Hiệp định EVFTA: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam sau COVID-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Với EVFTA, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường gần 460 triệu dân với GDP bình quân hơn 35.000 USD với mức thuế bằng 0% ngay từ thời điểm Hiệp định có hiệu lực cho hơn 85% số dòng thuế.
 

 Đại diện cơ quan chức năng, các doanh nghiệp thảo luận tại hội nghị. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Đại diện cơ quan chức năng, các doanh nghiệp thảo luận tại hội nghị. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)



Sáng 29/6, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Hội nghị “Tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA: Cơ hội phát triển cho doanh nghiệp Việt Nam sau cú sốc COVID-19."

Đây là một trong chuỗi hội nghị được Bộ Công Thương tổ chức sau khi Quốc hội Việt Nam chính thức phê chuẩn Hiệp định này vào ngày 8/6/2020 và Lãnh đạo Bộ Ngoại giao trao cho Đại sứ EU tại Việt Nam công hàm về việc Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) vào ngày 18/6 vừa qua.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho hay, chỉ khoảng một thời gian ngắn nữa, Hiệp định EVFTA sẽ chính thức đi vào cuộc sống và với những cam kết sâu rộng, Hiệp định EVFTA được kỳ vọng sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại-đầu tư song phương giữa Việt Nam và EU nói riêng, cũng như thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam nói chung và từ đó góp phần vào công cuộc đổi mới và hiện đại hóa đất nước.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế, thương mại trong thời gian qua. Do đó, tính đến hết tháng Năm tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước giảm 2,8%; trong đó xuất khẩu giảm 0,9%, và nhập khẩu giảm 4,6%.

Nếu tính riêng tháng 4 năm 2020, xuất khẩu giảm 27,1% và nhập khẩu giảm 16,4% so với tháng trước đó và lần lượt giảm 13,9% và 11,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Chính vì vậy, Hiệp định EVFTA khi được đưa vào thực thi sẽ giúp tạo thêm động lực cho các doanh nghiệp Việt Nam phục hồi và phát triển hoạt động kinh doanh.

Với EVFTA, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường gần 460 triệu dân với GDP bình quân hơn 35.000 USD với mức thuế bằng 0% ngay từ thời điểm Hiệp định có hiệu lực cho hơn 85% số dòng thuế.

Ngoài ra, các doanh nghiệp còn có thể tham gia các chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do dịch COVID-19, đồng thời mở rộng và đa dạng hóa hơn thị trường xuất nhập khẩu, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định. Tuy nhiên, để hiện thực hóa các cơ hội này, Chính phủ và các doanh nghiệp còn khá nhiều việc phải chuẩn bị.

Về phía Chính phủ, các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan cần nhanh chóng hoàn tất Kế hoạch thực thi cũng như ban hành các văn bản pháp luật cần thiết, đồng thời tăng cường đối thoại, trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Riêng với các doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm hiểu kỹ lưỡng nội dung về Hiệp định, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, tài lực cũng như các điều kiện cần thiết khác để có thể đáp ứng được các yêu cầu không chỉ của Hiệp định mà của cả thị trường EU.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng chỉ ra rằng, cho đến giờ phút này hiệp định đã kết thúc đàm phán 5 năm rồi nhưng vẫn chưa có câu hỏi nào. Sự quan tâm của doanh nghiệp đối với hiệp định là tương đối ít.

Điều này cũng dễ hiểu vì 50% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, số còn lại là hoạt động trong những lĩnh vực nội địa như xây dựng, sản xuất.


 

 Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)



Hơn nữa, trong số 50% doanh nghiệp xuất nhập khẩu này chủ yếu là bán FOB và mua CNF tức là ngồi ở Việt Nam, chờ khách hàng đến mua mà không cần biết khách hàng ấy là ai.

Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến hiệp định thì vẫn còn nhiều hiệp hội tích cực như Hiệp hội thủy sản, Hiệp hội da giày…

Những hiệp hội này tích cực ngay từ khi đàm phán và đã cung cấp những lời khuyên có giá trị, đưa ra những yêu cầu cụ thể đối với các cơ quan.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) cho hay tương tự như các Hiệp định FTA mà Việt Nam đã ký kết và thực hiện trước đây, Bộ Tài chính cũng chủ động xây dựng và triển khai các kế hoạch với nội dung do Bộ Tài chính phụ trách.

Về cơ bản, Bộ Tài chính thống nhất với Kế hoạch thực hiện của Chính phủ về mục tiêu và xác định nhiệm vụ chủ yếu về tuyên truyền, phổ biến thông tin, xây dựng pháp luật, thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực.

Bà Lê Thị Nụ, đại diện Công ty cổ phần Đầu Tư Wood Alliance, nêu rõ đối với doanh nghiệp đồ gỗ, khó khăn nhất là vấn đề giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O).

Bởi theo bà Lê Thị Nụ, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa là khó khăn nhất của doanh nghiệp khi xuất khẩu đi thị trường Mỹ, Trung Đông, châu Phi vì phải làm giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa thông qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Công Thương.

Do đó, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa qua Bộ Công Thương mất 2-3 ngày nhưng với hồ sơ nộp qua VCCI phải mất 2,5 tháng mới lấy được. Không những thế, có những lô hàng lỗ toàn bộ vì không lấy được giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Hiện tại, Công ty cổ phần Đầu Tư Wood Alliance đang xúc tiến xuất khẩu sang châu Âu và đã tìm hiểu kỹ về EVFTA nhưng cản trở nhất vẫn là chứng nhận xuất xứ.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký của Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết 5 tháng đầu năm, xuất khẩu của ngành da giày bị sụt giảm tới hơn 10%, tháng 4 giảm 21% và tháng 5 giảm sâu 50%.

Vậy nên Hiệp định được thực thi sẽ giúp doanh nghiệp đẩy nhanh xuất khẩu, đặc biệt vào thị trường châu Âu khi thị trường này chiếm gần 30% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Theo đại diện Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam, về lâu dài, cần phát triển công nghiệp hỗ trợ vì với doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiềm lực tài chính không đủ để tự chủ trong sản xuất nguyên phụ liệu tại Việt Nam. Chính vì vậy chiến lược và khu công nghiệp phục vụ nguyên phụ liệu cho sản xuất là cần thiết.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần tham gia chuỗi liên kết trong và ngoài nước, liên kết chặt chẽ hơn với nguồn cung trong và ngoài nước để có được những ứng phó kịp thời với biến động xảy ra.

Theo Uyên Hương (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.