Ông nội tôi vẫn bảo nét duyên của người con gái Hà Thành, dù đứng giữa đám đông, cũng không lẫn vào đâu được.
Mùa xuân đang về với đất trời Hà Nội -Ảnh Lưu Quang Phổ |
Nội tôi ngoài tám mươi tuổi, nhưng bà vẫn minh mẫn. Chuyện cơm nước trong nhà, bà luôn phụ giúp mẹ tôi một tay. Người Hà Nội gốc, nên bà cầu kỳ trong chuyện uống ăn. Xa Hà Nội, nhưng những gì tinh túy vẫn được bà giữ vẹn nguyên.
Bà làm thức ăn rất khéo, rất ngon, cũng rất Hà Nội. Món nem rán, cháo sườn, bún ốc, bún ngan... Mỗi lần bà nấu, vừa ăn, ông nội vừa tắm tắc khen ngon, mọi thứ với ông không suy suyển, như lần đầu tiên ông đến Hà Nội sau những ngày dài trên chuyến tàu tập kết ra Bắc.
Ông thường khen, hồi xưa bà tụi bây đẹp lắm! Nét duyên của người con gái Hà Thành dù đứng giữa đám đông, nhưng không lẫn vào đâu được. Hèn chi, lần đầu trông thấy cô gái ngồi phụ mẹ bán bánh cuốn bên góc hiên hè, dù vội vã, nhưng vẫn toát lên vẻ đoan trang thùy mị, thấy thương quá, nên ông quyết theo đuổi. Mưa dầm thấm lâu, con trai miền Nam hiền lành chất phác nên bà đã yêu ông. Và bánh cuốn Thanh Trì, với ông đã trở thành một món ăn gắn liền với kỷ niệm thời trai trẻ, không hề lãng quên.
TP.HCM giờ cũng có bánh cuốn làm theo cách người Hà Nội, nhưng cả nhà tôi hiếm khi mua về ăn. Có sẵn bộ đồ nghề, cứ thi thoảng bà lại làm bánh cuốn, tỉ mẩn thật, nhưng bù lại mọi người được bữa no nê và ngon lành. Bánh ngon thì ngon vậy, chứ làm sao ngon như bánh làm ở làng Thanh Trì - nơi bà sinh ra và lớn lên, ông nội thường bảo nhỏ vào tai tôi mỗi khi thấy bà buồn buồn nhớ cố xứ.
Tuổi cao, chuyện đi lại vô cùng khó khăn, nên việc đưa bà về Hà Nội, ông cũng dần thưa. Bà không trách, với bà, có lẽ niềm vui bây giờ là việc bố mẹ tôi, cả tôi luôn nhớ về Thủ đô trầm trầm cổ điển; nhớ mùa Thu Hà Nội với dáng vẻ đang thì con gái, chiều Tây Hồ lao xao con sóng nhỏ, đường Cổ Ngư xưa có tuổi nội tôi thuở xuân thời.
Lễ cả năm không bằng rằm tháng giêng. Tháng giêng với ước nguyện điều lành, tâm thành thì ông bà tiên tổ sẽ phù độ, bà thường dạy tôi như thế. Và tôi đã kịp trở về Hà Nội vào những ngày đầu tháng Giêng bằng sự nôn nao, chờ đợi. Hà Nội đón tôi với nhiệt độ biến động xung quanh thành phố khoảng 17oC, gió lạnh nhẹ đưa. Đường phố về đêm huyền ảo trong lớp mưa bụi mờ giăng lãng đãng như thêm vẻ rêu phong cho những con phố dài. Và mưa bụi như đánh thức những chồi non trỗi dậy, cho tôi thêm yêu Hà Nội! Tôi thấu cảm sự trĩu nặng tâm hồn của những người Hà Nội khi xa Hà Nội. Trĩu nặng! Sự trĩu nặng kỳ lạ đến khó tả của nội tôi, mỗi khi bà nghe ai đó nhắc nhớ về Hà Nội.
Tôi lang thang qua phố Phan Đình Phùng ngắm cửa Bắc thành Hà Nội, nơi còn ghi dấu một thời bom đạn; đi dưới bạt ngàn cây xà cừ ven hai bên đường Hoàng Diệu, nơi có căn nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã sống, làm việc và từ giã cõi đời; vãn cảnh chùa Báo Ân, nghe tiếng chuông ngân chợt lòng thư thới, như không còn chật hẹp giữa bộn bề cuộc sống... Tôi cũng thấy liêu xiêu những gánh hàng rong mang cả hồn quê vào phố chợ. Nhưng tôi không quên lời bà, tìm mua cho được một đĩa bánh cuốn Thanh Trì đặt lên bàn thờ thắp hương cho các cụ.
Hoa loa kèn là biểu tượng của mùa xuân Hà Nội - Ảnh Lưu Quang Phổ |
Giữa lòng Hà Nội, tôi cũng tìm được một hàng bánh cuốn còn duy trì cách làm, cách bán theo kiểu truyền thống phía góc đường Đào Duy Từ.
Cô chủ hàng đon đả mời chúng tôi ngồi xuống bên thúng bánh cuốn còn nóng hổi trong tiết trời xuân Hà Nội. Tay cô thoăn thoắt bóc từng chiếc bánh trắng, mỏng mượt thoảng thơm hương của trời đất, cuộn lại, cắt vừa miếng rồi cho vào đĩa, thêm đôi lát giò chả. Một đĩa rau mùi mướt xanh, kèm theo một chén nước mắm với vài lát ớt đỏ, tất cả được đặc trên mẹt. Ôi thôi, nước miếng tứa ra tê lịm cả bờ môi. Thực khách muốn vẹn nguyên hương vị có thể mua thêm cà cuống để ăn kèm với nước chấm. Gạo bây giờ chẳng giống gạo ngày xưa, nhưng hương vị bánh cuốn Thanh Trì hiển nhiên vẫn còn tồn tại dù cho cuộc sống có hiện đại đến đâu, nội tôi thường bảo vậy.
Hà Nội ơi! Tôi vội vã về, vội vã đi, nên chưa qua hết ba mươi sáu phố phường Hà Nội. Nhưng thôi, xin mang về phương Nam hương vị bánh cuốn Thanh Trì - món quà quê của đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến. Hẹn cùng mùa xuân với sắc thắm hoa đào.
Theo Cao Minh Tèo (Cà Mau/TNO)