Hành trình lên đỉnh núi Chư Mom Ray

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Sáng sớm, đứng sau trụ sở làm việc của Ban Quản lý Vườn Quốc gia Chư Mom Ray (thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy) nhìn về ngọn núi Chư Mom Ray thật đẹp. Đỉnh núi cao sừng sững, lúc ẩn lúc hiện sau những đám mây bồng bềnh. Hít một hơi dài không khí trong lành của núi rừng, tôi xách ba lô theo cán bộ Ban Quản lý di chuyển về thôn Nhơn Bình (xã Sa Nhơn, huyện Sa Thầy) nơi có con đường mòn dẫn lên đỉnh núi.


 

Thị trấn Sa Thầy dưới chân núi Chư Mom Ray. Ảnh: ĐT
Thị trấn Sa Thầy dưới chân núi Chư Mom Ray. Ảnh: ĐT


Được nghe kể về ngọn núi nhiều lần, ấn tượng về những câu chuyện, truyền thuyết linh thiêng của các DTTS sinh sống lâu đời quanh ngọn núi từ nhiều năm về trước, đến nay tôi mới có cơ hội để khám phá và chinh phục ngọn núi này. Núi Chư Mom Ray có đỉnh cao gần 1.790m so với mực nước biển. Dưới chân núi là thị trấn Sa Thầy đang ngày càng thay da đổi thịt, khoác trên mình diện mạo đô thị mới.

Theo anh Phạm Hồng Thái- Trưởng phòng Khoa học & Hợp tác Quốc tế của Ban quản lý, đỉnh núi nhìn gần như vậy nhưng thật ra rất xa. Đường lên đỉnh không dễ và nhiều thử thách, khó khăn và chỉ có 3 con đường để lên đỉnh núi. Đó là đường đi theo sườn núi phía Đông ở thôn Nhơn Bình, xã Sa Nhơn và 2 con đường đi theo sườn núi phía Tây ở xã Sa Sơn (gồm đường đi từ khu sản xuất của thôn 1, thôn 2 và đường men theo thác Khỉ trong Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học và du lịch sinh thái, đơn vị thuộc Ban quản lý).

 

Để lên đến đỉnh núi, đoàn phải vượt qua nhiều đoạn đường có địa hình hiểm trở. Ảnh: ĐT
Để lên đến đỉnh núi, đoàn phải vượt qua nhiều đoạn đường có địa hình hiểm trở. Ảnh: ĐT


Trong các con đường để đi lên đỉnh núi Chư Mom Ray, con đường đi từ thôn Nhơn Bình ở xã Sa Nhơn có nhiều đoạn địa hình hiểm trở, trơn trượt và khó khăn đối với người leo núi nhất. Dẫu vậy, đây cũng là con đường đẹp nhất với nhiều tầng thực vật, hệ sinh thái rừng phong phú, mang lại cho người leo núi nhiều trải nghiệm và ấn tượng.

Di chuyển bằng ô tô được một lúc, chúng tôi cũng đến bìa rừng, nơi vị trí giáp ranh với vườn cao su của người dân ở thôn Nhơn Bình. Đứng đợi từ trước, anh Nguyễn Đức Duy - Trạm trưởng Trạm QLBVR xã Sa Nhơn cùng một số hộ dân của xã được giao khoán bảo vệ rừng hồ hởi, bắt tay chào đón khi gặp chúng tôi. Mọi người sau đó cùng kiểm tra hành trang mang theo rồi di chuyển vào trong khu rừng.

Con đường men theo dòng suối dưới chân thác Nàng Tiên với hệ rừng hỗn giao tre nứa khiến việc di chuyển của cả đoàn bị chậm lại. Khi lên cao, lối đi có nhiều cây bụi và cây tre nứa mọc kín xung quanh nên một số đoạn chúng tôi phải bò sát mặt đất và luồn lách mới vượt qua được.

Lên đến độ cao gần 800m, tiếng nước chảy từ thác Nàng Tiên cứ thế nhỏ dần, đường đi cũng trở nên thông thoáng hơn. Đứng nghỉ sau chặng đường đầu tiên, tôi cũng được chiêm ngưỡng cảnh đẹp mà bản thân được nghe kể từ trước chuyến đi. Dưới tán rừng thưa với nhiều cây thẳng cao trên 50m, đường kính thân khoảng 1 vòng tay ôm của người trưởng thành, nhìn đẹp mắt đến lạ thường.

Vượt thêm vài con dốc cao theo sống lưng của sườn núi, đoàn chúng tôi phải ngừng di chuyển rồi dựng trại vì bầu trời bắt đầu âm u sắp có mưa. Với kinh nghiệm đi rừng và leo núi của mình, anh Duy, anh Thái và các hộ dân cùng bàn tính dựng trại ở khu vực có khe nước nhỏ. Thế là khoảng 30 phút sau, việc dựng trại của cả đoàn hoàn thành, khói từ bếp củi nấu cơm lúc này đã bốc lên, những hạt mưa từ trên cao cũng bắt đầu rơi xuống.

Đêm trên sườn núi, khung cảnh xung quanh tối đen như mực, bếp lửa vẫn được các thành viên trong đoàn thêm củi để giữ cho cháy liên tục. “Lửa giúp chúng ta tránh được thú rừng, côn trùng và giữ ấm cho cơ thể”, anh Duy nói.

Bắt đầu từ độ cao 1.000m trở lên, việc di chuyển hoàn toàn nhờ vào trí nhớ của các thành viên trong đoàn và sự hỗ trợ của phần mềm định vị, nên đêm hôm đấy, mọi người trao đổi về hướng leo núi cho ngày hôm sau rất sôi nổi.

Tiếng mưa rơi, tiếng lá và gió xào xạc, cùng với tiếng các động vật trong rừng như bản giao hưởng êm dịu, giúp tôi và mọi người nhanh chóng chìm vào giấc ngủ ngon lành.

Ngày hôm sau, chúng tôi dậy sớm chuẩn bị, sau đó tiếp tục hành trình lên đỉnh núi Chư Mom Ray. Con đường di chuyển mà đoàn đi thật sự rất dốc so với sự tưởng tượng của tôi. Hầu hết đường đi đều dốc trên 40 độ. Có những đoạn mọi người phải bò, lấy tay bám vào các rễ cây đầy rêu xanh để leo lên.


 

Vị trí cao 1.320m là nơi giao nhau của các con đường đi lên đỉnh núi. Ảnh: ĐT
Vị trí cao 1.320m là nơi giao nhau của các con đường đi lên đỉnh núi. Ảnh: ĐT


Vừa leo, anh Duy vừa tranh thủ giới thiệu cho tôi về lớp đất mùn dày được hình thành bởi lá cây rụng qua hàng chục năm. Lên đến độ cao 1.320m, đoàn mới đến được vị trí giao với 2 con đường đi lên đỉnh theo sườn núi phía Tây ở xã Sa Sơn. Tiếp tục hành trình theo hướng bên phải, di chuyển thêm gần 2 giờ đồng hồ cùng chục lần dừng nghỉ, qua khu vực rừng giang (họ cây tre) với lối đi hẹp, 2 bên là vách đá, vực sâu vài trăm mét, qua khu vực giống một phần rừng trảng cỏ, cây lá kim, đoàn mới đến độ cao hơn 1.500m.

 

 Làng Ba Rgốc nhỏ bé khi nhìn từ vị trí cao 1.500m trên núi Chư Mom Ray. Ảnh: ĐT
Làng Ba Rgốc nhỏ bé khi nhìn từ vị trí cao 1.500m trên núi Chư Mom Ray. Ảnh: ĐT


Ở đây, đoàn bắt gặp những con chim phượng hoàng đất với đôi cánh dài lượn vòng trên những ngọn cây cao lớn. Cũng tại vị trí này, tôi có thể nhìn thấy làng Ba Rgốc của xã Sa Sơn nhỏ bé dưới chân núi qua những tán cây rừng.

 

 Khu vực đỉnh núi là kiểu rừng thường xanh nhiệt đới nên có khí hậu mát mẻ. Ảnh: ĐT
Khu vực đỉnh núi là kiểu rừng thường xanh nhiệt đới nên có khí hậu mát mẻ. Ảnh: ĐT


Gần 13h, đoàn mới lên đến đỉnh Chư Mom Ray ở độ cao gần 1.790m. Khu vực đỉnh núi khá rộng và bằng phẳng. Dù trời nắng nhưng khí hậu nơi đây rất mát mẻ. Các loại cây rừng chủ yếu ở đây có đường kính từ 10-20cm và cao từ 10-15m, ngoài ra còn có nhiều cây chè cổ thụ, cây bạch đàn…Nơi đây còn có một vài lô cốt, hàng rào kẽm gai, thùng đạn bỏ không, mũ cối của quân đội chế độ cũ. Đứng ở đỉnh núi về phía xã Rờ Kơi, bên dưới là vách đá dựng đứng, vực sâu thăm thẳm.

Nghỉ ngơi, ăn cơm trưa được một lúc, đoàn bắt đầu xuống núi. May thay bầu trời vẫn nắng cho đến hết buổi chiều. Quá trình di chuyển xuống núi nhanh và thuận lợi hơn so với lúc leo lên nên đến hơn 17h, đoàn về đến thôn Nhơn Bình.

Kết thúc chuyến leo núi lên đỉnh Chư Mom Ray trong thời gian 2 ngày 1 đêm, với những gì được trải nghiệm, chắc chắn đó là những kỷ niệm không bao giờ quên đối với tôi. Nhờ đó, tôi cũng biết được rằng, cảnh vật và hệ sinh thái rừng ở núi Chư Mom Ray hùng vĩ, phong phú, hoang sơ và tuyệt đẹp. Hành trình lên đỉnh núi Chư Mom Ray sẽ là một trải nghiệm hấp dẫn đối với những ai thích khám phá khi đến với Vườn quốc gia Chư Mom Ray.

 

https://www.baokontum.com.vn/dat-nguoi-kon-tum/hanh-trinh-len-dinh-nui-chu-mom-ray-23724.html
 

Theo Đức Thành (baokontum)

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.