(GLO)- Việc triển khai hiệu quả các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất ở xã đặc biệt khó khăn Ayun (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã góp phần nâng cao đời sống người dân, thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Từ năm 2020 đến nay, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê đã chủ trì triển khai Dự án ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình phát triển kinh tế-xã hội tại xã Ayun. Dự án gồm các mô hình: thâm canh 25 ha bắp với 47 hộ dân tham gia; cấp con bò giống Brahman cho 55 hộ dân; thâm canh trồng 5 ha cỏ nuôi bò với 50 hộ tham gia. Tổng kinh phí thực hiện dự án là 6,029 tỷ đồng, trong đó, 1,98 tỷ đồng vốn ngân sách sự nghiệp khoa học trung ương, 2 tỷ đồng vốn ngân sách sự nghiệp khoa học huyện, còn lại do người dân đối ứng.
Người dân xã Ayun phấn khởi khi cây bắp phát triển tốt, cho năng suất cao. Ảnh: Lê Nam |
Tham gia mô hình thâm canh cây bắp, 47 hộ dân tại các làng A Chông, Vơng Chép, Tung Ke, Keo, Hvăk, Ami được hỗ trợ 15 kg bắp giống/ha, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật; đồng thời, được hướng dẫn bón phân cân đối, quản lý sâu bệnh hại tổng hợp, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”, thu hoạch và bảo quản đúng thời điểm, đúng cách... Chị Trần Thị Hường (làng Vơng Chép) cho biết: Nhà chị có 1 ha mì, làm cả năm cũng chỉ thu lợi nhuận khoảng 10 triệu đồng. Đầu năm 2022, được Nhà nước hỗ trợ giống bắp CP511, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, chị đã chuyển đổi diện tích đất này sang trồng bắp. “Nhờ được cán bộ chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật nên cây bắp phát triển tốt, không sâu bệnh và thu hoạch hơn 4 tấn/ha. Cây bắp có thời gian sinh trưởng ngắn, mỗi năm có thể trồng được 2-3 vụ, sau khi trừ chi phí đầu tư, lợi nhuận đạt khoảng 10-12 triệu đồng/vụ”-chị Hường chia sẻ.
Bên cạnh đó, mô hình chăn nuôi bò sinh sản và trồng cỏ nuôi bò cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Đến nay, đàn bò đã sinh sản được 54 con bê. Đồng thời, 5 con bò đực giống Brahman đã lai phối với 122 bò cái của các nông hộ trong vùng dự án sinh được 122 con bê. Chị Đinh Nay Hoan (làng Tung Ke) cho hay: “Nhà tôi thuộc diện cận nghèo. Năm 2021, tôi được Nhà nước hỗ trợ 1 con bò cái và hỗ trợ giống cỏ để trồng 2 sào làm thức ăn cho bò. Đến nay, bò mẹ đã đẻ được 1 con bê. Có thêm bê con, tôi sẽ để lại gây đàn giúp gia đình có thu nhập ổn định”.
Sau hơn 2 năm mô hình trồng cỏ nuôi bò sinh sản với 50 hộ tham gia đã đẻ được 54 bê con. Ảnh: Lê Nam |
Ông Đinh Hnem-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ayun-cho biết: Với cây bắp, người dân thường trồng vào khoảng tháng 7, 8 hàng năm, chủ yếu nhờ vào nước trời nên thường bị hạn. Bên cạnh đó, kỹ thuật canh tác cũng còn hạn chế như: chưa áp dụng cơ giới vào khâu làm đất, trồng mật độ quá dày hoặc quá thưa; sử dụng phân bón chưa đúng với thời kỳ sinh trưởng phát triển của cây trồng; phòng trừ sâu bệnh chưa hiệu quả... nên năng suất đạt thấp. Còn trong chăn nuôi, người dân vẫn thả rông bò, không trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn vào mùa khô và chưa phát triển bò lai. “Từ khi có dự án hỗ trợ thâm canh cây bắp lai, chăn nuôi bò sinh sản và trồng cỏ nuôi bò, người dân đã dần thay đổi phương thức trồng trọt, chăn nuôi. Đặc biệt, bà con đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm để vươn lên thoát nghèo bền vững”-ông Hnem thông tin.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-cho biết: Dự án ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình phát triển kinh tế-xã hội đã đem lại lợi ích lớn, góp phần chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân trong sản xuất nông nghiệp. Qua đó, góp phần tích cực nâng cao nhận thức, năng lực áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất cây trồng, cải tạo đất. Đồng thời, từng bước giúp người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý, tạo nguồn sinh kế ổn định, lâu dài.
LÊ NAM