Hệ thống thông tin cơ sở: Đa dạng, lan tỏa sâu rộng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong 5 năm qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh Gia Lai đã cụ thể hóa Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 5-9-2016 của Ban Bí thư (khóa XII) về “Đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới”, giúp người dân nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương.
Linh hoạt hình thức thông tin cơ sở
Ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku-cho biết: Hoạt động cung cấp thông tin thiết yếu đến người dân trên địa bàn được thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú như: bảng điện tử đặt tại ngã ba Hoa Lư và trước trụ sở UBND thành phố; cổng thông tin điện tử, trang Facebook, Fanpage của các cơ quan, đơn vị; trang Zalo OA của thành phố và 22 xã, phường; 11 đài truyền thanh cấp xã với 129 cụm loa... “Hàng năm, Đội tuyên truyền lưu động tổ chức 10-15 buổi giao lưu văn hóa-văn nghệ và phối hợp với Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San biểu diễn 5 buổi ở các làng, trong đó có lồng ghép tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho người dân. Gần đây, chúng tôi còn phối hợp với Công an thành phố lồng ghép tuyên truyền về an toàn giao thông”-ông Hà thông tin.  
Trong công tác quản lý, bảo vệ hơn 90 km đường biên giới tiếp giáp với Vương quốc Campuchia, Bộ đội Biên phòng tỉnh luôn xác định tuyên truyền miệng là vũ khí trong xây dựng nền biên phòng toàn dân. Ở mỗi xã biên giới, Bộ đội Biên phòng đều duy trì Đội Công tác địa bàn “3 bám, 4 cùng” với Nhân dân. Thượng tá Rơ Mah Tuân-Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh-thông tin: Tuyên truyền một lần người dân chưa nghe, chưa hiểu thì chúng tôi thực hiện nhiều lần. Nói ngắn gọn, đi vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm và phải phù hợp với từng đối tượng. Cùng với đó, chúng tôi triển khai xây dựng, duy trì các mô hình: trồng lúa nước, tặng bò giống, “Nâng bước em đến trường”... qua đó góp phần củng cố nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân vững chắc.
Bảng điện tử đặt tại ngã ba Hoa Lư, TP. Pleiku. Ảnh: Đ.T
Bảng điện tử đặt tại ngã ba Hoa Lư, TP. Pleiku. Ảnh: Đ.T
Đề cập công tác thông tin cơ sở không thể không nhắc đến đội ngũ già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng. Với vai trò, vị trí của mình, họ đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể ở địa phương đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân; đồng thời, nắm bắt kịp thời các vấn đề nổi cộm tại cơ sở, phản ánh đến với cấp ủy, chính quyền địa phương. Già làng Rơ Lan Hào (làng Hăng Ring, thị trấn Chư Sê) chia sẻ: “Ngoài kinh nghiệm tích lũy, mình còn thường xuyên cập nhật kiến thức mới, nhất là nội dung liên quan đến pháp luật để trao đổi và giải đáp thắc mắc của người dân. Trong các buổi nói chuyện, mình đều nhắc đến thủ đoạn tinh vi của các thế lực thù địch hòng chia rẽ khối đại đoàn kết để dân làng nêu cao cảnh giác; mình vận động bà con gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư... Khi người dân thông suốt, đoàn kết lại thì việc gì cũng thuận lợi”.
Cầu nối thông tin quan trọng
Công tác thông tin cơ sở được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cả hệ thống chính trị. Theo đó, 5 năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể trong tỉnh đã quan tâm, chú trọng đầu tư về cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật. Đến nay, 17 huyện, thị xã, thành phố đều có cơ sở truyền thanh-truyền hình với 724 cụm loa (703 cụm loa công nghệ FM và 21 cụm loa ứng dụng công nghệ thông tin-viễn thông); 186 đài truyền thanh cấp xã, trong đó có 162 đài truyền thanh công nghệ FM với 1.797 cụm loa và 24 đài ứng dụng công nghệ thông tin-viễn thông với 242 cụm loa; 17 trung tâm văn hóa-thông tin và thể thao cấp huyện; 140 trung tâm văn hóa-thể thao cấp xã; 1.524 nhà văn hóa-khu thể thao ở thôn, làng, tổ dân phố; 17 thư viện. Ngoài ra, 100% xã, phường, thị trấn đều có Trang thông tin điện tử và thành lập ban biên tập thực hiện việc đưa tin, bài về hoạt động của địa phương. 
Đội ngũ làm công tác thông tin, tuyên truyền miệng được xây dựng, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động từ tỉnh đến cơ sở, góp phần quan trọng đưa thông tin chính thống đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Toàn tỉnh hiện có 5 báo cáo viên cấp trung ương, 43 báo cáo viên cấp tỉnh, 443 báo cáo viên cấp huyện và tương đương, 3.611 tuyên truyền viên cơ sở. Mặt khác, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã chủ động ứng dụng công nghệ hiện đại để tổ chức công tác thông tin cơ sở. Hiện nay, hệ thống hội nghị trực tuyến từ tỉnh đến cơ sở đã được kết nối thông suốt; 100% trụ sở UBND cấp xã đều có bảng tin công cộng niêm yết, cung cấp thông tin thiết yếu cho người dân và thành lập, duy trì trang thông tin điện tử.
Cán bộ Đồn Biên phòng Ia Chía tuyên truyền và phát tờ rơi hướng dẫn các biện pháp phòng dịch đến tận tay người dân. Ảnh: Anh Huy
Cán bộ Đồn Biên phòng Ia Chía (huyện Ia Grai) tuyên truyền và phát tờ rơi hướng dẫn các biện pháp phòng dịch đến tận tay người dân. Ảnh: Anh Huy
Đề cập đến hiệu quả công tác thông tin cơ sở, tại buổi làm việc với đoàn khảo sát của Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin-Truyền thông, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tống Thới Mốc nhấn mạnh: Hoạt động thông tin cơ sở đã góp phần phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân; tuyên truyền việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở và cung cấp thông tin, kiến thức cần thiết tới người dân trên địa bàn. Việc kết hợp chặt chẽ các phương tiện thông tin truyền thông hiện đại với cơ sở vật chất kỹ thuật, thiết chế văn hóa-thông tin ở cơ sở hiện có đã góp phần làm tốt công tác thông tin ở cơ sở, bảo đảm cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác những thông tin, kiến thức cần thiết cho người dân.
ANH HUY

Có thể bạn quan tâm

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

(GLO)- Thời điểm này, nông dân các huyện phía Tây tỉnh Gia Lai đang nhộn nhịp thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025. Đây cũng là lúc hàng ngàn người lao động từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đổ về các địa phương nhận khoán vườn cây cùng thu hái để kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy.