nhung ăn kră).

Nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa ở cơ sở

Nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa ở cơ sở

(GLO)- UBND tỉnh Gia Lai ban hành QĐ số 60/2024/QĐ-UBND quy định chi tiết tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” để hướng dẫn thực hiện, bảo đảm phù hợp với đặc thù văn hóa và tình hình kinh tế-xã hội của địa phương.

Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia vừa họp, bỏ phiếu thống nhất đề xuất Thủ tướng Chính phủ công nhận Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo là di tích quốc gia đặc biệt. Ảnh: Ngọc Minh

Chuyện làm hồ sơ di tích Tây Sơn Thượng đạo

(GLO)- Cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, những người làm công tác di sản văn hóa (như cách gọi ngày nay) của tỉnh Gia Lai-Kon Tum bắt tay vào việc thu thập thông tin để làm hồ sơ di tích đề nghị xếp hạng, trong đó có hồ sơ di tích Tây Sơn Thượng đạo.

Chùa Bửu Minh (huyện Chư Păh)

Vọng tiếng chuông ngân

(GLO)- Trên địa bàn tỉnh Gia Lai có nhiều ngôi chùa bắt đầu bằng chữ Bửu như chùa Bửu Minh (huyện Chư Păh), Bửu Thắng, Bửu Nghiêm, Bửu Hải (TP. Pleiku). Riêng cái tên Bửu Tịnh được đặt cho 2 ngôi chùa, 1 ở Ayun Pa, 1 ở Krông Pa. Nhà tôi ở gần chùa Bửu Tịnh (xã Phú Cần, huyện Krông Pa).

Nét đẹp tặng chữ đầu xuân

Nét đẹp tặng chữ đầu xuân

(GLO)- Mỗi dịp Tết đến Xuân về, người dân Việt lại náo nức với những phong tục truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc. Trong đó, nét đẹp tặng chữ đầu xuân đã trở thành một truyền thống hiếu học của dân tộc và mang ý nghĩa cầu chúc may mắn, tài lộc, hạnh phúc cho năm mới.

Một dòng huyền tích

Một dòng huyền tích

Mỗi lần đi qua cầu Đuống, tôi bất giác nhìn về phía hạ lưu, trong đầu ngân lên mấy câu thơ của Hoàng Cầm “Sông Đuống trôi đi một dòng lấp lánh, nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ”.

Theo dấu sử thi

Theo dấu sử thi

Tôi về xã Ea Tul (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) vào một dịp ngành văn hóa Đắk Lắk phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức lớp truyền dạy hát kể sử thi (khan) cho lớp trẻ.