Hệ thống y tế công lập cần thay đổi tư duy quản trị để phát triển bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính và sự cạnh tranh mạnh mẽ của loại hình y tế tư nhân, hệ thống y tế công lập trên địa bàn tỉnh Gia Lai cần có sự thay đổi tư duy quản trị để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Nâng cao chất lượng dịch vụ

Bệnh viện Đa khoa tỉnh vừa phối hợp tổ chức hội thảo chuyên đề “Những thách thức về quản trị để một bệnh viện phát triển bền vững”. Tại hội thảo, Thạc sĩ Huỳnh Bảo Tuân-Giảng viên Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo về quản trị doanh nghiệp-cho rằng: Muốn phát triển bền vững bệnh viện thì phải dựa trên sự liên tục phát triển năng lực chuyên môn chứ không phải sự lóe sáng nhất thời. Nếu suy giảm năng lực khám-chữa bệnh (KCB) sẽ dẫn đến suy giảm bệnh nhân, kéo theo sự suy giảm nguồn nhân lực có chất lượng.

he-thong-y-te-cong-lap-can-thay-doi-tu-duy-quan-tri-de-phat-trien-ben-vung-bg.jpg
Bệnh viện Nhi tỉnh không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh để thu hút bệnh nhân. Ảnh: Như Nguyện

Cứ thế, cái vòng luẩn quẩn dần dần làm cho một bệnh viện suy kiệt về tài chính và phải được bơm vốn tái cấu trúc, bán cho người khác làm nếu là bệnh viện tư, thay ban giám đốc nếu là bệnh viện công. Đây là bài toán khó cần phải giải trong quản trị bệnh viện để phát triển bền vững.

Theo Thạc sĩ Tuân, trong bối cảnh tự chủ tài chính bệnh viện hiện nay và sự cạnh tranh với các bệnh viện tư nhân, nếu bệnh viện công không thay đổi tư duy, nêu cao tinh thần tiên phong, dám nghĩ, dám làm và cung cấp các dịch vụ KCB chất lượng để thu hút bệnh nhân thì sẽ không tạo ra được nguồn thu trang trải cho các hoạt động và tái đầu tư phát triển bệnh viện.

“Do đó, các bệnh viện phải nâng cao chất lượng về chuyên môn, chất lượng dịch vụ, lấy người bệnh làm trung tâm và hướng đến sự hài lòng của người bệnh, từ đó mới thu hút bệnh nhân đến khám, tạo ra nguồn thu”-Thạc sĩ Tuân đúc kết.

Sự phát triển của hệ thống y tế công lập và ngoài công lập tại Gia Lai mang đến nhiều thuận lợi cho người dân trong KCB. Theo đó, người dân được tiếp cận nhiều dịch vụ KCB chất lượng, dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngày càng nâng cao.

Bác sĩ Lê Sỹ Cẩn-Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Pleiku-cho biết: Trung tâm Y tế thành phố chú trọng nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị, KCB cho người dân. Đồng thời, đơn vị tạo điều kiện để bác sĩ, nhân viên y tế được đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn đáp ứng nhu cầu chăm sóc cho bệnh nhân.

Hướng đến sự hài lòng của người bệnh

Theo bác sĩ Lê Sỹ Cẩn, ngoài nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị, Trung tâm Y tế thành phố còn bố trí bộ phận tiếp đón, hướng dẫn người dân; bố trí thêm các phòng khám để giảm thời gian chờ đợi. “Đến nay, đơn vị thực hiện tự chủ 100%. Vì vậy, việc thu hút bệnh nhân đến KCB là rất quan trọng. Không chỉ nâng cao chất lượng chuyên môn, đơn vị còn chú trọng đến thái độ phục vụ, hướng đến sự hài lòng của người bệnh”-bác sĩ Cẩn nói.

Đồng quan điểm, bác sĩ Trương Minh Cẩn-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chư Sê-cho hay: Trung tâm Y tế huyện được giao tự chủ tài chính 91%. Để thu hút bệnh nhân đến KCB, tạo nguồn thu cho đơn vị, chúng tôi không chỉ nâng cao chất lượng điều trị mà còn chú trọng tinh thần, thái độ phục vụ, đẩy mạnh chuyển đổi số trong KCB.

“Trung tâm đã triển khai nhiều danh mục kỹ thuật phục vụ công tác khám, điều trị nội soi dạ dày, nội soi cổ tử cung; vật lý trị liệu-phục hồi chức năng… giúp bệnh nhân KCB tại chỗ, giảm tình trạng chuyển tuyến”-bác sĩ Cẩn thông tin.

2nn.jpg
Bệnh viện Đa khoa tỉnh nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh, thái độ phục vụ hướng đến sự hài lòng của người bệnh. Ảnh: Như Nguyện

Hàng năm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đều tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo chuyên môn và nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh. Cuối tháng 10-2024 vừa qua, gần 900 cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế, người lao động của đơn vị đã tham gia tập huấn giao tiếp ứng xử, đổi mới phong cách phục vụ, hướng đến sự hài lòng của người bệnh. Cung cách, thái độ phục vụ của các bệnh viện công trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây được người dân đánh giá cao.

Bà Trần Thị Hoa (tổ 3, phường Hội Thương, TP. Pleiku) cho biết: “Tôi bị bệnh mãn tính nên hàng tháng đều đến KCB tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Cán bộ, viên chức phục vụ tại Bệnh viện nhiệt tình thăm khám, hỏi han, quan tâm đến người bệnh. Đặc biệt, Bệnh viện triển khai KCB vào ngày thứ bảy nên tạo thêm thuận lợi cho người dân”.

Trước sự thay đổi về chính sách và nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng cao, Thạc sĩ Huỳnh Bảo Tuân cho rằng: Để phát triển bền vững, các bệnh viện công cần tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong triển khai thực hiện các quy trình KCB; rà soát giảm thiểu các thủ tục hành chính gây phiền hà.

Bên cạnh đó, chủ động trang bị, mua sắm, bảo đảm đủ thuốc, thiết bị y tế; tăng cường hợp tác trao đổi chuyên môn, kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, triển khai kỹ thuật mới, chuyên sâu. Nghiên cứu và đào tạo nâng cao trình độ mọi mặt nhân lực y tế góp phần đáp ứng yêu cầu KCB và hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Ca mắc sởi tăng nhanh, bệnh viện quá tải

Gia Lai: Ca mắc sởi tăng nhanh, bệnh viện quá tải

(GLO)- Từ đầu tháng 1-2025 đến nay, ca mắc sởi nhập viện điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Gia Lai) có chiều hướng tăng nhanh dẫn đến khoa Bệnh nhiệt đới bị quá tải. Đội ngũ y, bác sĩ nỗ lực hết mình để chăm sóc và điều trị cho người bệnh một cách tốt nhất.

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ngày 10/1 cho biết, quy mô lây lan các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và metapneumovirus ở người (HMPV) đã lưu hành hơn 60 năm, không phải chủng vi-rút mới.