Hệ điều hành PC từng cố gắng thách thức Windows và Mac

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Được ra mắt lần đầu vào năm 1995, BeOS là nền tảng từng cố gắng thách thức cả Windows và Mac OS trong một vài năm khi thị trường PC đang phát triển.

BeOS là sản phẩm trí tuệ của cựu Giám đốc điều hành Apple Jean-Louis Gassée và Steve Sakoman sau khi rời khỏi công ty cùng một số nhân viên cũ và thành lập Be Incorporated vào năm 1990. Lúc đầu, mục tiêu của công ty là tạo ra một hệ điều hành mới ngay từ đầu để cạnh tranh với Windows cũng như Mac OS của chính Apple. Mặc dù cái tên khá mới mẻ với nhiều người nhưng thực tế, BeOS vẫn còn một số người hâm mộ cho đến nay.

Apple từng muốn thâu tóm BeOS

Apple từng muốn thâu tóm BeOS

Quay trở lại với quá trình phát triển BeOS, bộ xử lý Hobbit mà công ty muốn sử dụng cho thiết bị của mình, BeBox, đã bị người tạo ra nó, AT&T, ngừng sản xuất. Vì vậy, quyết định đã được đưa ra là chuyển hệ điều hành sang hoạt động trên bộ xử lý PowerPC mà máy Mac đang sử dụng vào thời điểm đó.

Vào tháng 10.1995, chỉ vài tháng sau khi Microsoft ra mắt Windows 95, Be Incorporated chính thức ra mắt BeOS và BeBox PC để các nhà phát triển kiểm tra. Phiên bản đầu tiên của BeBox bao gồm 2 CPU PowerPC 603 66 MHz. Năm 1996, phiên bản thứ hai và cuối cùng của BeBox được phát hành với 2 CPU PowerPC 603e 133 MHz. BeOS cũng được thiết kế để khởi động lại từ đầu một cách nhanh chóng, chỉ trong 10 giây - một điều ấn tượng đối với hệ điều hành PC vào năm 1995.

Năm 1996, Be Incorporated có được một cơ hội lớn khi có thể bán công ty và BeOS cho Apple, thời điểm họ đang tìm cách thay thế Mac OS cũ. Vấn đề là Be Incorporated lại muốn bán công ty với giá 300 triệu USD. Lời đề nghị đó đơn giản là quá sức đối với Apple để họ lựa chọn công ty khác là NeXT và hệ điều hành của nó. Đó là công ty được thành lập bởi cựu đồng sáng lập kiêm CEO Steve Jobs của Apple. Như đã biết, việc mua NeXT là bước khởi đầu cho sự trở lại đầy đủ của Steve Jobs tại Apple và là một trong những sự trở lại lớn nhất trong lịch sử công nghệ.

Một phần giao diện BeOS

Một phần giao diện BeOS

Be Incorporated đã kết thúc quá trình phát triển PC dành cho nhà phát triển BeBox vào năm 1997 và tập trung vào việc cải tiến BeOS. Các phiên bản sau này được tạo ra để hoạt động với CPU x86 của Intel và vào năm 2000, việc phát hành BeOS 5 đã hỗ trợ khởi động hệ điều hành từ bên trong Windows của Microsoft.

Tuy nhiên, hệ điều hành của Microsoft khi đó đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường PC và ngay cả những bản sao của Mac với PowerPC sau đó cũng bị Apple cấm. Vào tháng 8.2001, Be Incorporated và BeOS được Palm mua lại với giá 11 triệu USD. Chưa đầy một năm sau, vào tháng 2.2022, giữa lúc Be Incorporated chính thức giải thể, công ty đã đệ đơn kiện Microsoft khi tuyên bố Microsoft “đã sử dụng một loạt các hành vi loại trừ và phản cạnh tranh bất hợp pháp” để ngăn BeOS được các nhà sản xuất PC lớn sử dụng. Công ty tuyên bố một số nhà sản xuất, bao gồm cả Hitachi, đã muốn cung cấp các hệ thống khởi động kép như vậy nhưng đã bị Microsoft gây áp lực quá mức để không thể thực hiện điều đó.

Vào tháng 9.2003, tờ New York Times đưa tin Microsoft và Be Incorporated đã giải quyết vụ việc này khi Microsoft đồng ý trả 23,3 triệu USD cho công ty nhưng không thừa nhận bất kỳ hành vi sai trái nào.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”

Gia Lai: Sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”

(GLO)- Chiều 14-11, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Gia Lai tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) Quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh.